Ngoài học phí, cha mẹ học sinh các trường đã tự nguyện đóng góp tài trợ hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất trung bình hàng năm khoảng 450 tỉ đồng.

Phụ huynh TP.HCM tự nguyện đóng góp 450 tỉ mỗi năm - Ảnh 1.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới tại kỳ họp ngày 10-7 

Thông tin này được ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM báo cáo trước kỳ họp HĐND TP ngày 10-7.

Theo ông Sơn, mỗi năm TP.HCM dành hơn 26% ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi cho đầu tư xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo, nâng cấp trường học. Tuy nhiên ngân sách chưa đủ để đảm bảo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn về trường lớp.

Việc đóng góp của các phụ huynh cũng được xem là một phần xã hội hóa. Ông Sơn nêu cụ thể các khoản chi từ số tiền đóng góp này gồm: các hoạt động thường xuyên phục vụ việc học tập của học sinh, quỹ khen thưởng cho học sinh cuối kỳ, cuối năm học;

Hỗ trợ thăm hỏi ốm đau các hoạt động đột xuất trong lớp, trường; đóng góp cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm nhỏ phục vụ trường, lớp học, sửa chữa nhỏ trong trường lớp…

Theo ông Sơn, trong năm học vừa qua, việc tiếp tục mở rộng chương trình Dạy toán, khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh – Việt Nam, đề án Thẻ học đường thông minh – Thẻ SSC, mô hình trường tiên tiến… cũng là những minh chứng cho sự thành công của hoạt động xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự tham gia đóng góp của phụ huynh cho các hoạt động giáo dục tại nhà trường.

Năm học 2019-2020, dự kiến TP tăng 67.234 học sinh, trong đó mầm non tăng hơn 20.000 học sinh, tiểu học tăng gần 27.000 học sinh.

Nhìn chung, số học sinh tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi – những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Người đứng đầu ngành giáo dục TP cho biết năm học vừa qua, số học sinh không có hộ khẩu TP.HCM là hơn 294.000 em, bình quân mỗi năm tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu TP.

Việc tăng này khiến cho tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách TP.

Một số quận huyện có nhiều trường có quy mô trên 40-50 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Năm học tới đây, dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng là 882 phòng với tổng mức đầu tư hơn 2,3 ngàn tỉ đồng.

Theo ông Sơn, định mức số người làm việc cũng là một khó khăn của ngành. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của ngành trong năm học này là 425 giáo viên và nhân viên, trong khi tổng số ứng viên đăng ký trực tuyến là 1.860 người.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cha mẹ học sinhhội phụ huynhSở GD-ĐTTP HCMtrường mầm nonxã hội hóa giáo dục

Các tin liên quan đến bài viết