Tổng thống Pháp cho biết đã thuyết phục ông Trump duy trì binh sĩ dài hạn tại Syria và cũng đã tham vấn cho Mỹ trong việc hạn chế tấn công chỉ nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học vừa qua.
Theo Hãng tin Reuters, sáng sớm thứ bảy tuần này (14-4), 3 nước Anh, Pháp, Mỹ đã phóng 105 quả tên lửa nhằm vào 3 mục tiêu theo họ là các căn cứ lưu trữ hoặc phát triển vũ khí hóa học tại Syria để trừng phạt vụ tấn công nghi bằng khí độc ở Douma ngày 7-4.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra thông tin này trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên Đài BFM TV, RMC và kênh tin tức online Mediapart.
Ông nói: “10 ngày trước Tổng thống Trump nói ‘nước Mỹ nên rút khỏi Syria’. Chúng tôi đã thuyết phục ông ấy rằng việc ở lại là cần thiết. Chúng tôi cũng nói việc ở lại lâu dài là điều cần làm”.
Cả 3 nước Anh, Mỹ và Pháp đều nói họ chỉ tấn công vào năng lực phát triển vũ khí hóa học của Syria và cuộc tấn công vừa qua không nhằm mục tiêu lật độ chính quyền ông Assad hay can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria.
Ông Macron nói: “Chúng tôi đã thuyết phục ông ấy là chúng ta cần giới hạn đợt không kích nhằm vào các căn cứ vũ khí hóa học, sau khi mọi thứ đã được tiến hành một chút trên các tweet”.
Việc một tổng thống Pháp có những quan điểm thể hiện vai trò của mình dự phần vào chính sách của Mỹ trong các vấn đề quân sự tại Trung Đông như thế này là khá bất thường.
Song trong năm qua, giữa ông Macron và ông Trump đã gây dựng được mối quan hệ khá hữu hảo. Ông Macron sẽ công du tới Washington trong chuyến thăm cấp nhà nước tháng này.
Thủ tướng Anh đối mặt chỉ trích
Hôm nay (16-4) theo giờ London, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ có cuộc họp quốc hội và dự kiến sẽ phải đối mặt với luồng dư luận chỉ trích, đặc biệt từ đảng đối lập, về quyết định tham gia cuộc không kích Syria vừa qua.
Theo Hãng tin Reuters, bà May sẽ phải trình bày trước quốc hội về quyết định điều quân đội Anh tham gia cùng quân đội Mỹ, Pháp trong vụ tấn công Syria vừa qua.
Có thể thấy chắc chắn bà sẽ lặp lại quan điểm khẳng định nước Anh “tự tin vào sự thẩm định của mình trong việc cho rằng chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm” về vụ tấn công hóa học.
Tuy nhiên bà May cũng sẽ phải đối mặt với những chất vấn gay gắt về việc tại sao bà đã phá vỡ thông lệ cần phải có sự đồng ý của quốc hội cho một quyết định mà bà và các bộ trưởng lập luận họ cần phải hành động nhanh chóng.
Ông Jeremy Corbyn, thủ lĩnh đảng đối lập chính Công đảng, đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý nào để nước Anh tham gia cuộc không kích Syria vừa qua.
Ông Corbyn nói: “Lẽ ra bà ấy phải triệu tập quốc hội tuần trước… hoặc nhẽ ra bà ấy phải trì hoãn cho tới hôm sau khi quốc hội họp lại”. Cũng theo ông Corbyn, có lẽ nước Anh cần một luật pháp mạnh mẽ hơn để các chính phủ buộc phải thông qua quốc hội những quyết định tương tự.
Anh cho biết không có kế hoạch triển khai các đợt không kích khác trong thời gian tới nhằm vào Syria. Tuy nhiên Ngoại trưởng Boris Johnson cảnh báo Tổng thống Syria rằng mọi lựa chọn vẫn sẽ được cân nhắc nếu vũ khí hóa học tiếp tục được sử dụng.
Nguồn: tuoitre.vn