Đại dịch Covid-19 tiếp tục tăng tốc tấn công ở nhiều nơi trên thế giới, khiến Mỹ điêu đứng và Nga phải đón nhận kỷ lục không mong muốn về số ca nhiễm mới virus trong ngày.

Trang Worldometers thống kê, tính đến chiều ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, sau khi Yemen ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với mầm bệnh nguy hiểm.

Virus corona chủng mới hiện đã lây nhiễm cho ít nhất 1.615.049 người và cướp đi sinh mạng của 96.791 trường hợp khắp toàn cầu. Song, thế giới cũng chứng kiến gần 1/4 số bệnh nhân Covid-19 (hơn 362.000 người) hồi phục sau điều trị.

Mỹ oằn mình chống 'giặc' Covid-19, Nga ghi nhận kỷ lục buồn
Chính quyền thành phố New York, Mỹ đã phải sử dụng đảo Hart làm nơi chôn cất người chết khi số trường hợp tử vong vì dịch Covid-19 tại đây tăng kỷ lục.

Mỹ điêu đứng vì Covid-19

Mỹ vẫn tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới về tổng số ca mắc Covid-19 (468.895 người) và đứng thứ hai toàn cầu về tổng số trường hợp tử vong (16.697 người) tính đến chiều 10/4. Trong đó, bang New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca tử vong vì dịch còn nhiều hơn số liệu thống kê toàn quốc của phần lớn các nước trên thế giới, ngoại trừ chính nước Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

Thống đốc Andrew Cuomo thông báo, bang New York  ngày thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục về số người thiệt mạng vì Covid-19 trong vòng 24 giờ. Tổng số ca tử vong tại bang này tính đến hết ngày 9/4 đã lên tới 7.067 người, tăng 799 trường hợp so với một ngày trước đó. Ông Cuomo cảnh báo, tổn thất do việc bùng phát dịch đối với nền kinh tế của bang dự kiến còn nghiêm trọng hơn so với thảm họa khủng bố 11/9/2001.

Nga ghi nhận kỷ lục buồn

Chỉ trong 24 giờ qua, Nga có thêm 1.786 ca dương tính với virus corona chủng mới, mức cao kỷ lục lể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 11.917 người. Tổng số trường hợp tử vong vì dịch ở Nga tính đến chiều 10/4 là 94 người, tăng 18 trường hợp so với một ngày trước đó.

Thủ đô Moscow hiện là tâm chấn của dịch Covid-19 tại Nga. Để ứng phó, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin hôm 9/4 đã tạm thời cấm người dân đến các nghĩa trang của thành phố, ngoại trừ những người đi đưa tang. Chính quyền thành phố cũng lên kế hoạch giám sát sự di chuyển của du khách nước ngoài thông qua định vị trên điện thoại nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan khi Nga mở cửa biên giới trở lại.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ phân bổ ngân sách hỗ trợ cho các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch.

Châu Âu kéo dài các biện pháp cách ly xã hội để dập dịch

Để đối phó với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ kéo dài thời gian thực thi các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội.

Mặc dù tuyên bố thời điểm tồi tệ nhất của dịch bệnh sẽ sớm qua đi và số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày ở Tây Ban Nha đang giảm xuống, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố nhiều khả năng sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới tận tháng 5. Nước này hiện có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới (157.022 người) với gần 16.000 trường hợp trong số đó đã tử vong.

Tương tự, chính phủ Italia cũng dự định kéo dài các lệnh phong tỏa tới ngày 5/3 để dập dịch. Quốc gia hình chiếc ủng bắt đầu áp lệnh phong tỏa từ ngày 9/3 và theo kế hoạch ban đầu sẽ kết thúc các biện pháp hạn chế này vào ngày 13/4. Italia đang là nước có số người thiệt mạng vì virus corona chủng mới cao nhất thế giới, lên tới 18.279 người trong tổng số 143.286 ca nhiễm, tính đến chiều 10/4.

Báo Guardian dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, các biện pháp giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả, giúp nước này làm chậm lại sự lây lan của virus corona chủng mới. Đức hiện cũng là một trong những “điểm nóng” về dịch Covid-19 trên thế giới với gần 119.000 ca nhiễm và 2.607 trường hợp đã tử vong.

Trong khi đó tại Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân ở nhà trong dịp nghỉ lễ Phục sinh sắp tới. Nhà chức trách bày tỏ lo ngại, việc gia tăng các hoạt động thăm viếng gia đình và bạn bè dịp này như thông lệ các năm trước có thể hủy hoại những nỗ lực kiểm soát dịch, khi tổng số ca nhiễm Covid-19 ở đảo quốc sương mù đã lên tới hơn 65.000 người với 7.978 trường hợp tử vong.

Các tin nóng khác về đại dịch Covid-19:

– Don Harwin, Bộ trưởng Nghệ thuật bang New South Wales, Australia vừa bị phạt 1.000 AUD (gần 15 triệu đồng) vì vi phạm lệnh giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 khi ông rời thành phố Sydney để đến nhà nghỉ của gia đình ở vùng Central Coast. Tính đến ngày 10/4, ít nhất 6.152 người ở Australia nhiễm Covid-19 với 53 trường hợp trong số đó đã tử vong.

– Chính phủ Thái Lan ngày 9/4 thông báo, 15.000 công dân nước này ở ngoại quốc đã đăng ký với Bộ Ngoại giao xin được hồi hương sau nhà chức trách quyết định đóng cửa biên giới để dập dịch Covid-19. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khuyến cáo những công dân đang bị mắc kẹt ở nước ngoài “tốt nhất nên tự tìm nơi trú ẩn” ở địa điểm lưu trú hiện tại để tránh nguy cơ nhiễm bệnh trên đường về.

– Tổng thống Botswana và 63 nghị sỹ của nước này vừa phải tự cách ly do tiếp xúc với một nhân viên y tế dương tính với virus corona chủng mới. Quốc gia châu Phi này hiện mới ghi ghi nhận 13 ca mắc Covid-19 và một người tử vong vì dịch.

– Theo tờ New York Times, ít nhất 150 thành viên thuộc Hoàng gia Ảrập Xê-út đã bị nhiễm virus corona chủng mới. Trong đó, Hoàng tử Faisal bin Bandar bin Abdulaziz Al Saud, Thủ hiến Riyadh đang phải nằm điều trị trong phòng chăm sóc tích cực tại bệnh viện. Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman đang đi cách ly tránh dịch ở hai nơi riêng rẽ bên bờ Biển Đỏ.

– Thành phố Daegu, tâm dịch Covid-19 ở Hàn Quốc hôm 10/4 lần đầu tiên thông báo không có thêm ca nhiễm virus corona chủng mới nào trong ngày, kể từ cuối tháng 2. Nhờ các biện pháp dập dịch quyết liệt, số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 ở Hàn Quốc đã giảm mạnh so với trước. Nước này hiện ghi nhận 10.450 ca nhiễm Covid-19 với 450 trường hợp đã tử vong và 7.117 bệnh nhân đã hồi phục.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : AnhCOVID-19đại dịchMỹ

Các tin liên quan đến bài viết