Thời gian gần đây, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đủ loại đã và đang xuất hiện tràn lan trên thị trường. Điều đáng lo ngại là các loại phân bón này không chỉ làm cho người nông dân bị “móc túi” mà còn ảnh hưởng đến mùa vụ, sản lượng và chất lượng cây trồng, thậm chí làm chết vườn cây. Cụ thể là hàng trăm hộ trồng tiêu ở huyện Bù Đốp mua phải phân bón Ong Biển kém chất lượng nên hàng trăm héc ta tiêu đang cho thu hoạch bị chết dần.

Đội quản lý thị trường số 6 thị xã Đồng Xoài kiểm tra phát hiện 1 cơ sở sản xuất phân bón vi sinh nghi giả tại Đồng Xoài - Ảnh: Kim PhụngĐội quản lý thị trường số 6 thị xã Đồng Xoài kiểm tra phát hiện 1 cơ sở sản xuất phân bón vi sinh nghi giả tại Đồng Xoài – Ảnh: Kim Phụng

Trả lời bổ sung chất vấn của đại biểu Quốc hội về chất lượng phân bón tại phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp lần thứ 2 diễn ra vào sáng 15-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, trong công tác quản lý và sử dụng phân bón đang “có vấn đề”. Và cử tri trong cả nước sau khi nghe phát biểu này đều cho rằng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường như hiện nay và các cơ quan chức năng, cũng như chính quyền các cấp chưa có giải pháp quản lý, ngăn chặn một cách hữu hiệu.

Về sử dụng phân bón, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay mỗi năm, cả nước sử dụng 10-11 triệu tấn phân bón, trong đó sản xuất trong nước khoảng từ 8-9 triệu tấn và nhập khẩu 2-3 triệu tấn. Bất cập lớn nhất trong việc sử dụng phân bón của nông dân Việt Nam hiện nay là hơn 90% sử dụng phân bón vô cơ (9-10 triệu tấn), chỉ có 1 triệu tấn phân bón hữu cơ được sử dụng. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân làm cho nông sản của chúng ta không sạch, chất lượng không cao, ô nhiễm môi trường và giảm độ phì của đất. Nếu để tình trạng này lâu dài, giá trị nông nghiệp không thể tăng lên. Vì vậy, vấn đề lớn nhất hiện nay là chúng ta phải định hướng lại sản xuất phân bón, đẩy mạnh sản xuất và sử dụng các loại phân bón hữu cơ. Vì nước ta có nhiều tiềm năng sản xuất phân bón vô cơ như: có lượng phân bùn lớn, mỗi năm có 50 triệu tấn phụ phẩm (rơm, rạ, thân cây ngô, đậu…),… và khoảng 100 triệu tấn phế thải của động vật đủ cho nền công nghiệp phân hữu cơ phát triển. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để chuyển hướng sản xuất từ phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ nhằm tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Nguyên nhân thứ hai là bất cập trong công tác quản lý. Cụ thể, trước năm 2014, phân bón được quản lý theo danh mục. Theo đó, mỗi loại phân bón trước khi được đưa vào danh mục được phép lưu thông sẽ phải thông qua hội đồng kiểm nghiệm, thẩm định. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, công tác quản lý phân bón được chuyển sang tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, do việc ra đời các quy chuẩn, tiêu chuẩn đòi hỏi có thời gian nên đến nay việc quản lý phân bón theo hình thức này vẫn còn một số vướng mắc và chưa thể thực hiện được. Vì vậy, văn bản quy phạm pháp luật đang được áp dụng trong lĩnh vực này là Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón.

Cụ thể, tại điều 4 của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón, có quy định như sau: Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón… Quản lý sản xuất – kinh doanh và chất lượng phân bón vô cơ; Chỉ định, quản lý hoạt động các phòng kiểm nghiệm phân bón vô cơ; Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về phân bón vô cơ; Thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về phân bón vô cơ; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phân bón vô cơ; Đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón vô cơ; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất – kinh doanh và chất lượng phân bón vô cơ… Trường hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân vừa sản xuất phân bón vô cơ vừa sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý sản xuất – kinh doanh, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác; Chỉ định, quản lý hoạt động các phòng kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác; Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón trong lĩnh vực phân bón; Thực hiện khuyến nông, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và hướng dẫn việc sử dụng phân bón;…

Chính quy định này đã gây ra kẽ hở, khoảng trống ở chỗ, nếu 2 bộ phối hợp không tốt sẽ dẫn tới nảy sinh gian dối. Để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này, việc đầu tiên cần làm là sửa đổi nội dung của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, nhằm phân định rõ trách nhiệm của 2 bộ nêu trên, để tránh những chồng chéo và không tạo kẽ hở trong quản lý phân bón.

Theo: BPO

Từ khóa : đội quản lý số 6Phân bón giả

Các tin liên quan đến bài viết