Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng đảng do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức ngày 4-3 tại Hà Nội, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã gợi mở, năm 2017 ngành nên chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá. Vấn đề không mới nhưng hết sức hệ trọng không chỉ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên mà với nhân dân cả nước.
Ảnh minh họa
Có thể nói, đánh giá cán bộ là công việc rất khó, nhạy cảm bởi liên quan tới con người với bản chất là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Đánh giá đúng cán bộ là tiền đề để quyết định bố trí, sử dụng cán bộ; đồng thời làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí để phát huy được tiềm năng, sở trường của cán bộ đó. Nếu đánh giá không đúng, không trúng, không chính xác có thể dẫn đến sử dụng cán bộ một cách tùy tiện, làm mất đi động lực phấn đấu của từng cá nhân, thậm chí làm xáo trộn tâm lý của cả một tập thể.
Vì vậy, ngay từ khi ra đời, công tác này luôn được Đảng ta đặt lên hàng đầu, là khâu trọng yếu của công tác cán bộ. Nhiều nghị quyết, quyết định, quy chế về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ được ban hành. Việc đánh giá ngày càng được định lượng rõ ràng, sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; dần khắc phục tình trạng nhiều cá nhân được đánh giá là hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ nhưng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của tập thể lại chỉ ở mức trung bình, thậm chí không hoàn thành. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đưa ra nhiệm vụ tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp. Trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp… Các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương từ sau đại hội đến nay cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế để kịp thời thay thế, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nêu rõ: Hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, đảng viên là: chương trình hành động của tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Để công tác đánh giá cán bộ ngày càng đi vào thực chất, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, nghiêm túc, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là những người đứng đầu. Đồng thời, có sự tham gia, giám sát, đóng góp, xây dựng của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân. Từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Hoàng Ngọc