Hôm 28-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm ba bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận về tình hình chiến sự Ukraine.
Sau cuộc điện đàm, ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng tìm giải pháp để việc xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở, bao gồm cả ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở biển Đen.
Đổ lỗi cho nhau
Nga và Ukraine cùng sản xuất gần 1/3 lượng tiêu thụ lúa mì của thế giới. Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, còn Ukraine sản xuất ngũ cốc lớn thứ năm thế giới vào năm 2020.
Ukraine cũng sản xuất lúa mì, dầu hạt hướng dương và các sản phẩm nông nghiệp khác. Do đó việc chiến sự kéo dài sang tháng thứ ba khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng.
Theo Điện Kremlin, ông Putin ra điều kiện với hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức rằng Nga sẵn sàng tăng xuất khẩu phân bón và các sản phẩm nông nghiệp nếu một loạt biện pháp trừng phạt chống Nga từ phương Tây được nới lỏng.
Theo Hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Nga cũng đã nêu ra đề nghị tương tự trong các cuộc hội đàm gần đây với các nhà lãnh đạo Ý và Áo.
Theo Văn phòng thủ tướng Đức, trong cuộc điện đàm trên, cả ông Scholz lẫn ông Macron đều kêu gọi ông Putin tham gia “các cuộc đàm phán trực tiếp và nghiêm túc” với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về thỏa thuận ngừng bắn và rút quân của Nga. Đáp lại, ông Putin nói Nga sẵn sàng nối lại đối thoại với Ukraine nhưng đổ lỗi cho phía Ukraine không hợp tác.
Thông tin thêm về tiến triển hòa đàm, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Ukraine là nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ vì “những lãnh đạo Ukraine liên tục đưa ra những thông điệp trái ngược nhau, khiến chúng tôi không thể hiểu đầy đủ những gì phía Ukraine muốn”.
Tổng thống Zelensky đã phản bác lại bình luận của ông Peskov. Trong thông điệp gửi ra quốc tế ngày 28-5, Tổng thống Zelensky nói rằng đã nhiều lần cố gắng sắp xếp một cuộc gặp hòa bình với Tổng thống Putin, “nhưng Nga dường như chưa sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc”.
Ông Zelensky khẳng định phía Ukraine muốn cuộc sống trở lại bình thường: “Chúng tôi muốn lấy lại sự sống của một quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ của riêng mình”.
Sẽ có nạn đói, nếu…
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tuần trước, Tổng thống Zelensky cáo buộc các lực lượng Nga đang ngăn chặn Ukraine xuất khẩu 22 triệu tấn thực phẩm bao gồm “ngũ cốc, lúa mạch, hướng dương và hơn thế nữa”.
Ông Zelensky kết luận rằng nếu Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc trong những tháng tới và nếu không đạt được các thỏa thuận chính trị với Nga thông qua trung gian, thế giới sẽ xảy ra nạn đói.
Theo Tổ chức Nông lương (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc, trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng trên thế giới. Năm 2020, số người không được tiếp cận với thực phẩm đầy đủ đã tăng thêm 320 triệu người lên 2,37 tỉ người.
Chiến tranh nổ ra ở Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa các bên liên quan đã khiến tình trạng thiếu hụt lương thực thêm xấu đi. Xung đột Nga – Ukraine đã gây ra một hiệu ứng lan rộng trên toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và góp phần làm tăng giá nhiên liệu cũng như khan hiếm ngũ cốc và phân bón.
FAO ước tính rằng một phần ba cây trồng và đất nông nghiệp của Ukraine có thể không được thu hoạch hoặc canh tác vào năm 2022, kết hợp với tình trạng thiếu phân bón từ Nga có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực và ảnh hưởng đến nạn đói vào cuối năm nay và năm sau.
Trong hai ngày 30 và 31-5, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham dự một hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Brussels (Bỉ) với mục đích chính là để thống nhất việc thực hiện gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy một số nước như Hungary, Bulgaria, Slovakia, Czech… than phiền thời hạn loại bỏ dần dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm dầu tinh chế trong vòng 9 tháng không đủ cho họ tìm ra những nguồn năng lượng thay thế, nhưng hẳn là Brussels sẽ có giải pháp thỏa đáng để đạt được sự nhất trí của 27 nước hòng tăng thêm áp lực lên phía Nga.
Chí ít thì động thái nêu “vũ khí lương thực” để đổi lại nới lỏng một số lệnh cấm vận của ông Putin trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Pháp, Đức cho thấy gói trừng phạt của phương Tây lên Matxcơva đã phần nào phát huy được tác dụng.
Ukraine chờ thêm “tin tốt” về vũ khí
Ngày 29-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông hy vọng sẽ nhận thêm tin tốt từ phương Tây trong tuần này sau khi đã nhận nhiều vũ khí hạng nặng hồi cuối tuần trước.
“Mỗi ngày chúng ta đang tiến gần hơn đến thời điểm mà quân đội của chúng ta sẽ vượt qua về mặt công nghệ và hỏa lực của Nga. Tất nhiên điều này phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác, sự sẵn sàng của họ nhằm cung cấp cho Ukraine mọi thứ cần thiết để bảo vệ tự do. Và tôi mong đợi tin tốt về điều này vào tuần tới”, ông Zelensky nói với Hãng thông tấn Ukrinform.
Trước đó Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận nước này đã bắt đầu nhận tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch và pháo tự hành của Mỹ có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa.
Trên thực địa, tình hình tại khu vực Donbass ở miền đông Ukraine đang ngày càng căng thẳng khi Kiev bác bỏ tuyên bố của Nga đã chiếm thành phố Lyman và bao vây thành phố Sievierodonetsk. Ukraine cho biết lực lượng nước này vẫn đang chiến đấu ở Lyman và Sievierodonetsk.
Cũng trong ngày 29-5, Nga cho biết đã phá một kho vũ khí lớn của Ukraine ở thành phố Kryvyi Rih, thuộc miền trung nước này, bằng tên lửa tầm xa.
Nguồn: tuoitre.vn