Mỗi cân quýt PQ bán với giá 2.000-2.500 đồng vẫn không có người mua. Nhiều người dân chán nản không thu hoạch, mà để quýt rụng đầy gốc.

Nghĩa Đàn được mệnh danh là huyện giàu đất đỏ bazan của tỉnh Nghệ An. Là vựa phát triển cây ăn quả bậc nhất của mảnh đất xứ Nghệ hiện nay. Cũng vì thế mà mảnh đất Nghĩa Đàn này đang trên đà phát triển mạnh cây có múi đứng đầu tỉnh Nghệ An.

Nước mắt người trồng quýt ở vùng đất đỏ bazan
Hiện nay quýt PQ ở xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) có giá từ 2000- 2.500 đồng/kg nhưng không có thương lái đến thu mua.

Phát triển quýt PQ ở xã nghèo

Quýt PQ là một trong những cây trồng giúp nhiều nông dân ở Nghĩa Đàn, khấm khá lên nhiều năm qua. Tuy nhiên năm nay, giá quýt xuống thấp và không có thương lái đến hỏi mua khiến nhiều gia đình, nhà vườn gặp khó khăn.

Với hơn 10 năm thâm niên trong nghề trồng cam, quýt, gia đình chị Phạm Thị Thảo, ở xóm Mai Liên, xã Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn) trồng 2 ha quýt PQ, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng.

Những năm trước, vào thời điểm này gia đình đã thu hoạch xong để chăm sóc vụ mới. Nhưng những tháng đầu năm 2021, cả vườn quýt PQ chín vàng và ra hoa, chị ngậm ngùi vì chỉ bán được với bán chỉ 2.000 đồng/kg. Dù vậy vẫn không có ai hỏi mua.

Nước mắt người trồng quýt ở vùng đất đỏ bazan
Bà Nguyễn Thị Thành, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cắt bỏ những trái quýt sắp rụng.

“Giá quýt PQ năm nay quá rẻ so với công sức bỏ ra, năm ngoái, tầm giờ thu hoạch xong để chăm sóc vụ mới, nhưng năm nay không có ai mua cho. Mong muốn của chúng tôi là các cấp chính quyền có cách nào để “giải cứu” quýt cho người dân chúng tôi, để bớt khổ…”, chị Thảo chua xót nói.

Từ đầu vụ đến nay, gia đình chị Thảo đã đầu tư phân bón, nhân công hơn 50 triệu đồng, nhưng đến nay dù quýt sai quả nhưng không có ai đến thu mua.

“Như mọi năm, vườn quất này đã bán hết trong Tết. Đến thời điểm này quả chín vàng hươm, nhưng gia đình tôi đâu có dám hái, cứ để mặc cho quả rụng dưới gốc thôi…”, chị Thảo buồn rầu cho biết thêm.

Cùng chung cảnh khó khăn như chị Thảo, bà Nguyễn Thị Thành (xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) than thở: “Những năm trước, do cây quýt dễ trồng, bán được giá nên gia đình chúng tôi cũng đầu tư trồng 1ha quýt PQ, giá quýt trung bình từ  8.000 – 10.000/kg trừ chi phí, lợi nhuận của gia đình cũng gần 100 trăm triệu đồng”.

Nước mắt người trồng quýt ở vùng đất đỏ bazan
Người trồng quýt PQ xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nhặt những quả quýt rụng gom lại một chỗ để đưa đi đổ.

Nhưng năm nay được mùa, mà lại mất giá, đến thời điểm này trái chín vàng trên cây nhưng chưa có thương lái nào đến thu mua. “Chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành từ huyện đến xã tìm đầu ra cho sản phẩm…”, bà Nguyễn Thị Thành nói.

Được biết, toàn bộ xã miền núi Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn) có trên 90 ha cây có múi, trong đó có khoảng 37 ha quýt PQ đang cho thu hoạch. Tính đến thời điểm này, số diện tích quýt bán được chỉ 5 -7 ha. Vì vậy, những người trồng quýt cũng như chính quyền địa phương chỉ mong sản phẩm được giải cứu, vớt vát đầu tư, hy vọng vụ sau quýt được giá.

Nước mắt người trồng quýt ở vùng đất đỏ bazan
Thời điểm này, quýt chín rụng lăn lóc dưới tán cây. Người trồng quýt ở Nghĩa Đàn, Nghệ An như rơi nước mắt vì bán chẳng ai thèm mua.

Quýt được mùa, mất giá, nông dân rơi nước mắt

Ông Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết: “Cả xã Nghĩa Mai có 37 ha trồng quýt PQ đang kỳ thu hoạch, đây là giống cây thế mạnh của địa phương. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều sản phẩm của bà con nông dân làm ra không tiêu thụ được. Hiện nay quýt đã cuối vụ, bán rẻ cũng không có ai mua khiến nhiều hộ nông dân đứng ngồi không yên”.

Với giá bán hiện nay, các hộ nông dân trồng quýt cho rằng thu không đủ bù chi phí. Những năm trước, cây quýt là loại cây mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Nay giá thu mua xuống rất thấp, nông dân đã không có lời, khiến cho các hộ dân lo lắng trong việc đầu tư trong thời gian tiếp theo.

Nước mắt người trồng quýt ở vùng đất đỏ bazan
Nhiều diện tích quýt PQ ở xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An sai quả nhưng chưa có thương lái đến thu mua, người nông dân như ngồi trên đống lửa

Theo khảo sát tại các nhà vườn, giá quýt PQ được cắt bán tại vườn dao động ở mức 2.000 – 2.500 đồng/kg. Do tiêu thụ chậm nên nhiều nhà vườn trồng quýt PQ ở Nghĩa Mai chỉ cắt đóng thùng rồi đem bán lẻ tại các chợ trong và ngoài huyện.

Ông Lê Văn Phú, thương lái chuyên chở trái cây đi tiêu thụ tại các chợ ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP Vinh cho biết: “Giá trái cây năm nay tiêu thụ giảm là do dịch bệnh Covid-19; thứ 2 do sản lượng ngày càng nhiều. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nội địa là chính, xuất khẩu chỉ được số lượng nhỏ nên buộc phải giảm giá”.

Nước mắt người trồng quýt ở vùng đất đỏ bazan
Trong khi đó, xen kẽ quả chín, hiện nay quýt cũng đã ra hoa cho mùa vụ mới.

Ngoài ra, thời điểm này, những loại trái cây khác ở các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng tràn ngập thị trường.

Phong trào chuyển đổi trồng cây có múi trên địa bàn Nghĩa Đàn phát triển mạnh, kéo theo đó là thực trạng cung vượt quá cầu đang diễn ra. Quýt được mùa rớt giá và không có thương lái đến mua.

Ngoài việc kiểm soát về diện tích, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu việc hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ người dân cải tiến kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng của vườn cây. Đồng thời cần tuyên truyền vận động bà con trồng xen kẽ nhiều loại cây, trồng rải vụ nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, tránh dồn vào một thời điểm để tình trạng được mùa rớt giá.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Nghệ AnNghĩa đànquýt PQthu mua

Các tin liên quan đến bài viết