Nhờ khả năng nhảy múa một chân, Băng (quê Cao Bằng) giành quán quân Vẻ đẹp vầng trăng khuyết. Cũng nhờ nó cô nên duyên với giáo sư toán học Đức.
https://youtu.be/P-T4LZwXD1A
Đêm 19.4, chỉ trên một chân, Bế Thị Băng đã thể hiện sự mềm mại, sexy của điệu múa Ba Tư, nét cứng cỏi của múa Ấn Độ, lúc thì sôi động trong vũ điệu Flamenco (Tây Ban Nha)… Bài múa đặc biệt đã giúp nữ bác sĩ 32 tuổi quê Hoà An (Cao Bằng) giành giải cao nhất tại cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết cho người khuyết tật Việt Nam, vừa diễn ra tại Hà Nội.
“Giây phút ban tổ chức đọc tên, mình như vỡ oà, giống như một cục uất nghẹn trong lòng bao năm qua đã tan biến”, cô nói, nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt.
Chồng Băng không thích vợ dùng chân giả vì nó khiến cô đau đớn. “Đi chân giả khoả lấp được khuyết tật nhưng không còn là chính mình nữa”. Giờ thì Băng tự tin đi lại một chân (với sự hỗ trợ của nạng), tự tin diện váy áo đẹp. Ảnh: Phan Dương.
Cục uất nghẹn như Băng nói đã ngự trị lòng cô kể từ sau tai nạn tháng 2.2012. Hôm đó nữ bác sĩ nha khoa tan làm từ một phòng khám ở quận Hoàn Kiếm về nhà trọ thì bị một chiếc xe container đâm vào. Băng tỉnh lại 4 ngày sau với chân phải cụt đến háng, chân trái đang hoại tử dần, khả năng sống của cô được tiên lượng chỉ… 5%.
Cô đã nghe thấy cuộc trò chuyện của bác sĩ với bố. “Cháu bị cắt hết chân, bụng trướng lên như thế, khả năng không qua được đâu”. Bố Băng vẫn cố nói lại: “Nó không chết được đâu”.
Quả thật, cô gái trẻ giữ được một chân và sống sót thần kỳ sau tai nạn. Khoảng thời gian đầu cô chán nản, nghĩ về tương lai chỉ một màu xám xịt. “Một lần mẹ gọi điện cho mình vô tình nói: ‘Mẹ sợ ra đường không dám ngẩng đầu lên’. Hoá ra mẹ sợ ánh mắt của người xung quanh. Lòng mình đau nhói, cha mẹ sinh ra lành lặn, mình lại đánh mất món quà vô giá đó. Tội lỗi dâng cao, mình quyết phải làm gì đó có ích cho bố mẹ”, giọng nghẹn ngào, cô kể.
Tai nạn khiến cô gái phải học lại cách tập đi, tập cân bằng cơ thể khi chỉ còn một chân. Sau bao lần đi xin việc, Băng cũng được nhận vào một phòng khám nha khoa với điều kiện làm không công, bởi “họ nhận chỉ vì thương, chứ không tin làm được việc”. May mắn công việc lại hợp. Sau một thời gian nhiều khách hàng chỉ muốn được làm với cô.
Băng đang là chủ một phòng khám nha khoa ở Nguyễn Trãi (Hà Nội) và kinh doanh homestay. Từ lúc mất đi đôi chân, cô tìm đến nhảy múa và tạo nên những vũ điệu của riêng mình. Ảnh: NVCC.
Suốt một năm sau tai nạn cô chỉ biết vùi đầu vào công việc để quên đi nỗi đau. Bước sang năm 2014, Băng tìm ra một niềm vui từ thuở nhỏ – học múa. “Sáng đó khi về quê, mẹ tôi đã đập cửa uỳnh uỳnh, bắt dậy lên sân thượng ngắm bình minh. Bực vì bị phá giấc ngủ, nhưng khi lên đó, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bình minh mới ló sáng rực sau những tán cây um tùm. Bất giác tôi muốn nhảy”.
Kiên trì luyện tập, Băng đã nhìn thấy đôi tay mình mềm hơn, cái lắc hông quyến rũ hơn qua cái bóng đổ trên sân thượng. Nơi đó cũng ghi dấu những cú ngã tự do thâm tím mông, để rồi sau đó cô học được cách giữ thăng bằng, nhảy hay xoay người chỉ với một chân.
Niềm vui mới giúp Băng vui vẻ, tự tin hơn. Sau này cô bắt đầu đăng các video nhảy múa của mình lên Youtube. Nhiều người nói được truyền cảm hứng, động lực khiến Băng càng cố gắng. Về đường sự nghiệp, Băng chung vốn với bạn mở một phòng khám mới.
Anh Oturak luôn nói với vợ: “Người khuyết tật không xấu, mà chỉ làm họ trở nên đặc biệt”, nhờ đó cô lạc quan, tự tin là chính mình. Ảnh: NVCC.
Một chiều cuối năm 2016, Băng tiễn bạn ra sân bay thì có một người đàn ông Đức tên Oturak Be bắt chuyện nhờ chỉ đường. Hai ngày sau, khi đang một mình lượn hồ Tây, Băng chạm phải một đôi mắt đang nhìn mình, để rồi nhận ra người từng gặp gỡ. Hôm đó họ nói với nhau nhiều hơn.
Sau vài ngày đi chơi cùng, Oturak mới biết Băng chỉ có một chân (do cô đi chân giả), và thích thú khi biết cô có thể bơi. “Tôi còn biết nhảy nữa cơ”, Băng đáp và cho xem kênh Youtube của mình, trước đôi mắt kinh ngạc của Oturak. “Anh ấy bảo yêu tôi từ những video nhảy đó”, Băng cười kể.
Chàng trai Đức mời cô cùng đi du lịch, cô cũng mời anh về thăm hang Pác Bó quê mình. Trước ngày về nước, Oturak gửi tin nhắn cầu hôn, song nhận lại câu trả lời: “Em không xứng đáng”. Bực vì câu nói ấy, anh gửi lại một email dài, trong đó có đoạn: “Cái câu xứng đáng đấy ở nước ngoài là một từ xấu. Em tự tin, em xinh đẹp, em quyến rũ, em phải hiểu em xứng đáng với tất cả. Đừng bao giờ nói lại từ đó với anh nữa”.
Bố Băng cũng động viên con gái. Ông đã nhận ra chàng trai này có thể chăm sóc cho con mình khi anh giơ hai bàn tay che chắn để cô không bị ngã trên đường đất trơn trong lần đầu tiên về chơi nhà.
“Những suy nghĩ của anh ấy thực sự cởi mở, tôi nghĩ có thể ở nước ngoài người ta không có định kiến với người khuyết tật, từ đó tôi nhận lời đến với anh”, cô giãi bày. Ngày quen Oturak cô chỉ biết anh làm nghề giáo viên. Từ đó cứ 3 tháng một lần, Oturak sang thăm Băng. Tình yêu của cả hai tiến triển tốt đẹp. Cuối năm 2017 họ kết hôn. Lúc này Băng mới biết chồng mình là một giáo sư Toán học.
Kết hôn rồi Băng bị chồng dọa ly hôn sau năm lần, bảy lượt cô trì hoãn kế hoạch đoàn tụ để được tham gia chương trình Vẻ đẹp vầng trăng khuyết. Băng đã bắt đầu tham gia vòng loại cuộc thi từ năm 2016.
Cuộc thi kết thúc, cô gái dân tộc Tày Bế Thị Băng đã toại nguyện. Cô sẽ sớm sang Đức đoàn tụ với chồng, nếu sức khoẻ tốt sẽ sinh con. Cô cũng vẫn đi lại liên tục về Việt Nam quản lý phòng khám răng và những homestay mình đã tạo ra bao năm qua.
* Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại