Chiến tranh triền miên nhiều năm qua đã đưa đến một bi kịch mới: nhiều phụ nữ Syria phải chịu cảnh phòng không chiếc bóng khi không còn đàn ông để cưới!
Cô sinh viên Nour nhìn xuống ngón tay áp út của bàn tay trái mình với vẻ buồn tênh: nó vẫn trống không; đám bạn cùng chung khu học xá của Đại học Damascus của cô cũng chẳng khá hơn. Ở đất nước đang chìm trong chiến tranh này, đàn ông độc thân sao mà hiếm hoi đến thế…
Năm nay 30 tuổi, Nour chọn con đường học tiếp và khẳng định cô không còn kiên nhẫn để chờ đợi một ý trung nhân nào nữa dù trong một xã hội rất bảo thủ như tại Syria, phụ nữ trước đây thường lập gia đình trước tuổi 30.
Những cuộc chiến dai dẳng tại Syria nhiều năm qua đã khiến đa số thanh niên nước này phải đi lánh nạn, hoặc vào quân đội, hoặc đã chết.
Những cuộc hôn nhân qua Skype
Vào giai đoạn đầu của nội chiến năm 2011, Nour khi đó đang chuẩn bị lấy bằng cử nhân kinh tế và nhận được nhiều lời cầu hôn nhưng cô chưa đồng ý vì còn đang bận học, nhưng nay thì, như cô chia sẻ: “Chẳng còn ai đến hỏi cưới tôi nữa”.
Thực ra không hẳn thế, có điều là những người đến hỏi cưới cô thì hoặc đã góa vợ hoặc đã “quá già”!
Sau khi ra trường, Nour chẳng còn gì bận bịu như trước nữa, mà tìm chồng thì cũng chẳng có, nên cuối cùng cô quyết định ghi danh học thêm một bằng đại học nữa về văn chương, chỉ là để “giết thời gian” thôi.
Tôi không có bạn, không có người yêu mà cũng chẳng có chồng. Nghĩ đến chuyện đến lúc rước được một ông chồng mà tóc đã hoa râm thì phát khiếp. Cho nên tôi quyết tâm dập tắt vĩnh viễn cái hy vọng đó rồi”
Tâm sự của cô Nour, 30 tuổi
Nữ giáo sư tâm lý học Salam Qassem tại thủ đô Damascus giải thích rằng “hiện nay, một phụ nữ Syria có thể lấy chồng ở tuổi 32 mà không sợ bị ai đó gièm pha cho là quá già”. Bởi sau gần 7 năm chiến tranh, tại đất nước này đã có hơn 340.000 người chết và hàng chục ngàn thanh niên phải cầm súng ra chiến trường.
Trên tổng số 23 triệu người trong giai đoạn trước chiến tranh, thì nay đã có hơn 5 triệu người rời bỏ đất nước và hơn 7 triệu người phải bỏ nhà cửa ra đi.
Chính điều này đã gây ra một hệ lụy lớn là làm lung lay các mối quan hệ xã hội, trong khi đây là nền tảng mà trước kia các bậc cha mẹ thường dùng để tìm dâu, rể khi muốn dựng vợ gả chồng cho con cái, mà nay thì nhiều liên lạc họ hàng bằng hữu đã bị cắt đứt.
Bà con họ hàng trước kia khắng khít với nhau bao nhiêu thì nay các gia đình đã ly tán khắp nơi. Cho nên nhiều bạn trẻ Syria giờ đây xoay xở theo cách khác là tìm bạn đời qua ứng dụng mạng Skype, kể cả việc làm hôn thú cũng online nốt.
Đàn ông sợ cưới vợ vì “lo bản thân còn chưa xong”
Cô Yousra, 31 tuổi, hiện đang làm thông dịch viên cho một cơ quan chính phủ, kể rằng cha mẹ cô luôn canh cánh sợ con mình “lỡ thì” nên bà mẹ nhắc suốt: “Mẹ không muốn nhìn thấy con thành gái già đâu nhé!” và thúc giục cô hãy nhanh chóng “tìm kiếm chung quanh mình xem có ai ưng ý thì làm đám cưới ngay”.
Tình cảnh của Yousra cũng giống như Nour, là “gái già” đâu chưa thấy mà chỉ thấy chung quanh các cô hiện nay toàn là… trai già!
Yousra kể với Hãng tin AFP rằng cả một thời tuổi trẻ nơi đây đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi do cuộc chiến gây ra: ngoài chuyện thiếu vắng đàn ông thì cuộc chiến cũng đã khiến các cuộc hôn nhân giữa các đối tượng thuộc các cộng đồng tôn giáo khác nhau trở nên khó khăn hơn trước.
Nhưng anh Firas, 37 tuổi, thì vẫn nhùng nhằng chuyện hôn nhân. Anh giải thích: “Giá cả sinh hoạt tăng vọt cộng với nhiều khó khăn tài chính khác nữa thì làm sao mà tính đến hôn nhân cho được? Ai mà cưới vợ trong lúc này thì quả là điên khùng rồi. Tôi còn lo không xuể cho cuộc sống riêng của tôi chứ nói gì đến chuyện lấy vợ. Có vợ có con rồi thì xoay xở sao đây?”.
Còn chàng sinh viên y khoa 26 tuổi Mounzer Kallas thì chọn cho mình một đường đi khác, anh tâm sự: “Tôi hoàn toàn không còn nghĩ đến chuyện vợ con gì nữa, tôi đã quyết định theo anh tôi sang Đức. Tôi cố tìm cho được một tấm vé máy bay để qua bên đó còn hơn là cưới một cô vợ bên đây”.
Nguồn: tuoitre.vn