Câu chuyện xả thân cứu người đuối nước của hai chàng lính quả cảm trong tuần qua như một liều “kháng thể” trước những “virus tiêu cực” của xã hội.

Những tấm gương quên mình cứu nạn: Lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống - Ảnh 1.

“Người hùng” Nguyễn Đức Chính sau khi cứu được nữ sinh thoát khỏi tử thần 

Chị Phạm Thị Mai Hiên – bí thư Đoàn thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) – nói rằng hành động của cựu lính hải quân Nguyễn Đức Chính nhảy từ cầu Thịnh Long ở độ cao khoảng 30m xuống sông Ninh Cơ để cứu một nữ sinh lớp 8 đang chới với trong dòng nước chảy xiết xứng đáng được ca ngợi.

“Hành động của Chính thật sự không phải ai cũng dám làm và xứng đáng để tuổi trẻ chúng tôi học tập, noi theo. Ngay sau khi biết được sự việc, chúng tôi đã báo cáo với Đảng ủy, UBND và Đoàn cấp trên tổ chức đến thăm, tặng quà động viên và có các bài viết để tuyên truyền, đề xuất tuyên dương tấm gương dũng cảm cứu người của Chính” – chị Hiên cho biết.

Xứng đáng với phẩm chất người lính cụ Hồ

Chị Nguyễn Thị Nhâm (35 tuổi, trú tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) cũng đã bày tỏ sự cảm phục trước sự dũng cảm, không ngại hiểm nguy của anh Chính để cứu người trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Theo chị Nhâm, khi đó nước sông Ninh Cơ đang chảy xiết và nạn nhân đang vùng vẫy ở khoảng cách khá xa, từ trên cầu Thịnh Long xuống đến mặt nước là độ cao hàng chục mét nên không phải ai cũng dám nhảy xuống dù biết bơi.

“Sau khi về nhà theo dõi thông tin thì tôi mới hay Chính từng là lính hải quân nên càng cảm phục. Bạn ấy xứng đáng với danh hiệu người lính Cụ Hồ khi trở về quê hương. Hành động này giúp chính bản thân tôi khi theo dõi cũng cảm thấy ấm áp, tin tưởng vào nhiều điều tốt đẹp vẫn đang hằng ngày diễn ra trong cuộc sống” – chị Nhâm chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Đức Chính mong muốn mọi người không gọi anh là “người hùng” bởi ai biết bơi vào hoàn cảnh đó cũng sẽ sẵn sàng làm như vậy.

Anh Chính cho biết bản thân là một quân nhân hải quân đã xuất ngũ năm 2015, vốn sinh ra ở vùng biển nên biết bơi từ nhỏ.

“Như mọi người con vùng biển, chúng tôi lớn lên sinh hoạt cùng sông nước. Ngày nhỏ, vào những buổi trưa hè, tôi hay theo bạn bè ra sông tắm rồi dần biết bơi lội. Tôi có thể bơi hàng giờ dưới nước không ngơi nghỉ.

Sau này vào trong quân ngũ, tôi tiếp tục được hướng dẫn, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng bơi, lặn nên khả năng bơi còn tốt hơn. Tôi cũng không nghĩ rằng đến một ngày mình lại cứu được người gặp nạn từ chính đam mê bơi lội” – anh Chính bộc bạch.

Nói thêm về niềm vui lớn nhất hiện tại, Nguyễn Đức Chính bày tỏ đó chính là sức khỏe của cô bé nữ sinh được ổn định và sẽ không còn những suy nghĩ tiêu cực bởi cuộc sống luôn có những điều tươi đẹp đón chờ.

Những tấm gương quên mình cứu nạn: Lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống - Ảnh 2.

Trung úy Thái Ngô Hiếu

Cảm ơn một tấm lòng dũng cảm

Ngày 11-4, bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thăng cấp hàm từ trung úy lên đại úy đối với anh Thái Ngô Hiếu (33 tuổi, quê Nghệ An, cán bộ Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai) từ ngày 10-4 do có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Anh Hiếu là người đã lao xuống biển cứu sống 4 người bị đuối nước tại bãi tắm Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Sự việc anh Hiếu dũng cảm lao xuống biển cứu người được người dân quay lại, đăng lên mạng xã hội. Đoạn clip, như một làn sóng, được lan truyền với tốc độ chóng mặt và nhận được hàng chục ngàn tin nhắn, lượt chia sẻ, yêu thích từ cộng đồng mạng. Trong đó, rất nhiều người bày tỏ sự khâm phục trước hành động dũng cảm cứu người của anh Hiếu.

“Xem mà cảm phục anh công an đó. Cái cảnh mà họ nôn ói đầy miệng nhưng anh vẫn rất bình tĩnh hô hấp nhân tạo, cứu hết người này đến người khác. Thật sự rất cảm phục anh” – chị Nguyễn Lan xúc động chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Nam bình luận: “Cảm ơn anh, một tấm lòng dũng cảm, một trái tim nhân hậu, sáng mãi gương người chiến sĩ công an vì nước quên thân vì dân phục vụ”. Còn chị Vân Kiều viết: “Rất xứng đáng và còn hơn thế nữa. Không màng đến tính mạng cứu bao nhiêu gia đình thoát cảnh đau thương. Một tấm gương sáng cho đất nước. Trân trọng em”.

Đại tá Lê Quang Nhân – phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai – cho biết trung úy Hiếu là một trong những cá nhân rất xuất sắc trong quá trình luyện tập; đã có nhiều thành tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong huấn luyện, trong chiến đấu; đã được Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh, UBND tỉnh và Bộ Công an khen thưởng nhiều lần.

“Từ trách nhiệm, ý thức, tinh thần phục vụ, tinh thần vì dân vì nước, những cái đó kết hợp lại đã tạo ra hành động đẹp của trung úy Hiếu” – đại tá Lê Quang Nhân chia sẻ.

Khi giá trị nghề nghiệp được tôn vinh

Câu chuyện xả thân cứu người đuối nước của hai chàng lính quả cảm trong tuần qua như một liều “kháng thể” trước những “virus tiêu cực” của xã hội.

Bên cạnh giá trị nhân văn, chuyện cứu người còn như một lời khẳng định về giá trị nghề nghiệp chân thực hơn bất kỳ thước phim nào.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến – giảng viên Trường đại học Y dược TP.HCM – cho biết thực chất trước tai nạn nguy hiểm thì bất cứ người nào cũng có mong muốn lao đến hỗ trợ, tuy nhiên chuyện bơi ra cứu người như vậy rất nguy hiểm, nên không thể phủ nhận hành động quả cảm của họ.

Một bên thì nước biển sóng to, một bên là trên cây cầu cao 30m và nước sông chảy xiết, nếu không có kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống dưới nước thì rất có thể họ sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

“Phải là những con người dũng cảm, can trường và biết chắc chắn về khả năng cứu được người của mình thì các anh mới xông pha như thế. Một nghĩa cử cao đẹp mà hiệu quả tức thời là cứu mạng người, đồng thời có hiệu quả lâu dài là lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng”, chuyên gia Hoài Yến chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, việc cứu người trong tình huống này dù không còn nằm trong trách nhiệm nghề nghiệp nhưng nó vẫn thuộc về quy tắc đạo đức mà nghề nghiệp đã rèn luyện cho mỗi người. Không chỉ lúc làm nhiệm vụ mà kể cả lúc đời thường vẫn thể hiện được giá trị nghề nghiệp của mình.

Họ được đào tạo bài bản cả về chuyên môn, kỹ năng và tinh thần, từ đó cộng đồng càng có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị nghề nghiệp.

“Chúng ta thường thấy rất nhiều nghề nghiệp như bác sĩ, luật sư, cảnh sát, đầu bếp… được dàn dựng thành phim để cộng đồng có cái nhìn toàn diện về giá trị của nó mang lại cho xã hội. Nhưng hai câu chuyện trên đã không còn là điện ảnh hóa, mà là một giá trị chân thực về nghề nghiệp của con người”, bà Yến nhấn mạnh.

Trải qua thời gian dài “trực chiến” với đại dịch, vấn đề sức khỏe tinh thần của cộng đồng đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những thông tin tiêu cực. Những câu chuyện đẹp về tình người, giá trị nghề nghiệp tốt đẹp chính là liều “kháng thể” cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Thạc sĩ xã hội học Trần Nam – trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho biết nghề lính hải quân, cảnh sát cứu hộ cứu nạn là công việc cao quý, thiêng liêng trong xã hội nhưng là những công việc thầm lặng, nhiều hy sinh.

Thực tế cho thấy những hành động đẹp khi làm nhiệm vụ của họ vẫn diễn ra thường xuyên nhưng lần này đã không còn nằm trong nhiệm vụ, sự phân công nào. Thấy được giá trị nghề nghiệp của họ thì xã hội càng đánh giá cao, tri ân, chia sẻ rộng rãi như là một tấm gương sáng cho xã hội soi rọi, thực hành. Điều này giúp xã hội của chúng ta trở nên nhân bản, đậm chất nhân văn hơn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Cựu lính hải quâncứu ngườinguyễn đức chínhTrung úy cảnh sát

Các tin liên quan đến bài viết