Ngay sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, công tác xây dựng đội ngũ trí thức đã được các cấp uỷ đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, đãi ngộ nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài.
![]() |
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT, Chủ nhiệm CLB Trí thức trao tặng Biểu trưng của Liên hiệp các hội KH&KT cho các thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc. |
Từ Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, ngày 21 tháng 12 năm 2005, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 159/QĐ-UBND nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của một tỉnh miền núi, biên giới, dân tộc còn nhiều khó khăn.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngày 20/10/2008, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 56-KH/TU để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X). Tỉnh ủy xác định rõ quan điểm: Trí thức Bình Phước là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở địa phương. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp góp phần nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều cho sự phát triển của quê hương Bình Phước.
Đồng thời, Tỉnh uỷ cũng xác định rõ mục tiêu chung là tích cực xây dựng đội ngũ trí thức theo hướng tăng nhanh về số lượng, chú trọng chất lượng; phát triển đội ngũ trí thức cân đối, hài hòa giữa các ngành, các cấp. Tiếp tục chuẩn hóa nhanh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, trước hết là cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, bảo đảm về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đầu tư đạt hiệu quả cao nhất cho quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhằm thu hút nguồn nhân lực trí thức về tỉnh. Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà, từng bước tiến lên ngang tầm với các tỉnh thành trong khu vực. Tạo sự gắn kết giữa Đảng với trí thức, trí thức với Đảng, góp phần bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân – nông dân – trí thức.
Đối với việc nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức, Tỉnh ủy xác định cần phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, vị trí quan trọng của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Làm tốt công tác tư tưởng để toàn xã hội hiểu đúng và đề cao vai trò của trí thức, để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, với dân tộc; hình thành ý thức và tâm lý xã hội tôn trọng, tôn vinh trí thức. Phát huy tài năng và trọng dụng trí thức có phẩm chất tốt, có năng lực quản lý trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các hội và tổ chức sự nghiệp. Quản lý và sử dụng trí thức cần nghiên cứu phương thức phù hợp, không áp dụng máy móc cách quản lý hành chính nhằm phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức. Tỉnh ủy quy định kỳ 6 tháng một lần, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, đối thoại trực tiếp với trí thức về những vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra Chương trình đột phá về đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ trí thức và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong tỉnh đến năm 2015.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 90-KL/TW ngày 04/3/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tỉnh Bình Phước quán triệt sâu sắc và khẳng định sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, ý thức, hành động và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về xây dựng đội ngũ trí thức, thực sự coi xây dựng đội ngũ trí thức là yếu tố quan trọng và là điều kiện không thể thiếu để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đảng sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhận thức và chủ trương của tỉnh là cần tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và những nhiệm vụ, giải pháp, chính sách đã được xác định trong Kết luận 90-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) nhằm xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện trong giai đoạn mới. Tỉnh Bình Phước cũng xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà, từng bước tiến lên ngang tầm với các tỉnh thành trong khu vực. Tạo sự gắn kết giữa Đảng với trí thức, trí thức với Đảng, góp phần bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên mình công nhân – nông dân – trí thức. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư đạt hiệu quả cao nhất cho quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhằm thu hút nguồn nhân lực trí thức về tỉnh.
Tỉnh ủy xác định rõ xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính chiến lược của cấp ủy, chính quyền các cấp. Quan điểm của tỉnh là phải tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đơn vị. Thực hiện tốt công tác tư tưởng để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng và đề cao vai trò của trí thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức; để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Tăng cường đầu tư của Nhà nước gắn với phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác. Trong đó trọng tâm là thực hiện tốt các quy chế, quy định đảm bảo điều kiện thuận lợi, môi trường dân chủ, tôn trọng tự do tư tưởng cho các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học – nghệ thuật của trí thức. Mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ từ nguồn trí thức có chất lượng cao về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng; xác định tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với yêu cầu của từng chức danh, nhiệm vụ. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng vật chất và tinh thần thỏa đáng cho tập thể, cá nhân trí thức, dựa trên sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn hóa, văn nghệ mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế – xã hội. Tăng cường thực hiện cơ chế đặt hàng kết hợp chặt chẽ cơ chế trí thức tự đề xuất trong hoạt động nghiên cứu, sáng tác gắn với yêu cầu thực tiễn địa phương, đơn vị.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ X (Nhiệm kỳ 2015-2020) cũng đã xác định việc xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, ngang tầm với trình độ trí thức ở khu vực và cả nước; gắn bó chặt chẽ với Đảng, chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân – nông dân- trí thức. Tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Tôn trọng và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; có cơ chế cho đội ngũ trí thức cống hiến và tham gia tư vấn, phản biện các chính sách, dự án quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Phát huy vai trò của tổ chức Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các hội thành viên để góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng bộ tỉnh là: phát huy truyền thống cách mạng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị xã hội, chủ quyền an ninh biên giới; khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh Bình Phước phát triển nhanh và bền vững.
Những quan điểm, định hướng, mục tiêu nêu trên được Tỉnh uỷ xác định trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn là sự chỉ đạo của Trung ương, tình hình thực tế của địa phương và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Nó cũng xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vai trò của trí thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nên đã trở thành cơ sở rất quan trọng để các cấp ủy, chính quyền ở địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế./.
Theo khoahocthoidai.vn