16 năm sau vụ khủng bố chấn động nước Mỹ, các nhà khoa học vẫn tiếp tục xác định danh tính của hàng nghìn nạn nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa tháp đôi.
Sau 16 năm, hài cốt của một người đàn ông thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới đã được xác định danh tính. Đây là kết quả từ nỗ lực trong nhiều năm của văn phòng giám định thành phố New York.
Người đàn ông này là nạn nhân đầu tiên được nhận dạng trong hơn 2 năm qua. Ông là người thứ 1.641 được xác định danh tính trong 2.753 người thiệt mạng khi tháp đôi bị phá hủy. Theo yêu cầu của gia đình, danh tính của ông không được công bố.
Hơn 1.000 gia đình vẫn chờ câu trả lời
Trong thông báo ngày 4/9, phòng giám định cho biết sau nhiều năm thất bại, các tiến bộ gần đây trong việc tách chiết và xét nghiệm ADN đã đem lại kết quả khả quan vào cuối tháng trước.
Theo Tiến sĩ Barbara Sampson, trưởng nhóm giám định, mỗi khi có phương pháp tiên tiến ra đời, các nhà khoa học lại áp dụng để kiểm tra các hài cốt. Phần lớn nạn nhân được nhận dạng nhờ ADN hoặc kết hợp các kỹ thuật khác nhau.
Các lá cờ Mỹ nhỏ được đặt trên tên nạn nhân tại Đài tưởng niệm 11/9 ở Manhattan, New York, Mỹ, ngày 4/7. Ảnh: Getty. |
Việc nhận diện thi thể, đa phần chỉ còn là các mảnh xương, đã giúp gia đình các nạn nhân nhận được những gì còn sót lại từ người thân của họ.
“Việc tiếp tục công việc này là vô cùng cần thiết vì với mỗi nạn nhân được nhận dạng, chúng ta lại mang tới câu trả lời cho các gia đình chịu ảnh hưởng bởi tổn thất to lớn đó”, Tiến sĩ Sampson nói với New York Times.
Công nghệ mới được áp dụng đầu năm nay tại phòng giám định ADN đã giúp xác định danh tính nạn nhân sau khi các phương pháp xét nghiệm khác gặp thất bại.
Nhiều gia đình vẫn chờ đợi kết quả từ các giám định viên. Đến nay, còn 1.112 người, tức 40% nạn nhân, chưa được nhận diện.
Dù thành phố đã cấp giấy chứng tử cho tất cả nhưng chỉ 3 trong số các nạn nhân có giấy chứng nhận do các cơ quan có thẩm quyền khác ban hành.
Những hài cốt chưa được nhận diện đã được chuyển tới kho chứa dài 21 m của Bảo tàng và Khu tưởng niệm Quốc gia 11/9. Kho chứa không mở cửa cho công chúng nhưng được đặt cạnh một phòng tưởng niệm dành cho gia đình các nạn nhân.
Cuộc định danh tốn kém triệu USD
Ngoài người đàn ông nói trên, nạn nhân gần đây nhất được nhận diện là Matthew David Yarnell vào tháng 3/2015. Anh Yarnell, 26 tuổi, là phó chủ tịch kiêm chuyên viên lập trình tại Fiduciary Trust Company International.
Anh làm việc trên tầng 97 của tháp phía nam và là một trong số 97 nhân viên của công ty trên thiệt mạng trong vụ tấn công.
Sở dĩ công việc nhận dạng mất nhiều thời gian là vì các giám định viên đã sử dụng xét nghiệm ADN và các phương tiện khác để đối chiếu các mảnh xương với 2.753 nạn nhân.
Một người đàn ông xem ảnh các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào Trung tâm Thương mại Thế giới được trưng bày ở Bảo tàng Tribute 11/9 tại New York, Mỹ, ngày 13/6. Ảnh: Getty. |
Theo Telegraph, tiến bộ trong xét nghiệm ADN đi kèm với những nỗ lực tốn kém hàng triệu USD nhằm kết nối 21.900 mảnh hài cốt còn sót lại với từng nạn nhân.
Sau khi các tòa tháp khổng lồ bị đốt cháy và đổ sụp, rất ít thi thể được tìm thấy nguyên vẹn. Ảnh hưởng của nhiệt, vi khuẩn và các hóa chất như nhiên liệu máy bay phản lực đã khiến quá trình phân tích càng trở nên khó khăn.
Qua thời gian, các nhân viên giám định đã sử dụng quy trình nghiền các mảnh vụn để tách chiết ADN, sau đó đối chiếu với tài liệu về di truyền mà phòng giám định thu thập được từ các nạn nhân hoặc thân nhân của họ.
Trong một số trường hợp, các nhà khoa học phải thử nghiệm tới 10 lần hoặc nhiều hơn trên cùng một mảnh xương với hy vọng công nghệ mới sẽ đem lại đáp án.
Gần 3.000 người đã thiệt mạng tại New York, Lầu Năm Góc và gần Shanksville, Pennsylvania, trong các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Tại tòa tháp đôi biểu tượng của New York, nơi các phần tử al-Qaeda tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay, việc tìm kiếm các mảnh thi thể còn sót lại đã được thực hiện trước tháng 5/2002.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 60% trong số 2.753 người mất tích và được cho là đã chết trong các cuộc tấn công ở New York được nhận dạng chính thức.
Chính quyền thành phố cho biết họ đang tiếp tục tìm kiếm kết quả cho 1.112 gia đình còn lại, những người vẫn trông chờ cuộc gọi báo tin sau 16 năm kể từ vụ khủng bố kinh hoàng.
Theo new.zing.vn