Sáng 4-11, những lá phiếu đầu tiên đang được kiểm. Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden, ai sẽ trở thành tổng thống nước Mỹ nhiệm kỳ tới, nhiều khả năng sẽ được biết vào tối cùng ngày.

Nhóm nào có thể gây bạo động sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ? - Ảnh 1.

Hàng rào an ninh được gia cố tại Nhà Trắng ngay trong đêm 2-11 (giờ Mỹ), đề phòng tụ tập và biểu tình bất ổn. Trong ảnh: hàng rào an ninh tại phía nam Nhà Trắng 

Trong ngày bầu cử, ông Trump dự kiến tổ chức tiệc theo dõi kết quả bầu cử tại Nhà Trắng với 400 khách mời, còn ông Biden đón kết quả bầu cử cùng với gia đình của mình và các cố vấn cấp cao ở bang quê nhà Delaware.

Trong khi hai ứng viên tổng thống ở hai nơi an toàn, tình hình bên ngoài được dự đoán nhuốm màu bạo lực hậu bầu cử, khi chính quyền nhiều thành phố tại Mỹ đã tăng cường an ninh, dựng thêm hàng rào – một hình ảnh sẽ gợi nhớ thời kỳ chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ.

Vệ binh quốc gia được huy động

Hình ảnh các công nhân dựng thêm hàng rào an ninh “chống xâm nhập” bên ngoài Nhà Trắng ngay trong đêm 2-11 (giờ Mỹ) đã trở thành một trong những đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội. Hình ảnh đó, cộng với các tấm ảnh người Mỹ đổ xô gia cố nhà cửa và điểm buôn bán, phản ánh mùa bầu cử tổng thống năm nay hết sức phức tạp, nhạy cảm và đầy những kỷ lục.

Không chỉ các bang “chiến địa”, vốn chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden, một số bang được xem là thành trì Dân chủ hoặc Cộng hòa cũng rục rịch điều động Vệ binh quốc gia, chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ có bất ổn.

“Đất nước này đã bị phân cực quá nặng, với mỗi bên đều xem những bên còn lại là mối đe dọa. Các nhà hoạt động thiên tả, thiên hữu, những nhóm dân quân tự vũ trang đang sẵn sàng xuống đường nếu cuộc bầu cử bị cho là có vấn đề”, tờ Vox viết.

Nhóm nào có thể gây bạo động sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ? - Ảnh 2.

Các nhóm ủng hộ ông Trump, đặc biệt là những nhóm cực hữu da trắng, bị CNN điểm danh sẽ gây ra nguy cơ bất ổn.

Massachusetts, bang có truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ, đã được đặt trong tình trạng cảnh báo bạo lực. Thống đốc bang này, một người của Đảng Cộng hòa, đã ra lệnh triển khai 1.000 binh sĩ thuộc Vệ binh quốc gia tiểu bang ngày 2-11 và nhấn mạnh “có thể điều động thêm”.

Số binh sĩ này có nhiệm vụ “bảo vệ an toàn công cộng và tất cả quyền hợp pháp của công dân trong các cuộc tập trung đông người sau bầu cử”, theo Đài Fox News.

Tại bang Oregon, thống đốc Kate Brown đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với thành phố Portland, đồng thời ra lệnh cho đơn vị kiểm soát đám đông của Vệ binh quốc gia “chuẩn bị sẵn sàng”. Bạo lực và bất ổn được dự báo sẽ bùng phát tại Portland trong suốt thời gian diễn ra bầu cử. Theo New York Times, đã có 10 bang huy động Vệ binh quốc gia trong tuần trước và sẽ có thêm 14 bang làm điều này ngay trong tuần bầu cử.

Nhóm nào có thể gây bạo động sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp che chắn cửa hàng ở New York hôm 2-11 đề phòng Pennsylvania bạo động có thể xảy ra

Những chiến thắng đầu tiên

Theo dự án Bầu cử Mỹ, năm nay có tới 99 triệu người đi bỏ phiếu sớm, trong đó số phiếu bầu trực tiếp là 35 triệu, và số phiếu bầu qua thư là 63 triệu. Con số này tương đương 73% số cử tri Mỹ đã đi bầu trong năm 2016.

Điều này không có nghĩa là việc bỏ phiếu vào ngày chính thức kém sôi động. Chỉ ít lâu sau khi ngày 3-11 bắt đầu, điểm bỏ phiếu đầu tiên đã có kết quả và đó là một “chiến thắng tuyệt đối” dành cho ông Biden.

Dixville Notch, một ngôi làng nhỏ gồm 12 cư dân ở bang New Hampshire, trở thành điểm bỏ phiếu đầu tiên của nước Mỹ khi mở cửa ngay khi kim đồng hồ vừa nhích sang ngày mới. Toàn bộ 5 phiếu bầu của cử tri đủ điều kiện ở đây đều bầu cho ông Joe Biden, đưa ứng viên 78 tuổi của Đảng Dân chủ trở thành ứng viên tổng thống đầu tiên thắng tuyệt đối ở Dixville Notch kể từ thời tổng thống Richard Nixon năm 1960.

Nhưng niềm vui của ông Biden cũng ngắn chẳng tày gang. Tại điểm bỏ phiếu ở Millsfield, cũng thuộc bang New Hampshire, ông Trump có chiến thắng cách biệt với tỉ lệ 16 phiếu bầu so với 5 phiếu bầu cho ông Biden.

Ông Trump hẳn có lẽ không biết đến chiến thắng ở Millsfield vì vẫn miệt mài cho sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Grand Rapids, bang Michigan cho đến gần 1h sáng (giờ Mỹ).

Dù đã qua ngày mới và nhiệt độ lúc đó là 40C, hàng ngàn người ủng hộ vẫn ở lại để nghe ông Trump phát biểu. Trong những lời cuối cùng của mình dành cho những người Mỹ chưa bỏ phiếu, Trump hứa sẽ đưa phụ nữ lên Mặt trăng và đưa phi hành gia lên sao Hỏa.

Lúc này, ông Biden đã kết thúc sự kiện vận động ở Pittsburgh, bang Pennsylvania và chuyển chiến tuyến lên Twitter. Một điều đáng ngạc nhiên là tới 2h sáng ông Biden vẫn đăng tweet kêu gọi mọi người đi bầu. Ông Trump cũng không kém cạnh khi trên đường trở về Nhà Trắng cũng đăng tweet cảm ơn mọi người và chăm chỉ đăng lại các bài tweet kêu gọi bầu cho mình.

Tới 4h sáng 3-11, khi các điểm bỏ phiếu ở phần lớn bờ đông sắp sửa mở cửa, Trump khép lại chiến dịch tái tranh cử dài 1.383 ngày. Ông trở về Nhà Trắng sau khi tham dự tới 14 sự kiện vận động chỉ trong vòng 3 ngày.

149,6 triệu

Theo kịch bản do nhà khoa học dữ liệu Andrew Therriault phát triển cho Bloomberg News, tổng số phiếu bầu tổng thống năm nay dự kiến dao động từ khoảng 142,4 – 149,6 triệu (62-65% công dân đi bỏ phiếu). Đây là tỉ lệ cử tri đi bầu cao nhất lịch sử Mỹ.

Tuy nhiên, con số cử tri đi bầu năm 2020 có khả năng sẽ cao hơn, xét bối cảnh năm nay số người đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục mọi thời đại với 99 triệu cử tri.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : báo độngMỹnhà trắngông Trump

Các tin liên quan đến bài viết