Từng là một “lâm tặc” khét tiếng vùng rừng giáp ranh biên giới Bình Phước, anh Nguyễn Văn Hiền (37 tuổi) được Hạt kiểm lâm Bù Đốp (Bình Phước), thu phục và giao nhiệm vụ đóng chốt, canh giữ tuyến đường sông trọng yếu của rừng Bù Đốp.

Phải mất gần 30 phút chạy ca nô chúng tôi mới tới được chốt giữ rừng đường sông thuộc nhánh suối Tưng (Hạt kiểm lâm Bù Đốp). Đó là một chòi tranh nhỏ xíu, đơn sơ dựng trên bè nứa nằm ngay trên mặt nước mênh mông. Chỉ vào bóng người đang chèo thuyền cạnh chòi, ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp nói: “Đó là anh Hiền, từng là một “lâm tặc” khét tiếng của vùng. Giờ là người được chúng tôi giao trông giữ rừng vùng này. Mấy người như anh Hiền mà giữ rừng thì giỏi lắm, ai làm gì, có động thái gì là anh đều biết hết”.

kiemlam_ibjv

Những năm 2010 – 2012, cuộc sống nghèo khổ, không có công ăn việc làm ổn định nên anh Hiền thường vào rừng cắt trộm gỗ. Là người dân địa phương, từ nhỏ đã sống và đi rừng mưu sinh nên anh Hiền rất sảnh sỏi cách di chuyển, giấu gỗ. Kiểm lâm của hạt Bù Đốp đã đổ bao công sức, theo dõi và mật phục nhưng mãi không bắt được. Năm 2012, anh Hiền theo một nhóm người vào rừng khai thác gỗ trái phép thì bị lực lượng kiểm lâm đón lõng tịch thu hết số gỗ lậu. “Bị bắt và tịch thu gỗ, nó gọi điện chửi bới tôi um sùm suốt một đêm. Sáng hôm sau, tôi tới tận nhà gặp để nói chuyện. Tôi ngồi phân tích đúng sai và tâm sự một lát thì thằng Hiền bật khóc vì hối hận và hứa không đi trộm gỗ rừng nữa”, ông Ách nhớ lại.
Thấy hoàn cảnh của anh Hiền khó khăn, vợ con nheo nhóc nên Hạt kiểm lâm Bù Đốp liền mở hướng cho anh làm ăn, đồng thời khắc phục hậu quả phá rừng của mình. Anh Hiền được ký hợp đồng và giao nhiệm vụ tuần tra, phối hợp bảo vệ rừng ở tuyến đường sông thuộc nhánh suối Tưng. Khi nhận nhiệm vụ, anh tự nguyện sống một mình trên chòi nhỏ giữa mênh mông sông nước để canh rừng. Hạt kiểm lâm cũng cấp cho anh một chiếc xuồng máy để thuận tiện trong việc tuần tra. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, lâu lâu anh Hiền mới rời chốt hoặc tranh thủ đợt nghỉ phép về thăm nhà hoặc đi mua gạo, muối.
Anh Hiền tâm sự: “Lúc đầu tôi thù thầy Bảy (ông Nguyễn Văn Ách – NV) lắm, bởi ông chặn mất đường làm ăn của tôi. Khi được thầy Bảy khuyên nhủ và tin tưởng giao cho việc giữ rừng thì tôi quý trọng thầy lắm. Một mình đóng chốt ở đây thời gian đầu tôi cũng buồn lắm, nhìn quanh chỉ có cây rừng và sông nước im lìm. Giờ thì tôi quen rồi, hằng ngày sống giữa thiên nhiên, nhìn rừng cây trù phú, chim thú kéo về nhiều khiến tôi thêm yêu quý công việc giữ rừng”.
Hơn 3 năm nay, một mình anh Hiền đóng chốt tuyến đường sông. Anh không quản ngại khó khăn, đối diện với biết bao nguy hiểm để chèo thuyền đi kiểm tra khắp vùng rừng rộng lớn. Khi phát hiện các đối tượng khai thác lâm sản, xâm nhập trái phép vào rừng là anh đều nhanh chóng báo cho lực lượng kiểm lâm xử lý. Không những vậy, anh Hiền còn thường xuyên nhận việc đi trồng cây ở các khu vực rừng trọc, bãi bồi ven rừng khi nước rút.
Trước khi rời chốt đường sông, ông Ách chia sẻ: “Trợ cấp hàng tháng của Hạt kiểm lâm cho Hiền thì không nhiều nên tôi vẫn thường hỗ trợ và có những món quà nhỏ để động viên Hiền yên tâm giữ rừng. Giao rừng cho những người như Hiền tôi rất an tâm, bởi nó hiểu được rừng, có kinh nghiệm đi rừng. Mấy năm nay, nhờ Hiền mà rừng ở đây được giữ vững. Nếu mình biết cách tận dụng đối tượng như vậy để giữ rừng thì hiệu quả rất cao”.

Tiểu Thiên

Từ khóa : BÌNH PHƯỚCKiểm Lâmlâm tặcmưu sinhRừng Bù ĐốpTrộm Gỗ

Các tin liên quan đến bài viết