Đối tượng đó là Hà Thị Mỹ Huyền (44 tuổi, HKTT tại tổ 14, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Đến ngày 4-4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Yên Bái xác định đã có 5 bị hại là nạn nhân của Huyền trong vụ lừa đảo, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn nửa tỷ đồng.
Cho đến khi sự thật được phơi bày, bà Đào Thị Oanh (trú tại xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), dì ruột của Huyền vẫn không tin đó là sự thật. Trong vụ án này, bà Oanh chẳng những bị ảnh hưởng về danh dự, uy tín mà còn phải bỏ tiền cá nhân để chi trả một phần tiền cho những người bị hại. Kể lại sự việc với các điều tra viên Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Yên Bái, người phụ nữ vẫn không giấu được nỗi buồn.
Bà Oanh kể lại: Huyền là cháu ruột của bà. Trong quá trình qua lại, Huyền nói với bà Oanh rằng chị ta có khả năng “chạy việc”, bảo bà tìm và nhận giới thiệu những người có nhu cầu xin việc cho Huyền. Khoảng tháng 6-2013, chị Nguyễn Thị N (trú tại xã An Bình đến nhà bà Oanh chơi, chị N có con gái là Nguyễn Thị L đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tây Bắc – khoa Sinh Hóa, đang có nhu cầu xin việc làm giáo viên trên địa bàn huyện Văn Yên.
Bà Oanh điện thoại nói chuyện với Huyền về trường hợp của chị N. Qua trao đổi, Huyền nói rằng Sở Giáo dục đang có chỉ tiêu và bảo bà Oanh nhận lời xin việc với mức chi phí là 130 triệu đồng. Sau đó, thông qua bà Oanh, Huyền hướng dẫn chị N chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc của con gái và hẹn đến tháng 9-2013, con gái chị N sẽ được vào làm theo đúng như thỏa thuận…
Đối tượng Hà Thị Mỹ Huyền. |
Cũng qua quan hệ, chị Doãn Thị H (ở xã An Bình) đã nhờ bà Oanh xin việc cho con trai là Mao Sấn Sáng vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Sơn La, khi đó đang có nhu cầu xin biên chế giáo viên. Nghĩ Huyền có khả năng xin việc, bà Oanh đã dẫn chị Doãn Thị H gặp Huyền.
Sau khi chị H trao đổi, Huyền nói với chị H là huyện Văn Yên không còn chỉ tiêu biên chế giáo viên và bảo chị H sẽ xin cho con chị vào biên chế giáo viên của huyện Lục Yên (Yên Bái) với chi phí xin việc là 100 triệu đồng. Chị H đồng ý và đưa trước cho Huyền 50 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Huyền viết giấy biên nhận tiền nhưng không ghi nội dung để xin việc cho con trai chị H.
Sau một thời gian, chị H đưa tiếp số tiền còn lại nhưng Huyền không xin việc theo đúng nội dung đã thỏa thuận. Chị H sau đó đã đòi tiền Huyền và bà Đào Thị Oanh. Trong tình cảnh ấy, bà Oanh đã bỏ tiền cá nhân trả cho nạn nhân H 50 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, khoảng tháng 6-2013, anh Trần Văn H (trú tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên) đặt vấn đề với bà Oanh về việc xin cho con trai đã tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao Hà Nội vào làm giáo viên trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Sau đó, bà Oanh trao đổi với Huyền, Huyền đồng ý nhận xin việc cho H vào làm giáo viên trên địa bàn tỉnh Yên Bái với chi phí 130 triệu đồng. Anh H đồng ý với bà Oanh và hẹn sẽ chuẩn bị hồ sơ xin việc và số tiền trên.
Quá thời hạn đã lâu không thấy Huyền thực hiện theo lời hứa, người bị hại đã làm đơn trình báo sự việc đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Yên Bái. Quá trình điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của Huyền: Vào thời điểm thực hiện vụ án, Huyền đang làm nhân viên văn thư Trường Tiểu học Tân Thịnh, TP Yên Bái.
Từ khoảng năm 2007 đến năm 2010, ngoài công việc chính ở trường, Huyền còn kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho thuê phông rạp đám cưới. Quá trình làm ăn bị thua lỗ, bị can Huyền đã vay mượn tiền của nhiều người, sau đó vì muốn có tiền để trả nợ và chi tiêu, Huyền nghĩ ra cách kiếm tiền là nhận xin việc (chạy việc). Ngoài các trường hợp trên, đối tượng còn nhận xin việc vào các đơn vị Công an.
Khoảng tháng 12-2012, chị Đỗ Thị L (trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) là chị họ của anh Nguyễn Khánh T, ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) muốn xin cho con trai là Phạm Chiến Th (cũng trú tại địa chỉ trên), khi đó vừa thực hiện xong nghĩa vụ Công an vào biên chế làm cán bộ tại Trại giam Tân Lập – Bộ Công an. Nguyễn Khánh T khi đó đã gặp Huyền, Huyền đồng ý nhận xin cho cháu Th vào biên chế Công an tỉnh Phú Thọ, hoặc Trại giam Tân Lập với số tiền 150 triệu đồng.
Chị L đồng ý và đưa cho anh T số tiền trên để chuyển cho Huyền xin việc… Tổng số tiền bị can Huyền đã nhận để xin việc cho 5 trường hợp là 665 triệu đồng. Đến thời điểm này, Huyền không xin việc được cho bất cứ trường hợp nào như thỏa thuận ban đầu. Sau nhiều lần các bị can đòi nợ, Huyền khắc phục được 30 triệu đồng, số tiền còn lại, Huyền đã chiếm đoạt, sử dụng chi tiêu cá nhân hết.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Minh Tâm, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Theo số liệu thống kê trong 5 năm trở lại đây, Công an tỉnh đã khởi tố và bắt giữ hàng chục đối tượng về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức xin việc làm.
Để hạn chế các vụ việc trên, người dân phải tìm hiểu kỹ thông tin về tuyển dụng được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại trụ sở Sở Nội vụ, UBND các địa phương để nắm bắt được thông tin tuyển dụng. Có như vậy mới tránh được cảnh tiền mất, tật mang.
Theo cand.com.vn