Bộ Tài chính cho biết sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng được Bộ GD-ĐT đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Tại dự thảo Luật giá, Bộ Tài chính cho biết sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng được Bộ GD-ĐT đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá.
Thời gian qua giá sách giáo khoa gây nhiều bức xúc
Sách giáo khoa cũng là một trong những mặt hàng được Bộ Công Thương đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định mức giá tối đa hợp lý, đảm bảo lợi ích thiết yếu cho người tiêu dùng.
Nếu đề xuất này được thông qua tại dự thảo Luật Giá, tới đây, Bộ GD-ĐT được giao nhiệm vụ quyết định giá tối đa đối với sách giáo khoa, còn các nhà xuất bản sẽ tự quyết định giá bán cụ thể.
Còn hiện nay, theo quy định tại pháp luật về giá, sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhưng không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Các nhà xuất bản chủ động xây dựng, tự chịu trách nhiệm về quyết định giá bán và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó, ngày 27/4, NXB Giáo dục Việt Nam thông tin về giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông tin này gây nhiều xôn xao về mức giá sách giáo khoa bởi giá sách giáo khoa mới của lớp 3, lớp 7, lớp 10 của chính Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam áp dụng năm học tới đều tăng cao, có giá cao gấp 2-3 lần.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, NXB bản Giáo dục Việt Nam – đơn vị có 2 bộ SGK mới là “Kết nối tri thức và cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” – đã in hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa trong năm 2021 – vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách và phần thiểu số là nguồn thu tài chính.
Lãi sau thuế của NXB này là 287 tỷ đồng, cao gấp 250% so với kế hoạch được cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT tạo giao. Đây là mức lãi cao nhất từ trước đến nay mà NXB này đạt được. Những năm trước, lợi nhuận chỉ từ 120-150 tỷ đồng.
Từ năm học 2020-2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá SGK đã cao hơn bộ cũ từ 3-4 lần. Năm nay, giá SGK lớp 3, 7 và 10 cũng cao hơn 2-3 lần so với sách cũ.
Lãnh đạo NXB giải thích giá SGK tăng cao do chi phí tăng ở cả bốn yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.
Tháng 8/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã ký Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Nội dung giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Nguồn: vietnamnet