Nhiều dự án, kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam bị trì trệ, vận hành không đúng tiến độ vì… chờ chuyên gia quốc tế có mặt, chủ yếu là do việc xin visa gặp nhiều khó khăn.

Nhà máy, dự án gặp khó với... visa - Ảnh 1.

Sau gần một năm mở cửa phát triển kinh tế – xã hội hậu COVID-19, các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do các chính sách, thủ tục hành chính chưa “phục hồi” như trước dịch, trong đó vướng mắc visa dành cho nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế đang làm nhiều doanh nghiệp đau đầu.

Kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn

Để bù đắp các hoạt động bị trì trệ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hai năm qua, ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Công ty Schaeffler (Đức) Việt Nam, cho biết doanh nghiệp này cần một lực lượng chuyên gia từ các nước Ấn Độ, châu Âu, Hàn Quốc… vào để hỗ trợ kỹ thuật, vận hành các dây chuyền sản xuất. Thế nhưng, chính sách visa mà Việt Nam đang áp dụng khiến toàn bộ kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Đức bị đảo lộn.

Cụ thể, các chuyên gia chỉ có thể xin visa ở nước ngoài với thời gian đến Việt Nam là 30 ngày, không đủ thời gian cho những dự án lớn đòi hỏi chuyên môn sâu. Do đó, doanh nghiệp này phải cử nhân viên đi làm thủ tục bởi quy định không cho phép doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ làm visa bên ngoài. Nhân viên của doanh nghiệp từ Đồng Nai lên TP.HCM để xử lý việc nộp hồ sơ ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nhưng thủ tục không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Thiếu chuyên gia nước ngoài, nhiều dự án và kế hoạch mở rộng sản xuất của doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng, kéo theo chuỗi cung ứng gián đoạn. “Các thủ tục visa kéo dài rườm rà khiến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp bị trì trệ. Nhiều dây chuyền, kế hoạch cần chuyên gia nước ngoài nhưng thời điểm nào chuyên gia có mặt lại không ai dám chắc”, ông Thắng nói.

Ông Aoyama, tổng giám đốc Công ty Furukawa Automotive Parts Việt Nam, cũng cho biết sau thời gian khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty này đã khôi phục sản xuất nên đã cử thêm chuyên gia từ Nhật sang Việt Nam. Tuy nhiên, khi đi làm thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia và gia đình, mới thấy lượng người làm thủ tục quá đông.

“Hiện số hồ sơ cho thân nhân và chuyên gia của doanh nghiệp rất nhiều, nhưng vẫn phải lên cục để lấy số thứ tự, không thể lấy online. Cần có hệ thống lấy số thứ tự nào đó để giảm bớt thời gian chờ đợi hay không”, ông Aoyama nói.

Chưa hết, các doanh nhân có quốc tịch “khó” như Pakistan, Nepal… còn trầy trật hơn. Phó tổng giám đốc một công ty du lịch cho biết số lượng hồ sơ visa của các doanh nhân một số nước không nhận được hồi âm và rớt ngày càng nhiều. Một số trường hợp doanh nghiệp phải tư vấn mua tour trọn gói của công ty du lịch thì thời gian có visa cũng phải mất 2 tuần.

“Mọi thứ trở nên khó khăn, phiền hà đến mức khó tin dù các doanh nhân này muốn vào Việt Nam để đầu tư lâu dài”, vị này nói.

Nhà máy, dự án gặp khó với... visa - Ảnh 2.

Sản xuất trong nước phục hồi khiến nhu cầu của các chuyên gia, quản lý người nước ngoài đến Việt Nam làm việc tăng trở lại

Đừng đẩy nhà đầu tư sang nước khác

Ông Jean-Jacques Bouflet, phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, cho rằng quy trình xin giấy phép lao động và visa nên được đơn giản hóa, vừa để thúc đẩy ngành du lịch vừa thu hút nhiều nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài. Theo ông Jean-Jacques Bouflet, EuroCham đã nhận được rất nhiều phản ánh của doanh nghiệp rằng muốn mở rộng đầu tư hay có dự án cần mở rộng nhưng không thể đưa chuyên gia vào vì visa quá khó khăn.

“Sau đại dịch, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn nên việc tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, tăng cường môi trường kinh doanh minh bạch là việc cần ưu tiên lúc này”, ông Jean-Jacques Bouflet nói và kiến nghị cần kéo dài kỳ hạn visa cho các nhà đầu tư, chuyên gia, đặc biệt là những trường hợp đang làm cho các dự án chất lượng cao để nhà đầu tư, chuyên gia sang thăm Việt Nam có thời gian lưu trú hợp lý, đảm bảo sự hợp tác hiệu quả hơn.

Một vấn đề khác là thực thị du lịch cũng nhiều bất cập khi Việt Nam đang miễn visa 15 ngày cho một số nước ở châu Âu, quá ít so với chuyến bay dài từ châu Âu sang Việt Nam. Bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, cho rằng một chính sách visa cởi mở là một phần của môi trường đầu tư minh bạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra môi trường đầu tư phát triển cho các doanh nghiệp FDI đang hiện diện ở đây.

“Chúng ta muốn mời gọi chuyên gia quay trở lại Việt Nam thì phải minh bạch trong các thủ tục hành chính, nếu không nhà đầu tư sẽ tìm cơ hội ở các nước khác”, bà Mary Tarnowka nhấn mạnh. Theo các doanh nghiệp, Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất – nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn visa 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay.

Ngoài ra, mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… Riêng với thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục.

Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo TP.HCM mới đây, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam như EuroCham, AmCham đều cho rằng trong thời điểm nhiều nước vẫn còn chưa mở cửa để phòng chống COVID-19, Việt Nam đang có lợi thế để đón nhận sự dịch chuyển dòng vốn FDI trong khu vực. Nhưng với chính sách visa rườm rà và phức tạp hiện nay, Việt Nam vô tình bỏ qua cơ hội quý giá.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh: không có chuyện quá tải

Thông tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết không xảy ra tình trạng quá tải cấp visa cho chuyên gia nước ngoài. Cụ thể, cơ quan này chuẩn bị khoảng 400 số thứ tự mỗi ngày nhưng vẫn không phát hết ra cho các doanh nghiệp đến làm thủ tục. Người đến nộp hồ sơ cấp visa cho chuyên gia nước ngoài được giải quyết ngay trong ngày nếu đầy đủ thủ tục.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng cho biết từ trước đến nay đều giải quyết cấp phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với thời gian 90 ngày. Nếu có giấy tờ chứng minh như giấy phép lao động, giấy chứng nhận đầu tư, giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình… thì cơ quan này sẽ cấp thời hạn dài hơn theo quy định pháp luật. Với đề nghị nâng thời hạn miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày và mở rộng danh sách miễn thị thực cho chuyên gia các nước Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan…, cơ quan này cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

* Đại diện Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) tại TP.HCM: Việc xin visa quá mất thời gian

Theo quy định hiện nay, nhân viên của Mitani Sangyo phải trực tiếp đi đến Cục quản lý xuất nhập cảnh để làm thủ tục xin visa cho các chuyên gia, lãnh đạo người Nhật vào làm việc cho các nhà máy ở TP.HCM và các địa phương khác.

Tuy nhiên, do số lượng người đến xin visa quá đông, nhiều doanh nghiệp từ Long An, Bình Dương, Tiền Giang… phải đến từ sáng sớm để xếp hàng nhận số thứ tự. Trong khi số thứ tự quá lớn nên doanh nghiệp phải đi về, chờ đến ngày khác mới tới cục lần nữa để giải quyết thủ tục.

Chúng tôi vẫn xin được visa cho các chuyên gia và lãnh đạo người Nhật sang đây làm việc, nhưng chúng tôi thấy rằng quá trình xin visa mất quá nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp.

* Bà Nguyễn Ngọc Na Na (giám đốc Công ty Hana): Người nước ngoài chỉ được cấp visa 30 ngày

Việc xin visa gặp khó trong thời gian gần đây do quy định thay đổi. Trong thực tế, nhiều người Hàn Quốc muốn sang Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh, tìm hiểu thị trường nhưng chỉ được cấp visa với thời hạn 30 ngày, muốn ở thêm phải đi gia hạn.

Nhưng để được gia hạn visa, những người nước ngoài này phải đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) “xuất ngoại”, sau đó vào lại Việt Nam và xin gia hạn visa thêm được 3 tháng. Do thời hạn visa ngắn, nhiều người Hàn Quốc gặp khó khăn hơn trong việc thuê nhà, còn khi đã tìm hiểu để kinh doanh ở Việt Nam thì họ cũng phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe hơn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chuyên gianhà máyvisa

Các tin liên quan đến bài viết