Đã có lần ngồi uống rượu với ông ở Nhà điều hành Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và nghe chính ông đọc lá số tử vi “Nửa đường gẫy gánh, tù lao có phần” mà vẫn không tin có ngày ông sẽ vào tù.
Tin ông Trương Văn Tuyến bị bắt khiến cho không ít cán bộ có thâm niên ngành cơ khí Việt Nam nuối tiếc. Ông Tuyến bị khởi tố và bắt giám về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 355, Bộ luật Hình sự 2015 khi còn làm Tổng giám đốc Vinashin. Nhiều người tự hỏi: Không biết nếu ông Tuyến ở lại LILAMA, hay về hưu tại Dầu khí khi đủ tuổi 60 thì có kết cục như ngày hôm nay không?
Trương Văn Tuyến và đê chắn sóng ở NMLD Dung Quất
Cuộc đời của người đàn ông tuổi Dần (1950) quê Đông Anh, Hà Nội được chia làm 3 phần. Đó là những năm tháng đầu đời chàng kỹ sư cơ khí có mặt ở những công trình lớn của đất nước như Thủy điện Sông Đà, Nhiệt điện Phả Lại, Supe phốt phát Lâm Thao, Điện Phú Mỹ. Năm 1995, ông rời cương vị Giám đốc Công ty Lắp máy và Thí nghiệm cơ điện (thuộc Tổng Công ty Lắp máy – Bộ Xây dựng) về làm Giám đốc Công ty Lắp máy và Xây dựng 45-1 lá cờ đầu của ngành cơ khí Việt Nam lúc bấy giờ thay ông Phạm Hùng ra Hà Nội làm Tổng giám đốc Lilama.
Dấu ấn của ông đã in rõ tại các dự án: chế tạo, lắp đặt bồn chứa LPG Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng; Nhà máy đạm Phú Mỹ; Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 1, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2; các nhà máy xi măng Tam Điệp, Chinhfon (Hải Phòng), Sao Mai Hòn Chông…Các kỹ sư, công nhân Lilama 45.1 lúc đó đã có thể tổng thầu EPC từ khâu thiết kế, chế tạo, thi công xây lắp khá nhiều công trình trọng điểm quốc gia.
Đùng cái cuối năm 2003, ông được lệnh bay ra Hà Nội gấp để làm việc với Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, hóa ra Bộ có ý định điều ông Tuyến về làm Trưởng ban Quản lý dự án QLDA Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất. Nghe tin phải về “dầu khí”, với người khác thì mừng nhưng trình bày mọi lý do và xin cho làm công việc Lilama 45.1 vài năm rồi về hưu sớm cũng toại nguyện…Thực ra, lúc đó có đến 6 ứng cử viên nhưng không hiểu sao nhiều sếp Dầu khí lúc ấy cứ quả quyết: “Chỉ có ông Tuyến về, may ra mới không để chậm tiến độ thêm”. Thế là ông đành phải xách ba lô rời thành phố Hồ Chí Minh ra Quảng Ngãi, chỉ huy “đại công trình” lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ với hàm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất
Thời điểm năm 1997, tổng mức đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1,5 tỉ USD, sau nhiều lần chậm tiến độ phải điều chỉnh và bổ sung đã tăng lên 2,5 tỉ USD. Giai đoạn đó Liên doanh Việt – Nga xây dựng nhà máy giải tán; các tập đoàn lớn của Pháp, Đài Loan… cũng “bỏ của chạy lấy… tiền” nên Dung Quất chính là dự án khôi phục lại niềm tin của nhân dân dành cho Dầu Khí.
Nhưng công việc đầu tiên khi ngồi ghế chỉ huy tại Nhà điều hành dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất lại chả liên quan gì đến chuyên môn cơ khí của ông nhưng lại rất “xương xẩu”, đê chắn sóng. Theo thiết kế đê chắn sóng Dung Quất chỉ dài 1,6km nhưng phải huy động nhiều thiết bị chuyên dụng để xử lý nền đất yếu dưới đáy biển, đổ đá thân đê trong điều kiện thời tiết phức tạp, biển động sóng dữ của miền Trung.
Nếu để không hoàn thành thì gần như mọi công tác xây dựng bên trong vịnh Dung Quất rộng hàng trăm hec-ta phải ngưng lại, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể xây dựng nhà máy. Khi đó, hàng ngàn lao động trên công trình sẽ phải ngồi chờ việc. Thời điểm đó, ông Ngô Xuân Lộc, đặc phái viên Thủ tướng Chinh Phủ phải bay như con thoi hành trình Hà Nội- Đà Nẵng-Dung Quất để cùng giải quyết các vấn đề nóng của công trường. Bộ tứ ban quản lý dự án Văn Tuyến, Hoài Giang, Việt Thắng, Văn Ngọc đã có nhiều đêm trắng, ăn không ngon, ngủ không yên khi có sự cố. 4 năm lăn lộn ở Dung Quất, khiến cho CEO Tuyến già đi cỡ 10 năm.
Lo lắng càng lên cao khi đơn vị thi công Công ty Lũng Lô phát hiện túi bùn lớn, sâu dưới biển gây khó khăn cho việc xây dựng đê chắn sóng. Đây là công việc phức tạp, các nhà thầu trong nước chưa thể đảm đương do không có thiết bị lẫn kinh nghiệm. Bằng các mối quan hệ, ông Tuyến đã đã đề xuất và được chấp thuận ký hợp đồng với nhà thầu Van Oord (Hà Lan) thi công từ tháng 10/2006. Đến tháng 5/2008, công trình đê chắn sóng hoàn thành trong niềm hân hoan của hàng nghìn cán bộ, công nhân viên xây dựng NMLD Dung Quất.
Tháng 3 năm 2009, sau 48 tháng thi công, xây lắp và cho ra sản phẩm đầu tiên, thì giấc mơ đã thành hiện thực. Việt Nam đã ghi tên mình vào bản đồ thế giới là một quốc gia có sản xuất xăng dầu trong sự ngỡ ngàng của bạn bè quốc tế. Phần lớn các công ty nước ngoài đánh giá Việt Nam không thể tự mình xây dựng được nhà máy lọc dầu. Phần thưởng cho ông Tuyến, trên đại công trường Dung Quất là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới khi tròn 60 tuổi (6/2010).
Cuối đường gẫy gánh
Năm 2010, tròn 60 tuổi ông chuẩn bị hạ cánh sau hơn 30 năm đi dọc chiều dài của đất nước, tham gia xây dựng các công trình thì được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi lên gợi ý việc điều động về Vinashin để tái cơ cấu tập đoàn này. Vợ con và nhiều bạn bè lúc ấy đều tỏ ra ái ngại khi biết tử vi đàn ông tuổi Canh Thìn “Gia đình chẳng được an nơi/Nay đây, mai đó, gặp thời cũng mau/Thanh xuân đã có quyền cao/Nửa đường gẫy gánh, tù lao có phần”. Nhưng bản tính, “thích chơi ván cờ khó”, lại được trở lại trở lại nghề cơ khí, ông Tuyến quyết định chấp nhận thách thực mới ở cương vị Tổng giám đốc Vinashin.
3 năm trên cương vi CEO Vinashin, ông và các công sự mới kịp hoạch định được chiến lược được tái cơ cấu tập trung vào ba lĩnh vực gồm đóng và sửa chữa tàu thủy; công nghiệp phụ trợ gắn với công nghiệp đóng tàu; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đóng tàu và sửa chữa tàu thì năm 2013 được thông báo nghỉ hưu.
Là người cá tính mạnh, có phần độc độc đoán và gia trưởng nhưng đúng là chống chèo mãi thì ông chỉ đổi được từ “nửa đường đứt gánh” thành “cuối đời đứt gánh” mà thôi!
Theo Dân việt