Việc Nga mới đây tuyên bố “giải phóng” thành phố Kherson ở phía nam Ukraine, cùng với các vụ nổ liên tiếp ở Moldova – quốc gia giáp với Ukraine ở phía nam – cho thấy Matxcơva đang đẩy nhanh chiến lược kiểm soát miền đông và nam của Ukraine.

Nguy cơ chiến tranh mở rộng sang Moldova - Ảnh 1.

Nguồn

Ngày 26-4, Hãng tin Interfax dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng nước này đã “giải phóng hoàn toàn” thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, đồng thời kiểm soát một số khu vực ở miền nam như Zaporizhzhia, Mykolaiv và một phần của Kharkov ở phía đông thủ đô Kiev.

Tâm điểm Transnistria

Việc kiểm soát miền nam Ukraine sẽ giúp Nga tạo hành lang đến bán đảo Crimea và mở sang hướng tây tiếp cận vùng ly khai Transnistria thân Nga của Moldova.

Ngày 26-4, Hội đồng An ninh quốc gia Moldova đã mở cuộc họp khẩn sau khi ghi nhận hàng loạt vụ nổ ở khu vực ly khai Transnistria vào rạng sáng cùng ngày.

Moldova, một trong những nước nghèo nhất ở châu Âu với 3 triệu dân, đã vô cùng lo lắng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. “Chúng tôi là một đất nước mong manh giữa một khu vực mong manh”, Tổng thống Maia Sandu của Moldova phát biểu gần đây.

Dù vậy, điều Moldova lo lắng nhất là 12.000 thành viên lực lượng ly khai và binh lính Nga ở Transnistria – một dải đất hẹp trong lãnh thổ nước này – sẽ tham gia tấn công vào Ukraine từ phía tây đến nay vẫn chưa xảy ra. Nhưng các vụ nổ vào ngày 26-4 có thể làm thay đổi tình hình.

“Tình trạng leo thang này xuất phát từ các phe phái trong khu vực Transnistria, những người ủng hộ chiến tranh và muốn làm mất ổn định tình hình trong khu vực”, Tổng thống Maia Sandu nói ngày 26-4.

Tuần trước, Phó tư lệnh Quân khu miền Trung của Nga, thiếu tướng Rustam Minnekayev, nói rằng mục tiêu trong giai đoạn 2 của chiến dịch tại Ukraine là kiểm soát hoàn toàn miền nam, miền đông của nước này và mở lối tiếp cận vùng ly khai Transnistria.

“Điều này sẽ tạo một hành lang trên bộ đến Crimea cũng như ảnh hưởng đến các đối tượng quan trọng của nền kinh tế Ukraine, các cảng ở Biển Đen mà Ukraine cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và luyện kim cho các quốc gia khác”, tướng Minnekayev cho biết.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin thận trọng cho biết Matxcơva đang theo dõi sát tình hình ở Transnistria. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này “muốn tránh kịch bản can thiệp vào Transnistria”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine từng nhận định số phận của miền đông và miền nam sẽ định đoạt cả cuộc chiến và tương lai của nước này. Phản ứng với chiến lược mới của Nga, ông Zelensky khẳng định: “Điều này chỉ khẳng định những gì tôi đã nói nhiều lần là họ còn muốn chiếm các nước khác”.

Các thách thức của Nga

Với kế hoạch kiểm soát phía đông và mở lối về Crimea, các chuyên gia cho rằng Nga sẽ tìm cách cô lập lực lượng Ukraine ở phía đông sông Dnipro. Hãng tin AFP dẫn lời ông Colin Clarke, thuộc tổ chức tư vấn Soufan, nhận định rằng có vẻ như quân đội Nga đang theo đuổi cách tiếp cận phá vỡ ý chí của quân đội Ukraine thông qua việc sử dụng vũ lực áp đảo và pháo kích.

Tại khu vực miền đông Ukraine, giới quan sát cho rằng nếu Nga càng đưa quân sâu vào lãnh thổ Ukraine thì binh sĩ càng dễ bị tổn thương, trong khi nếu hành quân bằng xe thiết giáp có thể khiến các lực lượng Nga mất “nhiều tuần, thậm chí hàng tháng” để tiếp cận lực lượng Ukraine.

Còn ở khu vực phía nam Ukraine, sau khi gần như “kiệt sức” trước sự phản công của Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, lực lượng Nga có thể sẽ nhắm mục tiêu phong tỏa kinh tế hơn là tấn công Odessa.

Theo giới phân tích, việc mở rộng về phía tây ở miền nam Ukraine cho thấy Nga có thể nhắm đến thành phố cảng Odessa ở tây nam Ukraine và củng cố vị thế ở Transnistria.

“Theo tôi, Nga có ý định giữ những khu vực họ đã kiểm soát ở miền nam và cố gây sức ép lên Ukraine về mặt kinh tế thông qua việc phong tỏa”, báo Guardian dẫn lời ông Michael Kofman, giám đốc phụ trách nghiên cứu về Nga tại Trung tâm An ninh Mỹ mới.

Sau khi vượt qua trở ngại ở thành phố Mariupol, lực lượng Nga sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức tại các thành phố như Odessa, Kramatorsk. Ngoài khơi Biển Đen, các tàu chiến Nga cũng bị đẩy ra xa bờ biển Ukraine sau vụ chìm soái hạm Moskva vào tuần trước.

Ngoài ra, việc phương Tây và nhiều nước đua nhau cung cấp vũ khí cho Ukraine song song với việc Nga tăng cường mở rộng hành lang trên lãnh thổ Ukraine cũng được đánh giá là một nhân tố có thể làm thay đổi cuộc chơi.

Nga cắt khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria

Ngày 27-4, Công ty năng lượng quốc gia Nga Gazprom tuyên bố sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Công ty PGNiG của Ba Lan và Bulgargaz của Bulgaria vì từ chối thanh toán bằng đồng rúp của Nga. Matxcơva sẽ khóa van khí đốt từ 27-4 cho đến khi hai nước này đáp ứng yêu cầu mà Nga đưa ra vào đầu tháng 4-2022.

Phía Bulgaria khẳng định họ thanh toán đúng hạn theo hợp đồng hiện tại, còn Ba Lan cho biết các kho dự trữ đã đầy 76% và nước này sẵn sàng tìm các nguồn cung khác. Phản ứng sau đó, Ủy ban châu Âu chỉ trích động thái của Matxcơva là “hành động uy hiếp”.

“Người dân châu Âu có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ đoàn kết với các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng trước thách thức mới này. Người dân châu Âu có thể tin vào sự hỗ trợ hết mình của chúng tôi”, Đài CNN dẫn tuyên bố của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bộ quốc phòng Ngakhỉ độtMoldovaUkraine

Các tin liên quan đến bài viết