Trong khi lộ trình thay thế xăng khoáng A92 (RON92) bằng xăng sinh học E5 đang đến gần (1/1/2018), thì mới đây Bộ Công Thương đồng ý cho Nhà máy Lọc dầu ethanol Phú Thọ phá sản, khiến nhiều người cho rằng nguồn cung ethanol sẽ bị thiếu và lộ trình thay thế không kịp tiến độ. Sự lo ngại này không phải không có cơ sở bởi, trước đó hai dự án ethanol khác là Dung Quất và Bình Phước đã rơi vào tình trạng ngừng hoạt động.
Xăng E5 vẫn… ngủ
Sau khi đề án phát triển nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bởi QĐ 177 ngày 20/11/2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư ba nhà máy bio-ethanol tại các tỉnh (Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước), công suất mỗi nhà máy là 100 triệu lít/năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nhà máy bio-ethanol được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay đều rơi vào tình trạng bi đát. Đặc biệt, Nhà máy ethanol Phú Thọ vừa chính thức được Bộ Công Thương cho phép phá sản sau quá trình làm ăn thua lỗ, khiến nguồn cung ethanol trong nước đứng trước nguy cơ thiếu hụt lớn.
Nguồn cung ethanol thiếu ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện thay thế xăng A92 bằng xăng E5. |
Đề cập đến vấn đề trên, tại cuộc họp xử lý vướng mắc tại các dự án của PVN, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc nhà máy ethanlo Phú Thọ phá sản và hai nhà máy ethanol tại Dung Quất và Bình Phước chưa hoạt động sau một thời gian dài tạm dừng, sẽ khiến nguồn cung ethanol cho dự án thay thế toàn bộ xăng A92 của Chính phủ vào đầu năm 2018 khó trở thành hiện thực. Trong khi đó, một số ý kiến khác cũng cho rằng, để vận hành trở lại các dự án ethanol đã dừng hoạt động sẽ phải mất một khoản chi phí rất lớn, chưa kể những tác động của nó ảnh hưởng đến môi trường.
Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền đặt câu hỏi, việc khởi động dự án Nhà máy ethanol Bình Phước và Dung Quất liệu có kịp để cung cấp nguồn ethanol cho phối trộn xăng E5 khi thời gian thực hiện lộ trình chỉ còn chưa đến 6 tháng? Trong khi đó, ngoài PVN góp vốn, nhà máy này còn có sự góp vốn của Công ty Toyo Thai New Energy và Công ty Cổ phần Licogi16. Vậy ba đơn vị này liệu có tìm được sự thống nhất khởi động dự án để kịp với lộ trình?.
Trước những thắc mắc trên, nhằm đảm bảo đúng lộ trình thay thế xăng E5 vào đầu năm 2018, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo PVN cần phải làm việc với các đối tác nhằm xử lý các vướng mắc, cũng như những tác động ảnh hướng đến môi trường để sớm khởi động lại dự án. Bởi việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn, mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018.
Việc Bộ Công Thương vào cuộc xử lý vướng mắc tại các dự án ethanol của PVN, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc khởi động lại dự án chỉ là một yếu tố cần cho việc thực hiện lộ trình. Trong khi đó, để sản xuất được ethannol, vùng nguyên liệu cung cấp có vai trò cực kỳ quan trọng. Một vị chuyên gia trong ngành nông nghiệp chia sẻ, sắn là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ethanol và theo đánh giá thì sắn trồng tại khu vực Đăk Nông có chất lượng tốt nhất, phù hợp với tiêu chuẩn thế giới vì đạt yêu cầu 1-2kg sắn cho thành phẩm 1 lít ethanol. Trong khi đó, sắn trồng tại các vùng khác sẽ có chất lượng thấp hơn và phải mất từ 4-5kg mới sản xuất được 1 lít ethanol, vậy việc đặt nhà máy tại các khu vực trên có thuận lợi và bảo đảm lợi ích kinh tế?.
Bài toán nào cho ethanol?
Bài toán ethanol ở Việt Nam hiện rơi vào thế bế tắc, trong khi đó, lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng E5 lại đang đến rất gần, nhiều ý kiến cho rằng, nên thay thế sản xuất ethanol trong nước bằng việc cho phép nhập khẩu bởi giá thành rẻ hơn, lợi ích kinh tế hơn… Đề xuất là vậy, song đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương vẫn chưa có thông tin chính thức về việc liệu có cho nhập khẩu ethanol hay không. Như vậy, bài toán thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5 ngày càng trở nên khó khăn hơn, bởi nguồn ethanol trong nước hiện nay không đủ để sản xuất xăng E5. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến thời điểm này, chỉ có 1 cơ sở duy nhất là Nhà máy ethanol Tùng Lâm (Đồng Nai) cung cấp ethanol nhưng công suất rất nhỏ, chỉ vào khoảng 200.000-300.000m3/tháng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Á Phi, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực I cho rằng, hiện nay lượng tiêu thụ xăng dầu của cả nước vào khoảng 16-17 triệu tấn xăng, có nghĩa là để thay thế xăng A92 bằng xăng E5, thì cần khoảng 8 triệu m3 ethanol để pha chế. Ngoài việc lo sợ thiếu nguồn ethanol cung cấp, lãnh đạo Công ty Xăng dầu Khu vực I cũng khẳng định, việc lựa chọn công nghệ phối trộn cũng là một vấn đề quan trọng trong quá trình thay thế toàn bộ xăng A92 bằng E5. Bởi sau khi quyết định lựa chọn công nghệ phối trộn, cũng phải cần từ 4 -5 tháng để tiến hành thay thế, chuẩn bị, rồi mới bắt đầu cung cấp xăng E5 ra thị trường được. Như vậy, lộ trình thay thế hoàn toàn xăng E5 thay A92 vào đầu năm 2018 khó khả thi, nếu như Bộ Công Thương chưa giải được bài toán ethanol.
Mặc dù dư luận liên tục đặt vấn đề về nguồn nguyên liệu ethanol để phối trộn xăng E5 sẽ không đủ để phục vụ cho lộ trình vào ngày 1/1/2018, Bộ Công Thương vẫn khẳng định: “Năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng E5 theo lộ trình đã đề ra”. Cùng với khẳng định này, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ vẫn đang phối hợp tích cực với Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát việc điều hành giá xăng dầu đảm bảo không làm tăng giá thành sản phẩm xăng sinh học (E5, E10), tiến tới giá xăng E5 và xăng E10 có mức giá hấp dẫn nhất với người sử dụng.
Từ những khúc mắc trên, câu hỏi đặt ra lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng E5 liệu có thành hiện thực?
Đỗ Đạt/Báo Lao động Thủ đô