Tại một xưởng sản xuất flycam ở gần Khu Công nghệ cao TP.HCM, chúng tôi tình cờ bắt gặp một người đàn ông nói giọng miền Trung đang mày mò tìm hiểu các dòng sản phẩm xuất khẩu. Người này nói rằng đang đi tìm cơ hội cho sinh viên của mình.
Từ xưởng sản xuất, người đàn ông này đi thẳng lên phòng giám đốc để hỏi về quy trình tổ chức doanh nghiệp và ngỏ ý muốn mời doanh nghiệp về Huế tham quan, tìm hiểu đơn vị đào tạo của mình.
Ông là TS Nguyễn Quang Lịch – trưởng khoa kỹ thuật và công nghệ của Đại học Huế – một khoa có tuổi đời non trẻ mà khi mới thành lập được thầy Lịch dí dỏm ví là đơn vị “4.0”: “Không người học, không giảng viên, không giáo trình giảng dạy và không cơ sở vật chất”.
Đây là công việc quen thuộc của thầy Lịch là lặn lội đến từng nhà máy, phân xưởng để kết nối các giám đốc, lãnh đạo các doanh nghiệp tìm cơ hội đưa sinh viên của mình đến những nơi này thực tập, trải nghiệm trong môi trường thực tế nhất.
Mô hình 4-4-2
* Là trưởng khoa của một đơn vị thuộc quản lý trực tiếp của Đại học Huế, tại sao ông lại phải “vất vả” trực tiếp đi nhiều đến như vậy?
Bản thân tôi có cơ duyên được đi học, làm việc ở các nước, vùng lãnh thổ có nền công nghiệp hiện đại như Đài Loan, Hàn Quốc và Đức chuyên về ngành kỹ thuật công nghiệp.
Từ thực tế tôi nhận thấy rằng nơi để đào tạo ra nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật công nghiệp giỏi chủ yếu nằm ở môi trường doanh nghiệp, tức là làm việc và trải nghiệm thực tế.
Do đó tôi lựa chọn cách tìm đến những doanh nghiệp công nghệ, bất kể lớn hay nhỏ, có bề dày phát triển hay chỉ mới chớm chân khởi nghiệp để tìm gặp lãnh đạo đơn vị và hỏi về những vấn đề họ đang cần, đang gặp phải, rồi đưa những vấn đề đó về cho sinh viên của mình giải quyết.
Từ những việc này, tôi thiết lập một mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp để tận dụng nguồn nhân lực của nhau. Tôi cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực tương lai chất lượng và đổi lại họ cho sinh viên của tôi cơ hội được học, trải nghiệm việc làm, văn hóa và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp đó khi còn đang đi học.
Điều này giúp giải quyết một vấn đề mà trước nay chúng ta hay nhắc đến về đạo tạo đại học, đó là doanh nghiệp phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường vì khi đi học sinh viên thiếu trải nghiệm thực tế.
Hiện nay khoa đang có gần 300 sinh viên đang theo học và có rất nhiều doanh nghiệp lớn có cam kết hỗ trợ, đồng hành trong công tác đào tạo cùng khoa như VINES (thuộc Tập đoàn VinGroup), FPT, PV Gas…
* Là một đơn vị mới thành lập chỉ mới 3 năm và chưa có sinh viên ra trường, sao ông có thể tự tin rằng mình sẽ cung cấp cho doanh nghiệp một đội ngũ lao động chất lượng trong tương lai?
Tôi là một người đam mê bóng đá và hâm mộ đội bóng Manchester United. Do đó khi xây dựng giáo trình giảng dạy chung ở khoa, tôi rất thích ứng dụng mô hình giảng dạy là đội hình ra sân huyền thoại của đội bóng này: đội hình 4-4-2.
4-4-2 ở đây có nghĩa là 40% thời gian sinh viên sẽ học tập tại trường, 40% thời gian sinh viên sẽ học tập, làm việc ở doanh nghiệp và 20% còn lại là các em được học ở các buổi chia sẻ kinh nghiệm, trò chuyện với các chuyên gia, chủ yếu về kỹ năng.
40% thời gian cho sinh viên ở doanh nghiệp và 20% của chuyên gia là thứ mà chúng tôi còn thiếu, nên buộc lòng tôi phải đi nhiều để tìm, để kết nối.
Theo chương trình học này, vào năm cuối cùng phần lớn thời gian các bạn sinh viên sẽ làm việc tại các doanh nghiệp. Vì vậy các em được làm quen, có cơ hội được doanh nghiệp đánh giá và lựa chọn sau khi ra trường.
Ngoài những kiến thức được học trên ghế nhà trường, sinh viên của tôi sẽ được chính doanh nghiệp dạy thứ mà họ cần, họ đòi hỏi ở nguồn nhân lực. Khi thực tập, làm việc ở doanh nghiệp, các em sẽ hiểu được văn hóa, triết lý kinh doanh của chính doanh nghiệp mình đang phụng sự nên cơ hội các em được giữ lại làm việc là rất cao.
Với những gì sinh viên của tôi được học đó, tôi tin rằng đó sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao mà mỗi doanh nghiệp công nghệ nào đều mong muốn có được.
Xem sinh viên là khách hàng đặc biệt
* Ông có tự tin rằng 100% sinh viên khóa 1 của khoa sau khi tốt nghiệp sẽ đều có việc làm?
Hiện tại, dù chưa có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp nhưng với nhu cầu việc làm và năng lực của các sinh viên khóa 1 của khoa, tôi tin rằng không cần đợi đến tốt nghiệp, mà ngay khi gần tốt nghiệp các em đã có việc làm rồi.
Ngay hè vừa rồi, sinh viên của tôi đã tham gia thực tập, làm việc tại nhiều doanh nghiệp từ 2-3 tháng và có nhiều em được doanh nghiệp ngỏ ý muốn giữ lại hoặc cộng tác, làm việc ngay cả khi chưa tốt nghiệp.
Nhưng riêng với sinh viên khoa tôi, tôi nói thẳng với các chủ doanh nghiệp rằng cấm các ông mời sinh viên của tôi làm việc full time trong lúc các em đang đi học. Bởi vì đừng dạy cho các em một triết lý đó là kiếm tiền quá sớm khi chưa đủ kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là ý thức trong công việc.
Vậy nên tôi nghĩ rằng sau khi ra trường, để nói đạt 100% sinh viên có việc làm đúng ngành học thì hơi quá, nhưng tôi tin với những gì nhà trường đang làm thì tỉ lệ đó sẽ rất cao.
* Ông nhắc khá nhiều về sinh viên của mình, vậy ông kỳ vọng gì về sinh viên của ông?
Đối với tôi, tôi xem sinh viên của mình là khách hàng, một kiểu khách hàng đặc biệt. Khách hàng này không phải là mình chỉ cung cấp dịch vụ học tập về kiến thức, mà phải là cung cấp cho các em một giá trị học tập, tạo ra một giá trị con người.
Mỗi lần có dịp nói chuyện với sinh viên, tôi thường nói rằng trước khi trở thành một kỹ sư giỏi, tôi mong các em sẽ trở thành người tử tế. Tức là có thể mạnh dạn nhìn nhận nói được lời xin lỗi và lời cảm ơn với mọi người.
Vậy nên ngoài việc xem sinh viên là khách hàng thì những tôn chỉ, mục đích, quy chế trong quản lý, kỷ luật ở trường cũng cần phải thực sự được xem trọng.
* Trong quá trình đi lại, tìm kiếm cơ hội cho sinh viên của mình, ông ấn tượng nhất điều gì?
Ấn tượng thì nhiều lắm. Nhưng tôi ấn tượng mãi đó là khi được biết và tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của một tập đoàn. Họ là tập đoàn lớn với hàng ngàn nhân viên, công nhân đang làm việc ở nhiều môi trường khác nhau như công trường, nhà xưởng, văn phòng…
Thế nhưng dù ở đây và làm gì, vào sáng thứ hai đầu tuần mọi nhân viên của nơi đây đều được yêu cầu thực hiện việc chào cờ và hát quốc ca, sau đó mới bắt đầu một tuần làm việc mới. Từ đó tôi chợt nhận ra phần lớn sinh viên nói chung hiện nay đều đã bỏ đi thói quen chào cờ, hát quốc ca vào mỗi dịp đầu tuần được rèn luyện từ những năm phổ thông. Tôi nghĩ rằng đây là một câu chuyện truyền cảm hứng rất lớn về lòng yêu nước, tính kỷ luật.
Vậy nên hiện nay tại khoa, chúng tôi đang cố gắng duy trì việc chào cờ và hát quốc ca đầu tuần cho toàn thể giảng viên, sinh viên dù đang ở đâu, làm gì
Nguồn: tuoitre.vn