Theo ĐBQH nên quy định vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu bỏ trốn hoặc xét thấy cần thiết ngăn chặn là quyết định tạm hoãn xuất cảnh ngay.
Chiều nay, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt báo cáo giải trình QH về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Ông Việt cho biết một số ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp cụ thể được cấp hộ chiếu ngoại giao và giới hạn trường hợp đi theo, đi cùng; mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ, quy định cụ thể điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định bảo đảm tính thống nhất với pháp luật tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, tố tụng hành chính… bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh cụ thể. Trên cơ sở ý kiến các ĐBQH, UB Thường vụ QH đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp:
Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt. |
Người đại diện theo pháp luật của DN đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Ngăn chặn người tham nhũng xuất cảnh bỏ trốn
Góp ý kiến về về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại điều 36, ĐB Y Nhàn (Kon Tum) cho hay, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các hành vi này thường sẽ xử lý hình sự.
Người có hành vi tham nhũng khi bị kiểm tra, thanh tra rất hay bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, thanh tra, cũng như chuyển sang xử lý hình sự.
ĐB dẫn quy định của bộ luật Hình sự hiện hành thì tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm mà mức hình phạt cao nhất đến 3 năm tù, tội phạm nghiêm trọng từ 3-7 năm tù, tội phạm rất nghiêm trọng từ 7-15 năm tù và đặc biệt nghiêm trọng từ 15 năm tù đến chung thân, tử hình.
ĐB Y Nhàn: Phòng ngừa người vi phạm bỏ trốn, cần thiết ngăn chặn xuất cảnh |
“Để phòng ngừa bỏ trốn, sau khi thanh tra, kiểm tra chuyển sang xử lý hình sự, tôi thấy nên quy định vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu bỏ trốn hoặc xét thấy cần thiết ngăn chặn là quyết định tạm hoãn xuất cảnh ngay không cần phải là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như quy định của dự thảo”, bà Y Nhàn nói.
Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), tại khoản 2 điều 36 quy định có 3 đối tượng, đó là người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian thử thách, người được tha tù có điều kiện trước thời hạn và người được hưởng án treo.
Trong luật quy định đây là đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh. Khoản 2 điều 37 quy định về thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh đối với 3 đối tượng này.
“Chúng tôi cho rằng quy định như thế là không chính xác, vì theo khoản 3 điều 67, khoản 4 điều 92 và khoản 4 điều 100 của luật Thi hành án hình sự thì 3 đối tượng này là 3 đối tượng không được xuất, nhập cảnh. Đã không được xuất, nhập cảnh thì làm sao có việc hoãn”, ông Bộ nêu ý kiến.
Ông cũng dẫn chứng, tại điều 37 có viện dẫn thẩm quyền tạm hoãn theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự không có điều luật nào quy định về thẩm quyền tạm hoãn đối với trường hợp này mà tạm hoãn xuất, nhập cảnh với tư cách là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự thì theo điều 124 chỉ đối với bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và thời hạn tạm hoãn của họ cũng chỉ kết thúc khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Vì vậy, ông đề nghị bỏ quy định đối với 3 đối tượng này.
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Trường hợp đáng lẽ phải ngăn chặn thì lại không ngăn chặn được |
Cùng vấn đề, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị bị can, bị cáo, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố và qua xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và cần phải thực hiện.
“Tôi rất chia sẻ việc gần đây có những trường hợp đáng lẽ chúng ta phải ngăn chặn thì lại không ngăn chặn được, cho nên quy định này là cần thiết.
Tuy nhiên, khi nói có đủ căn cứ để xác định thì căn cứ này là do ai quyết định và nếu quyết định này là sai thì sao?”, ĐB Nghĩa nói.
Ông kiến nghị thiết kế lại cho rõ ràng hơn và ở chỗ này nói khi có căn cứ này, khi có căn cứ kia thì căn cứ đó sẽ được quyết định bởi quyết định tư pháp hoặc là một quyết định hành chính.
Nguồn: vietnamnet