Có thể một số người chưa biết, đó là trong những năm tháng đầu tiên tham gia hoạt động cách mạng, anh thanh niên Phùng Thế Tài đã làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ…
Thượng tướng Phùng Thế Tài (sinh tháng 2/1920, mất ngày 21/3/2014), nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh quân chủng Phòng không không quân, một trong những tướng lĩnh đóng góp nhiều công trạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, được nhiều người biết đến và kính trọng. Nhưng có một chuyện có thể một số người chưa biết, đó là trong những năm tháng đầu tiên tham gia hoạt động cách mạng, anh thanh niên Phùng Thế Tài đã làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ…
Thượng tướng Phùng Thế Tài là con cả trong gia đình nông dân nghèo ở làng Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Thường Tín cũ, nay là huyện Phú Xuyên (Hà Tây). Khi sinh anh, cha mẹ đặt tên là Thụ.
Năm 1933, mới 12 tuổi, Thụ phải đi làm thuê kiếm sống, rồi sau, theo một người làng là công nhân hỏa xa sang Vân Nam (Trung Quốc) làm công cho một gia đình người Hoa ở Chỉ Thôn.
Được một thời gian ngắn, Thụ không chịu được thái độ hống hách, bắt nạt của mấy đứa con nhà chủ. Một đêm, Thụ lừa chúng ra đường, đánh cho một trận nên thân rồi bỏ lên Côn Minh, thủ phủ Vân Nam .
Thế là, sau gần một năm học nghề, kiếm sống ở cái thị tứ nhỏ, giờ đây, Thụ trở thành đứa trẻ bơ vơ, không nơi trú chân trong một đô thị lớn. Hàng ngày, Thụ làm phu khuân vác; lúc gánh mướn, khi đẩy xe thuê. Hôm nào không có việc thì đành phải đi xin ăn. Đêm đêm, với manh chiếu rách, Thụ ngủ trên ghế đá công viên Hạ Lầu.
Một hôm, Thụ vừa chợp mắt thì có người đến lay gọi bằng tiếng Việt:
– Em ở đâu đến mà đêm hôm lại nằm ở đây thế này?
Định thần một lúc, dưới ánh điện lờ mờ, Thụ nhìn người lạ mặt thật kỹ. Đó là người đàn ông trạc 30 tuổi, gương mặt phúc hậu, cặp mắt hiền từ. Thụ có cảm tình ngay với vị khách đó và nói rõ hoàn cảnh nghèo khổ của mình. Người thanh niên ấy là đồng chí Vũ Anh, tức Trịnh Đông Hải, một đảng viên Cộng sản, lái xe ôtô cho hãng dầu cù là Vĩnh An Đường; và dùng tiền lương nuôi các đồng chí đang hoạt động, đồng thời sử dụng cửa hiệu của hãng làm trạm liên lạc cho cách mạng.
Đồng chí Vũ Anh đưa Thụ về nhà, cho ăn uống đầy đủ, sắm sửa quần áo và tìm việc làm cho em. Thụ học việc không công cho một xưởng ôtô tư nhân. Do sáng dạ và chăm chỉ, 6 tháng sau, chủ đã phát lương cho Thụ. Tiền lương được bao nhiêu, Thụ đưa cả cho đồng chí Vũ Anh.
Ban ngày đi làm, ban đêm, các đồng chí tổ chức cho Thụ cùng số trẻ em Việt kiều học văn hóa. Hồi ở nhà mới biết đọc, biết viết; sang đây, Thụ vừa có việc làm vừa được đi học nên cảm thấy thật hạnh phúc…
Đầu năm 1935, Đội thiếu niên Dục Tài gồm con cái công nhân, công chức hoặc con nhà buôn người Việt được thành lập, do Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương phụ trách.
Đội có 30 đội viên tuổi khoảng 13, 15 trong đó có Thụ. Các đội viên ăn mặc thống nhất: mũ calô trắng có viền đỏ. Trên mũ có đính ngôi sao 5 cánh bằng đồng; áo sơmi trắng, quần soóc xanh. Ngực áo thêu 4 chữ vàng TNDT (Thiếu niên Dục Tài) tham gia bảo vệ các cuộc họp chi bộ của Đảng. Do tích cực công tác, Phùng Văn Thụ được chỉ định làm Đội trưởng Đội thiếu niên Dục Tài.
Sau một thời gian giáo dục, rèn luyện, thử thách, đặc biệt là hoạt động có hiệu quả trong Đội thiếu niên Dục Tài, tháng 6/1939, Phùng Văn Thụ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, lúc vừa tròn 19 tuổi.
Một hôm, đồng chí Vũ Anh giao nhiệm vụ cho Thụ phải bảo vệ chu đáo một nhân vật quan trọng tên là Vương (bí danh của Bác Hồ). Anh suy nghĩ một lát rồi hỏi:
– Đồng chí Vương là ai, thưa anh?
– Đồng chí Vương là nhà cách mạng nổi tiếng. Hiện nay, đồng chí đang ở nhà một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, tên là Trần, cùng phố với nhà tên Long Vân, tỉnh trưởng Vân Nam.
– Cách bảo vệ như thế nào ạ?
– Hằng ngày, vào khoảng 7 giờ tối, em cứ lảng vảng trước cổng nhà đồng chí Trần. Khi thấy đồng chí Vương ra cổng đi đâu đó thì em theo sau, giữ khoảng cách từ 6 đến 10 mét và sẵn sàng bảo vệ khi cần. Vũ khí là một cái búa và một con dao, không có súng.
Ngay tối đầu tiên làm nhiệm vụ, Thụ đã nhận ra đồng chí Vương là người mà trước đó anh có gặp ở hiệu Vĩnh An Đường. Từ đó, Thụ cảm thấy trách nhiệm của mình thật to lớn. Rồi một hôm, anh được đồng chí Vũ Anh bố trí gặp Bác tại quán nước vắng. Đồng chí giới thiệu bằng tiếng Trung Quốc:
– Thưa tiên sinh đây là chú Nghĩa (tên mới của Thụ), một đảng viên trẻ. Công việc tôi đã dặn dò chú. Xin tiên sinh yên tâm.
Bác cười nhìn Nghĩa, tỏ vẻ hài lòng. Có lẽ vì thấy anh trẻ trung, khỏe mạnh, mặt mũi sáng sủa… Những ngày đầu, Người chỉ nói với Nghĩa bằng tiếng Việt. Để đảm bảo bí mật, anh và Bác phải tỏ ra không quen biết nhau.
Có lần, đồng chí Vũ Anh cho Nghĩa biết, ông Vương chính là Nguyễn Ái Quốc, từng bị thực dân Pháp kết án tử hình; đã bị Cảnh sát Hồng Công bắt nên cần phải bảo vệ thật cẩn thận.
Từ đó, anh ý thức được rằng, nhiệm vụ đang làm có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan đến vận mệnh quốc gia, bản thân phải luôn đem hết tâm lực, nghiên cứu phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn cho Bác.
Ít ngày sau, nước Pháp đã bị Đức chiếm, làm Côn Minh náo động. Trước tình hình này, Bác triệu tập họp bộ phận hải ngoại của Đảng ở Vân Nam. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh cùng Bác, ngồi họp trong gian nhà nhỏ của tòa soạn báo Đ.T. Nghĩa làm nhiệm vụ bảo vệ ở bên ngoài. Cuộc họp diễn ra suốt đêm. Bác quyết định, phải nhanh chóng trở về nước hoạt động; chuẩn bị mọi mặt, chờ thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong những ngày này, việc bảo vệ Bác thật vất vả. Hầu như đêm nào Người cũng đi làm việc. Có lúc Bác cải trang đi cả ban ngày: khi mặc complê, lúc mặc áo dài; khi đội mũ cứng, lúc đội mũ mềm có lưỡi trai. Bảo vệ vẫn theo phương thức “hình với bóng”.
Nơi nào làm việc lâu khoảng 2 – 3 giờ, Bác ra hiệu cho Nghĩa biết trước, bằng cách lấy mùi xoa lau mồ hôi trán. Anh hiểu ý, tìm chỗ kín đáo ngồi quan sát xung quanh. Việc khẩn trương di chuyển xuống phía nam để chuẩn bị về nước, được bàn bạc kỹ lưỡng trong các hội nghị. Cuối cùng, chuyện Bác về Cao Bằng đã được quyết định dứt khoát.
Nghĩa được giao nhiệm vụ ở lại cùng với một số đồng chí khác do anh Phạm Việt Tử phụ trách, tiếp tục gây cơ sở, chuẩn bị mọi mặt để về nước phát triển phong trào cách mạng.
Đầu năm 1942, Nghĩa phụ trách lực lượng đưa một số vũ khí mua được về nước. Đồng chí Vũ Anh đã quyết định để Nghĩa ở lại Pác Bó bảo vệ Bác.
Tháng 11/1944, phong trào cách mạng của ta đang lên mạnh. Bọn phát xít Hitler đại bại ở Stalingrad, phải lùi về phía tây và có nguy cơ bị tấn công ở gần cửa ngõ Berlin .
Trước tình hình đó, Bác sang Trung Quốc gặp Bộ Tư lệnh quân đồng minh đóng ở Côn Minh để bàn hợp tác với Mặt trận Việt Minh, đánh Nhật.
Bác mang theo một viên phi công Mỹ, tên là Sô, bị Nhật bắn rơi máy bay và bị bắt tại khu du kích ở xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Mục đích nhằm “làm quà” cho viên tướng Sênô, Tư lệnh quân Đồng minh, đóng ở Vân Nam.
Đây là chuyến đi quan trọng, dài ngày với hơn 1.000 km từ Pác Bó tới Côn Minh, vừa đi bộ vừa đi tàu hỏa.
Đồng chí Vũ Anh gọi Nghĩa lên giao nhiệm vụ đi bảo vệ Bác. Trước khi đi, Bác bảo anh mua nửa cân thịt lợn, nửa cân muối, nửa cân ớt rang khô lên rồi cho vào ống bương, làm thực phẩm ăn dần.
Thấy Nghĩa đeo khẩu P38 bên sườn, Bác nhìn rồi hỏi:
– Súng có bao nhiêu đạn? Chú bắn có giỏi không?
– Dạ thưa Bác, súng của cháu có 20 viên đạn. Cháu bắn khá ạ.
Sang đất Trung Quốc, đang thuộc chính quyền Tưởng Giới Thạch nên 3 người đi ban ngày. Mới đi được hơn 20km, chàng phi công Sô đã đi cà nhắc, mặt nhăn nhó, khổ sở. Còn với Bác, trông bề ngoài có vẻ bình thường, nhưng chắc Người đã phải cố gắng nhiều. Tranh thủ lúc nghỉ chân, Nghĩa vào địa phương trưng dụng 2 con ngựa; 1 phục vụ Bác, 1 để cho Sô đi. Nhưng Bác không chịu và nói:
– Sao chú làm phiền dân thế? Chú mượn thì chú đi… Bác đi bộ được mà.
Thế là Nghĩa phải trả lại ngựa cho dân. Vào một bữa trưa, 3 người đến tiệm ăn. Anh muốn bồi dưỡng sức khỏe cho Bác nên gọi 2 đĩa thức ăn, 1 bát canh và 1 đĩa cơm to. Bữa ăn thật ngon, cơm dẻo, canh ngọt, món xào thơm phức. Trong khi ăn, Bác nói:
– Các đồng chí trong nước ăn bữa no bữa đói… Ta ăn thế này thì hoang quá.
Đến Tĩnh Tây, Bác bảo anh vào liên hệ với Trung tướng Trần Bảo Xương, Quân đoàn trưởng một quân đoàn của Tưởng Giới Thạch, nhờ gọi điện cho Tướng Sênô ở Côn Minh, báo có đại biểu Việt Nam độc lập đồng minh sẽ tới để trao cho phía Mỹ viên phi công tên Sô và bàn việc hợp tác đánh Nhật. Biết chuyện, Trần Bảo Xương mời Bác vào bản doanh của hắn chiêu đãi trọng thể, tỏ vẻ thân tình. Hắn thay mặt đồng minh nói:
– Xin cảm ơn tiên sinh đã bảo vệ và nuôi dưỡng viên phi công Mỹ được khỏe mạnh, an toàn. Tiên sinh đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình. Xin tiên sinh cứ yên tâm nghỉ ở đây rồi sáng mai trở lại Việt Nam. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm dẫn viên phi công trao trả tận tay người Mỹ.
Trên đường về nhà nghỉ, Bác bỏ quên mũ trong phòng khách. Nghĩa trở lại thì thấy chúng đang bàn nhau bắt giữ hai Bác cháu. Anh bàng hoàng nghĩ đến cảnh tù đày qua hàng chục nhà giam mà Bác phải chịu đựng và vai trò cực kỳ quan trọng của Bác trong thời gian sắp tới đối với cách mạng Việt Nam.
Nghĩa bình tĩnh, nhanh nhẹn quay về báo tin với Bác. Người đăm chiêu suy nghĩ một lát rồi quyết định rời ngay nhà nghỉ. Hai người giả vờ ra ngoài mua thuốc để đi qua cổng gác. Rời bản doanh của Trần Bảo Xương, hai Bác cháu rảo bước khỏi Tĩnh Tây.
Sáng hôm sau, trông thấy Bác quá mệt, Nghĩa thưa với Bác:
– Đường về còn xa, cháu vào thôn kia lấy ngựa để Bác đi.
– Bác cháu ta đi bộ thôi. Chú mệt rồi à?
– Thưa Bác chưa ạ. Cháu chỉ thương Bác mệt…
Bác cười nói:
– Chú không thương dân ư? Người ta chỉ có con ngựa để kiếm ăn. Chú lấy đi để được việc chú. Người ta lấy gì nuôi vợ, nuôi con? Nhân dân Trung Quốc cũng khổ như nhân dân mình thôi.
Ngày hôm đó, Bác đi bộ được 40km. Nghĩa đi ngang, có lúc chạy lên trước để dò đường, về tới Pác Bó.
Hơn một tuần sau, Bác gọi đồng chí Vũ Anh và Nghĩa đến bảo:
– Các chú chuẩn bị để Bác đi Côn Minh làm việc.
Vợ đồng chí Lê Quảng Ba mua 1 cân thịt, 1 cân muối, 1 cân ớt rang lên, cho vào ống bương. Đồng chí Vũ Anh đưa cho Nghĩa ít tiền chi tiêu dọc đường và cử thêm anh Minh, có bí danh là Đại Toàn, dân tộc Tày, cùng đi bảo vệ Bác. Minh trên 30 tuổi, hơn Nghĩa đến chục tuổi, hiền lành, chất phác.
Về quần áo, Bác có một cái áo bông khoác ngoài màu tro đã sờn vai. Nghĩa có cái áo dạ và chiếc quần màu tro, Minh mặc quần áo của Quốc dân đảng. Bác đi dép rơm, Nghĩa đi giày cao su; còn Minh đi giày vải. Như vậy, mỗi người chỉ có “nhất bộ”, một bộ lót và cái chăn dạ.
Từ Quảng Tây sang Vân Nam phải đi bộ mất 11 ngày, mỗi ngày đi từ 35 đến 40km. Bác đi như thanh niên; lúc lội suối, lúc vượt đèo, nhanh nhẹn hơn cả đồng chí Minh. Tuy vậy, Bác đi dép rơm, phồng cả chân. Nghĩa định mua giày để Bác đi, Bác không cho mua và nói:
– Dép này có hỏng thì lại mua dép rơm khác.
Nói rồi, Bác quấn giẻ vào quai dép để đi cho đỡ phồng chân.
Hằng ngày, Nghĩa và Minh phân công như sau: Sáng dậy, Minh nấu cơm; cơm chín, nắm lấy 3 nắm để dành bữa trưa. Nghĩa nấu canh rau, sáng thì được ăn cơm nóng, trưa ăn cơm nắm với thịt mặn. Tối nghỉ chân mới nấu cơm mới.
Mới đầu, đi bộ còn vui chân, cứ đi miết. Nhưng càng đi càng mỏi. Gót chân, mắt cá chân, cổ chân từng bộ phận như tách rời nhau.
Đến chỗ nghỉ, Minh không thiết ăn uống gì, chỉ ngồi bóp hai đầu gối và hai xương bánh chè. Bác đi mượn cái chậu giặt, tiểu tiện vào ngâm chân và nói:
– Các chú thử làm xem. Ngâm chân bằng nước tiểu tốt nhất. Mai lại đi thoải mái như thường.
(Còn tiếp)