Đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, dù siêu lợi nhuận nhưng người bán trà đá tại Việt Nam lại không đóng đồng nào cho ngân sách. Điều này cho thấy thực tế câu chuyện thu thuế và cách thức thu thuế của Việt Nam hiện đang có “vấn đề”.

Tại buổi thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, sáng 22/5, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho biết, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây tại Mỹ, các chuyên gia đánh giá về Việt Nam với 3 điểm sáng.

“Rau của chúng ta trên bàn ăn khắp thế giới”

Theo ông Tiến, điểm sáng đầu tiên chính là môi trường kinh tế, chính trị ổn định. Trong đó, kinh tế ổn định trong nhiều năm nhờ duy trì ổn định được tỷ giá, duy trì mức độ lạm phát thấp.

“Việt Nam được các nhà kinh tế hàng đầu đánh giá là điểm vàng trong lĩnh vực đầu tư. Vấn đề hiện chỉ liên quan tới chúng ta có cơ chế thế nào để nhà đầu tư vào đây thu được lợi nhuận và chúng ta thu được thuế”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, điểm sáng thứ 2 là an sinh xã hội rất tốt, trong đó điểm quan trọng là hàng năm có 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. WB đánh giá rất cao trong việc lo công ăn việc làm cho người trẻ, có đào tạo và định hướng.

Điểm sáng thứ 3 được nhắc tới là việc tái cấu trúc kinh tế.

“Nhiều nước sống trên tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn nghèo, nhiều nước có dầu mỏ, cacao có sản phẩm khác nhưng vẫn nghèo. Bản thân tôi rất ngạc nhiên WB nêu Việt Nam là nước chuyển đổi tốt. Ông Chủ tịch WB nói về socola Marou là sản phẩm của Việt Nam, bao bì Việt Nam và được bán rất đắt dù chúng ta không phải nước có sản lượng nhất thế giới về cacao”, ông dẫn ví dụ.

Ông Tiến cũng chia sẻ thêm rằng khi tìm hiểu lại thì ông thấy, trong những năm gần đây, có nhiều mặt hàng của chúng ta đã lặng lẽ chiếm vị trí cao trong tỷ trọng xuất khẩu như rau củ quả năm ngoái đạt 36 tỷ USD, vượt cả dầu thô. Đây là một hướng đi đúng hướng, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao kết hợp chế biến sâu, tạo thương hiệu hàng hoá.

“Điều này giúp sản phẩm của chúng ta giữa vị thế trên thế giới. Chúng ta không cần đao to búa lớn gì nhưng rau của Việt Nam đã lên bàn ăn khắp thế giới, phở Việt Nam được bán khắp thế giới. WB đánh giá là một hướng đi đúng”, ông nói.

“Thuế tài sản, thuế thu nhập đều thu chưa hết”

Một câu chuyện được ông Tiến nhắc đến là việc thời gian tới cũng chuẩn bị bàn thêm về luật phòng chống tham nhũng. Ông cho rằng, thực tế hiện thuế tài sản, thuế thu nhập và các loại thuế khác thu chưa hết, thu chưa kĩ, tiền mặt dùng vẫn rất phổ biến. Điều này dẫn đến câu chuyện không thu được thuế, ngân sách càng hụt thu.

“Ngân sách trung ương hụt thu có nhiều lý do nhưng có lý do là chính sách thuế, cách thức thu thuế tiệm cận được với cách thức của thế giới”, ông cho biết.

Theo vị đại biểu, thời gian qua chúng ta đang đưa cán bộ đi thu thuế của người nộp thuế nên dễ xảy ra câu chuyện người nộp thuế thoả hiệp chia đôi ba với người thu thuế. Trong khi đó nhiều nước trên thế giới, người nộp thuế có trách nhiệm khai thuế, người làm về thuế chỉ đi thanh tra thuế. Khi thanh tra ra sai phạm thì người nộp thuế bị phạt mà mất rất nhiều quyền lợi.

“Dư luận bàn câu chyện ngành thuế có 71.000 người và phải tinh giản nhưng nếu không đổi cách tiếp cận thu thuế, vẫn là cử cán bộ thu thuế thì 71.000 người vẫn chưa đủ. Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương, thậm chí chỉ là vài người kiểu quản lý thị trường gì đó thôi. Trong khi đó trên thế giới tất cả những người phát sinh thu nhập đều đóng thuế cho nhà nước trực tiếp luôn”, ông nói thêm.

Theo Dân Trí

Từ khóa : bán trà đáNợ Côngsiêu lợi nhuậnthu ngân sáchthu thuế

Các tin liên quan đến bài viết