Khi con bị tuyên án tử hình, người mẹ đáng thương cuống cuồng tìm mọi cách giữ mạng sống cho con. Bà đưa cho các bị cáo khoản tiền lớn, các bị cáo hứa sẽ giúp bà, rốt cuộc là cả đôi bên đều nhận được cái kết đắng…

Ngỡ cứu được con, mẹ nghèo mất tiền vào tay kẻ ác! - Ảnh 1.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi nhậu say, Kiều Phước Chiến (ngụ huyện Châu Thành, Đồng Tháp) nhớ lại chuyện xin cha xe môtô nhưng không được mà còn bị la mắng, nên Chiến mua 26 lít xăng đổ tràn trên sàn nhà tính chuyện trả thù.

Phát hiện mùi xăng, bà Nguyễn Thị Nơi và 3 cậu ruột của Chiến chạy đến can ngăn. Không ngờ Chiến vẫn bất chấp và bật quẹt. Ngọn lửa bùng lên thiêu rụi nhiều tài sản trong gia đình, khiến  một người cậu tử vong, 3 người còn lại bị tỉ lệ thương tật 56-76%.

TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên án tử hình Chiến về hai tội “giết người” và “hủy hoại tài sản”. Sau đó, Chiến cùng những người liên quan làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Xét thấy không có tình tiết gì mới, TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ y án sơ thẩm.

Chạy án

Sợ con bị thi hành án tử hình, bà Nơi tìm mọi cách cứu mạng sống của con. Tòa vừa tuyên án là bà viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá cho con kèm theo chữ ký của bà con láng giềng xác nhận con bà trước đây sống tốt ở địa phương.

Được người cháu giới thiệu, bà làm quen với Phạm Thanh Hiền (ngụ tỉnh Vĩnh Long), nhờ Hiền lo cho con. Hiền lại nhờ Lê Quang Sỹ (ở TP.HCM). Hiền cho bà Nơi gặp ông Sỹ trao đổi việc chạy án.

Bà Nơi giao cho Hiền tổng cộng 470 triệu đồng và chuyển vào tài khoản ông Sỹ 200 triệu đồng. Nhưng con trai bà vẫn bị thi hành án tử hình. Biết bị lừa gạt, bà Nơi làm đơn tố cáo.

Sỹ bị TAND tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng Hiền do có dấu hiệu bị bệnh tâm thần.

Căn cứ vào kết luận của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc đưa Hiền đi chữa bệnh, khi Hiền dứt bệnh sẽ đưa ra xét xử sau.

Người mẹ tội nghiệp ấy khoảng 60 tuổi, hơi gầy, buồn bã, ảm đạm đang ngồi bên ghế bị hại. Hội đồng xét xử hỏi bà có biết hành vi đưa tiền cho người khác chạy án là vi phạm pháp luật không?

Bà mệt mỏi trả lời: “Tôi thiệt tình không biết, lúc đó tâm trí rối bời, tôi chỉ muốn tìm mọi cách cứu con khỏi án tử hình, lo bao nhiêu tôi cũng ráng chạy cho con”.

Hội đồng xét xử hỏi: “Chính vì bà không biết nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng sao bà lại tin các bị cáo này có thể giúp con trai bà thoát khỏi án tử hình?”.

Bà Nơi khóc và kể lại khi nghe TAND Cấp cao tại TP.HCM bác đơn kháng cáo, bà như đang rớt thẳng xuống tận miền âm ti, sống trong những tháng ngày hoảng loạn.

Cho nên khi nghe Sỹ bảo có quen với những người chức vụ cao, có thể xin Chủ tịch nước đặc xá cho con bà còn chung thân, hồn vía bà như từ cõi chết trở về, bà chạy vạy mượn tiền đưa cho Hiền và Sỹ.

Tiền trao nhưng không thấy bên “cháo múc” động tĩnh gì, bà điện thoại cho Sỹ đòi tiền. “Mỗi khi tôi đòi tiền, Sỹ đều trả lời: “Con bà chết chưa mà đòi tiền? Bà cứ yên tâm đi, con bà sẽ khỏi tội chết…”.

Kể đến đây, giọng bà run lên: “Cuối cùng, con tôi vẫn bị tử hình. Tôi điện thoại cho Sỹ hỏi mày và thằng Hiền xài hết bao nhiêu, còn bao nhiêu trả lại tao. Hoàn cảnh tao khổ, tao cầm bằng khoán đất, hỏi mượn anh chị em mới có tiền đưa tụi mày. Nhưng Sỹ không chịu trả, tôi mới thưa ra công an…”.

Riêng chồng bà Nơi nói ông biết vợ lo tiền cho con, khuyên vợ đừng làm việc này nhưng vợ ông không chịu.

Hội đồng xét xử phân tích: “Do suy nghĩ cứu con bằng mọi cách nên bà bị kẻ xấu gạt, giờ thì tiền mất tật mang. Bà cần nhớ, pháp luật đặt ra để bảo vệ mọi người. Nếu ai cũng dùng tiền chạy án thì xã hội sẽ đi về đâu? Lúc đó liệu cuộc sống của gia đình bà có an toàn không?”.

Lừa gạt

Tại tòa, bị cáo Lê Quang Sỹ khai nhận 200 triệu đồng từ bà Nơi. Sau đó, bị cáo đem số tiền này giao lại một người khác để chạy án. Lời khai này bị hội đồng xét xử bác bỏ bởi người mà Sỹ khai đưa tiền không thừa nhận sự việc.

Hội đồng xét xử thẩm vấn: “Bị cáo có ghi âm hoặc quay phim để làm bằng chứng là đưa tiền cho người chạy án không?”. Bị cáo trả lời: “Không”.

Hội đồng xét xử nhấn mạnh: “Trên phương diện pháp luật, mọi thứ đều phải có bằng chứng. Bà Nơi chuyển tiền cho bị cáo có giấy tờ chứng minh. Riêng bị cáo nói đưa tiền cho người khác lại không có gì để chứng minh. Giờ bị hại yêu cầu đòi trả lại 200 triệu đồng, bị cáo nghĩ sao?”.

Sỹ trình bày: “Hiện bị cáo bị giam giữ. Hoàn cảnh cũng khó khăn nên chỉ đồng ý bồi thường phần nào, bởi bị cáo giao hết tiền cho người ta rồi, không giữ lại đồng nào…”.

Hội đồng xét xử: “Bị cáo nhận tiền trực tiếp từ bà Nơi, cuối cùng không trả lại bà ấy đồng nào. Rõ ràng bị cáo lừa đảo rồi còn gì? Bị cáo nói là giao cho người ta chỉ là nói một phía, không có bằng chứng gì cả. Bị cáo có biết chạy án là vi phạm pháp luật không?”.

Bị cáo trả lời: “Bị cáo không chạy án mà chỉ hứa giúp đỡ. Và bị cáo cũng không biết giúp đỡ như vậy là phạm pháp”.

Hội đồng xét xử: “Bị cáo có trình độ học vấn, lại sống ở thành phố lớn, giữ chức vụ phó giám đốc một công ty, không thể nói là không hiểu biết pháp luật. Phàm làm chuyện gì bị cáo cũng nên nghĩ đến hậu quả.

Nếu bị cáo lường gạt, trước sau gì bị hại cũng kiện bị cáo ra tòa, đó là nói về lý. Còn nói về tình, con người ta bị tử hình mà bị cáo vẫn lừa gạt lấy tiền người ta thì thật quá bất nhân”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : án tử hìnhchạy ánđồng thápgiết ngườilừa đảoTAND

Các tin liên quan đến bài viết