Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 chiều 18/9 họp phiên toàn thể với chủ đề: “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Nói về định hướng chính sách của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tác động của đại dịch cũng như những xung đột chính trị quốc tế gây ảnh hưởng nhiều mặt với nền kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân. Nhiều chính sách tài khóa như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn, thay đổi này tạo ảnh hưởng nhanh chóng, được cử tri và nhân dân hưởng ứng. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến 31/12.
Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những quyết sách quan trọng, tạo điều kiện mở rộng nguồn cung, sẵn sàng cho các biến cố trong tình hình thế giới khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu.
Việt Nam đã có lựa chọn khác
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phân tích việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ là rất phức tạp, khó khăn thách thức.
Nhà hoạch định chính sách đứng trước cả hai nguy cơ lạm phát và suy thoái. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Trong tình hình này, Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.
TS Võ Trí Thành
Lựa chọn này có cơ sở là cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan. Do vậy, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ. Việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa khi ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ.
Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định. Kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách 8 tháng qua tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.
Còn chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola nêu vấn đề: Qua thống kê, khảo sát, các số liệu cho thấy, trong khi các nước trên thế giới đang quan ngại về tình hình lạm phát, Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường. Để đạt được mục tiêu đó, ông Andrea Coppola cho rằng, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hiện tại, chính sách quản trị nguồn lực của Việt Nam đang xoay quanh nguồn vốn sản xuất và vốn con người. Trong đó, việc phát triển doanh nghiệp theo hướng năng động, xây dựng hạ tầng bảo đảm hiệu suất hướng đến tích lũy và phát huy vốn sản xuất; việc tích cực nâng cao kỹ năng của người lao động, mở rộng cơ hội việc làm cho mọi người hướng đến làm giàu thêm vốn con người.
Nguồn: vietnamnet