HA Gia Lai tiếp tục đòi bỏ V-League, nhưng “thòng” thêm câu là không bỏ đội tuyển quốc gia. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu cầu thủ, hoặc người quản lý của cầu thủ đã có ý tẩy chay giải vô địch quốc gia, hệ thống thi đấu quốc nội, thì còn xứng đáng đại diện cho đội tuyển quốc gia?
Về lý thuyết, cầu thủ đá ở đâu cũng được, miễn là có phong độ tốt thì được gọi vào đội tuyển quốc gia, phụ thuộc vào quan điểm sử dụng nhân sự của HLV.
Nhưng cũng vì tính chất của đội tuyển quốc gia, mang tính đại diện cho cả một nền bóng đá, nên việc lựa chọn cầu thủ không thể xuề xoà, ngoài yếu tố phong độ, còn tính đến yếu tố đạo đức nghề nghiệp và quy chuẩn nhất định trong cách hành xử trong cũng như ngoài sân bóng.
Thế nên mới có chuyện HLV Nguyễn Hữu Thắng trước đây từng buộc phải loại trung Quế Ngọc Hải trong một đợt tập trung, do Ngọc Hải chịu án kỷ luật ở cấp độ CLB, ở thời điểm Ngọc Hải được gọi lên đội tuyển.
Khi đó, dư luận nói chung còn phản ứng chuyện để Quế Ngọc Hải lên đội tuyển thời điểm đấy, khác nào xem nhẹ công tác kỷ luật của bóng đá Việt Nam, làm xấu đi hình ảnh của đội tuyền quốc gia.
Thành ra, đặt trường hợp bây giờ, HA Gia Lai bỏ giải V-League như họ tuyên bố, tẩy chay giải vô địch quốc gia, tẩy chay hệ thống thi đấu quốc nội, có tính là vi phạm kỷ luật không?
Vậy thì các thành viên của đội bóng đã tẩy chay hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, thuộc đội bóng đang phải chịu kỷ luật, nếu có, có còn xứng đáng khoác áo đội tuyển quốc gia nữa hay chăng? Có làm xấu đi hình ảnh của đội tuyển quốc gia, của toàn bộ nền bóng đá Việt Nam, nếu họ vẫn tham gia đội tuyển, trong thời gian đội bóng của họ chịu kỷ luật vì tẩy chay giải quốc nội?
Năm ngoái, CLB bóng đá Long An chỉ vì tẩy chay một vài phút cuối cùng, chỉ ở 1 trận đấu thuộc giải V-League (trận gặp CLB TPHCM trên sân Thống Nhất tối 19/2/2017), mà nhiều thành viên của đội bóng này đã bị lên án mạnh mẽ, bị kỷ luật tới nơi tới chốn, huống hồ gì bây giờ HA Gia Lai đòi bỏ luôn cả giải V-League.
Vấn đề khác nằm ở phong độ của chính các cầu thủ trong diện trên. Bỏ V-League rồi, cầu thủ HA Gia Lai, trong đó có cả những tuyển thủ quốc gia hiện tại, sẽ thi đấu ở đâu? Duy trì phong độ bằng cách nào? Lấy gì để các nhà chuyên môn, trong đó có HLV trưởng các đội tuyển đánh giá, so sánh năng lực của họ với những cầu thủ khác, để gọi họ lên đội tuyển quốc gia?
Cách nay hơn 2 năm, bóng đá Indonesia từng bị FIFA “cấm vận” trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân cấm vận xuất phát từ chỗ cơ quan quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của nền bóng đá. Nhưng nguyên nhân dẫn đến sự can thiệp lại đến từ việc một nhóm các ông chủ các CLB đòi tẩy chay hệ thống thi đấu quốc nội, đòi kéo cầu thủ của mình sang đá một giải riêng.
Hệ quả của việc tẩy chay giải vô địch quốc gia, hệ thống thi đấu quốc gia vì thế gây tác hại cực lớn, không chỉ đối với nội bộ CLB đòi tẩy chay, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và quyền lợi của nền bóng đá có CLB đòi tẩy chay giải quốc nội.
Tác hại khác, nằm ở mặt tâm lý chung của toàn bộ giới cầu thủ, rằng một nhóm tuyển thủ thuộc một đội bóng không cần được kiểm chứng năng lực và phong độ thông qua việc thi đấu hàng tuần, sau khi đội bóng của nhóm cầu thủ đấy bỏ giải quốc nội, nhưng vẫn góp mặt ở đội tuyển, thì còn gì là công bằng cho phần còn lại của toàn bộ nền bóng đá?
Phần còn lại của giới cầu thủ tập luyện làm gì, nỗ lực làm gì, vắt mồ hôi phục vụ khán giả hàng tuần để làm gì, nhưng vẫn có nguy cơ mất chỗ ở đội tuyển về tay một nhóm cầu thủ vốn đã bỏ giải quốc nội (dù là bỏ giải theo lệnh của ông chủ)?
Có nền bóng đá tiến bộ nào trên khắp thế giới này tồn tại hiện tượng như thế chăng?
Nguồn Dân Trí