Dù nay đã tuổi 61, sinh sống và công tác tại Bình Dương nhưng nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương có 35 năm thân thuộc với văn hóa Lộc Ninh. Tình cảm gắn bó xuất phát từ những ngày tháng gian khó sau giải phóng, khi ông cùng anh em Đoàn văn công nhân dân tỉnh Sông Bé lên Hoa Lư biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội. Nay tuổi đã cao nhưng khi “Nghe em hát trên chốt tiền tiêu”, chàng nhạc công năm xưa lại “Đến với rừng, đến với tình yêu”, đến với từng mảnh đất thân thương phía bắc Sông Bé – Bình Phước ngày nay.
Chúng tôi gặp nhạc sĩ Hiến lần đầu tại sân chơi dành cho nghệ sĩ quần chúng – Liên hoan tìm kiếm tài năng âm nhạc huyện Lộc Ninh lần thứ 1 vào tháng 8-2016, với dung mạo điềm đạm, kiệm lời; giọng nói tự nhiên, lời lẽ thấu hiểu rất đặc trưng của người hoạt động văn hóa lâu năm. Tuy làm giám khảo trong 1 ngày nhưng nhạc sĩ đã có mặt ở huyện từ chiều hôm trước, chỉ để “ngắm Lộc Ninh vào buổi tối, đi qua những lề đường đầy hoa và cây”.
Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến (thứ nhất bên trái, hàng đầu)
Nhạc sĩ Hiến chia sẻ, trước đây ông công tác tại Trường nghệ thuật sân khấu II TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh thành phố) sau về Đoàn văn công nhân dân tỉnh Sông Bé (nay là Đoàn ca múa nhạc tỉnh Bình Dương). Do thường xuyên đi công tác tại các huyện phía bắc Sông Bé – Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Đồng Phú, Bình Long, Phước Long, Bù Đăng, Lộc Ninh nên núi đồi, đời sống con người cùng hình ảnh những em bé S’tiêng mình đầy bụi đỏ vui chơi hồn nhiên đã làm nhạc sĩ nghĩ suy: “Tôi muốn làm điều gì đó thật trọn vẹn, lâu dài cho các em”. Xuất phát từ tình cảm giản đơn này nhạc sĩ đã “ăn, ở” cùng văn hóa Lộc Ninh. 15 năm công tác tại cơ sở không chỉ giúp nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn giúp “người Sài Gòn xưa” chín chắn, trưởng thành, nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, từ hiện thực cuộc sống ở các huyện phía bắc Sông Bé, chàng nhạc công tốt nghiệp khoa Nhạc cụ dân tộc, Trường nghệ thuật sân khấu II – Phạm Đắc Hiến bắt đầu thổn thức với những sáng tác đầu tay.
Mỗi chuyến đi gắn với mỗi tên đất, tên người, dù chỉ để mở lớp tập huấn hay sáng tác, dàn dựng chương trình hoặc gặp gỡ hàn huyên giữa những người bạn tri kỷ cũng gọi tên trong tác phẩm Phạm Đắc Hiến bao miền kỷ niệm. Cảm xúc dâng trào; những hình ảnh thân thương, gần gũi của cuộc sống ngân lên trên từng ca từ tha thiết, đậm chất thơ của ông. Vì vậy, giai điệu của ông trở nên lạc quan, nhẹ nhàng, sâu lắng và mang hơi hướng dân ca. “Anh vẫn đứng nơi đây, nơi tuyến đầu biên giới/Nghe tiếng hát của em theo làn gió mênh mang/Ôi yêu sao tiếng hát êm đềm như cánh hoa…” – “Nghe em hát trên chốt tiền tiêu”, nhạc sĩ viết về suy nghĩ của người lính biên phòng Hoa Lư – Lộc Ninh trước giờ xuất kích khi nghe những người “ca sĩ nhân dân” hát; “Em về xuôi có nhớ mưa phố núi/Những cơn mưa theo gió rong chơi/Những hạt mưa hát reo trên nương đồi/Khe khẽ thì thầm kể về chuyện ngày xưa” – “Mưa phố núi”, viết về những thay đổi ở mảnh đất Phước Long, hay “Rừng cao su đỏ” – bản nhạc không lời được nhạc sĩ cảm thức trước tinh thần văn hóa – văn nghệ của đội văn nghệ quần chúng Công ty cao su Bình Long…
Đã 20 năm, sau khi tái lập 2 tỉnh Bình Dương – Bình Phước, tại các địa phương có nhiều lớp đàn em kế cận nên người nhớ, người quên. Tuy nhiên, khi ai gọi tên thì nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến lại về. Điều mà nhạc sĩ hạnh phúc, khi trở lại chốn cũ Lộc Ninh là sự đóng góp của bản thân trong các chương trình, hoạt động văn hóa – văn nghệ của địa phương đều giành nhiều giải cao, được sự ghi nhận của ngành văn hóa Bình Phước. Và điều làm nhạc sĩ Hiến cảm thấy sự nghiệp văn hóa quần chúng trọn vẹn khi nhiều tác phẩm đến nay vẫn được các địa phương sử dụng, “ca sĩ quần chúng” hát, đặc biệt trong những đợt kỷ niệm, chào mừng các ngày lễ, sự kiện.
Chia tay nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến khi sương sớm chưa tan, chúng tôi nghe tiếng lòng thổn thức sau lời chia sẻ nghĩa tình: “Anh em sống làm việc cùng nhau, hiểu tính tình, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn ngày đó để mỗi người hoàn thành tốt công việc. Rồi tôi bận với công việc ở Bình Dương nhưng tình cảm gắn bó, thân thương với Bình Phước vẫn đong đầy. Lộc Ninh nay đổi mới, phong trào văn hóa – văn nghệ đa dạng, phong phú, đậm văn hóa dân tộc. Lực lượng trẻ tài năng, say mê làm văn nghệ; đội “nghệ sĩ quần chúng” hùng hậu. Dẫu người ở gần, người ở xa nhưng văn hóa mỗi vùng đất, tình cảm mỗi người không bao giờ phai”.