Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, nhiều thương, bệnh binh sau khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường vẫn luôn giữ khí tiết “Bộ đội cụ Hồ”, vượt qua khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu. Tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ, 27/7/1947 – 27/7/2017, Tạp chí Khoa học thời đại xin giới thiệu nghị lực vượt khó của người thương binh 4/4 – ông Mai Văn Cho, ngụ khu phố Tân Bình, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.    

Năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế từ Campuchia trở về quê hương tại xã Chơn Thành, huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé cũ, tuy vết thương trên người chưa lành, nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, nên ông Mai Văn Cho vẫn quyết định chuyển gia đình về Đồng Xoài lập nghiệp. Vốn liếng eo hẹp, ông chỉ đủ mua một mảnh đất nhỏ dựng căn nhà tạm làm nơi ở cho gia đình tá túc. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, vợ chồng ông chọn nghề chăn nuôi heo để khởi nghiệp. Ông kể, vì ít vốn nên mới đầu ông chỉ mua được một cặp heo giống, nhưng với bản tính cần cù chịu khó, nên ngoài nuôi heo ông còn đi làm đủ thứ nghề vừa để chăm lo cho gia đình vừa tích lũy thêm vốn. Đàn heo của gia đình ông cũng dần phát triển có lúc lên đến vài chục con.

Ông Mai Văn Cho giới thiệu về vườn cao su của gia đình
Ông Mai Văn Cho giới thiệu về vườn cao su của gia đình

Có thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên ông phát triển thêm chăn nuôi bò, rồi nuôi nhím. Hiện nay ông gia đình ông đang sở hữu đàn nhím với hơn 40 con. Tuy nhiên, theo ông Cho thì làm kinh tế mà chỉ cần cù, chịu khó chưa đủ mà phải học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và tìm hiểu về kỹ thuật, thị trường. Vì vậy mà nghề chăn nuôi đã giúp ông ổn định cuộc sống và có tích lũy. Với suy nghĩ đất đai và cây trồng sẽ bền vững hơn, nên ông đã gom góp vốn liếng sang nhượng lại đất tại xã Tân Phước (Đồng Phú) và quyết định đầu tư trồng cao su. Đến nay 3,5 ha cao su của ông đã cho thu hoạch 7 năm. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi cùng với xu thế phát triển của thị xã, năm 2010, gia đình ông còn mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở xưởng chế biến hạt điều tại nhà. Với hơn 40 bàn chẻ điều, xưởng điều của ông đã tạo công ăn, việc làm cho hơn 70 lao động trong và ngoài khu phố. Ngoài ra, ông còn đầu tư lò sấy hạt điều, qua đó đã giải quyết cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương nhận hạt điều về bóc vỏ lụa. Hiện nay, do vấn đề về sức khỏe, nên xuởng điều của ông được thu nhỏ lại chỉ sản xuất hạt điều rang muối tiêu thụ tại Đồng Xoài.

Vợ chồng thương binh Mai Văn Cho giới thiệu sản phẩm điều rang muối tại xưởng điều của gia đình
Vợ chồng thương binh Mai Văn Cho giới thiệu sản phẩm điều rang muối tại xưởng điều của gia đình

Từ khó khăn, sau hơn 30 năm nỗ lực vượt khó vươn lên bằng nghị lực của mình, đến nay gia đình thương binh Mai Văn Cho đã có cơ ngơi vững vàng, tài sản giá trị. Ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, hiện đại và mức thu nhập 200 triệu đến 300 triệu đồng mỗi năm của gia đình ông Cho luôn là ước mơ lớn của nhiều gia đình ở trong vùng. Về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình của mình, ông Mai Văn Cho chia sẻ: “Phương châm của tôi là lấy ngắn nuôi dài, phải tính toán kỹ trước khi quyết định và phải biết lượng sức mình khi vốn liếng còn hạn hẹp”.

Sau 30 năm vượt khó làm giàu, đến nay gia đình thương binh Mai Văn  Cho đã có cơ ngơi tài sản nhiều tỷ đồng
Sau 30 năm vượt khó làm giàu, đến nay gia đình thương binh Mai Văn Cho đã có cơ ngơi tài sản nhiều tỷ đồng

Bên cạnh việc giỏi giang, khéo léo trong phát triển kinh tế, ông Cho còn được người dân trong khu phố quý mến vì đã tạo việc làm, hỗ trợ giúp đỡ gia đình khó khăn. Trong thời gian chăn nuôi ông đã giúp một số hộ gia đình, trong xóm và gia đình thương, bệnh binh khó khăn về giống heo và nuôi bò sinh sản ăn chia. Đến nay các hộ được ông giúp đỡ đều đã ổn định kinh tế. Đặc biệt với uy tín và phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, ông Cho được các cựu chiến binh khu phố tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 15 năm liên tục từ khi còn thị trấn Đồng Xoài đến năm 2007. Từ năm 2007 đến 2013, ông Mai Văn Cho được bầu làm trưởng khu phố. Trong suốt thời gian công tác ông Cho luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được bà con nhân dân tin tưởng, quý mến và được hội cựu chiến binh các cấp, UBND thị xã Đồng Xoài, UBND tỉnh Bình Phước tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Nhiều năm liên tục gia đình ông được  công nhận “Gia đình văn hóa” và hàng năm bản thân ông Cho luôn được công nhận “Người công dân kiểu mẫu”. Đặc biệt, năm 2014, ông Mai Văn Cho được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước và UBND thị xã Đồng Xoài chọn đi báo cáo điển hình tại hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2014, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại thành phố Hội An – Quảng Nam. Nhân dịp này, ông Mai Văn Cho được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen người có công tiêu biểu khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Nguồn khoahocthoidai.vn

Từ khóa : tàn mà không phếthương binhthương binh 4/4

Các tin liên quan đến bài viết