Ngày 26-10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết dự kiến giá nhiên liệu giảm khoảng 11% trong năm 2023, sau khi tăng đến 60% trong năm nay sau chiến sự Nga – Ukraine.
Sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và hạn chế để chống COVID-19 ở Trung Quốc có thể làm giá nhiên liệu giảm sâu hơn nữa.
Trong báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất của WB, cơ quan này dự báo giá dầu thô Brent trung bình sẽ là 92 USD/thùng năm 2023 và giảm xuống 80 USD/thùng năm 2024, thấp hơn đỉnh giá vừa qua dù vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 60 USD/thùng.
Báo cáo cho biết xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm tới 2 triệu thùng mỗi ngày do lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) với các sản phẩm dầu và khí đốt của Nga, cùng với các hạn chế về bảo hiểm và vận chuyển, có hiệu lực vào ngày 5-12.
Đề xuất của nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada, về trần giá dầu cũng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của dầu từ Nga, nhưng biện pháp này cần sự tham gia của các thị trường mới nổi lớn và các nước đang phát triển để có hiệu quả.
WB cho rằng việc đồng USD mạnh lên và giá trị đồng tiền của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển giảm đã đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đã ảnh hưởng đến 200 triệu người trên toàn cầu.
Ông Ayhan Kose, trưởng nhóm thực hiện báo cáo của WB, cho biết: “Sự kết hợp của giá cả hàng hóa tăng cao và đồng tiền mất giá liên tục khiến lạm phát tăng cao hơn ở nhiều quốc gia”.
Theo ông, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển cần chuẩn bị cho “một thời kỳ biến động thậm chí còn cao hơn trên thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu”.
Sự mất giá của đồng tiền có nghĩa là gần 60% các thị trường mới nổi đang nhập khẩu dầu mỏ và các nền kinh tế đang phát triển xuất hiện tình trạng tăng giá dầu trong nước. Giá lúa mì tính theo đồng nội tệ ở gần 90% các nền kinh tế cũng tăng mạnh.
Trong ba quý đầu năm 2022, mức tăng giá lương thực trung bình là hơn 20% ở Nam Á, trong khi các khu vực khác như Mỹ Latin và Caribbean, Trung Đông và Bắc Phi, châu Phi cận Sahara, Đông Âu và Trung Á, giá lương thực trung bình tăng từ 12% đến 15%.
Mặc dù giá nhiên liệu đã giảm, mức giá này vẫn cao hơn so với giá trung bình của 5 năm trước 75%, WB cho biết.
Nguồn: tuoitre.vn