Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 – 2%. Như vậy sẽ có thêm khoảng 200.000 tỉ đồng vốn cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, đây là biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm rất lớn và Tết năm nay sớm hơn mọi năm.
Còn khoảng 400.000 tỉ cho tháng 12
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, việc Ngân hàng Nhà nước chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 – 2%, tương ứng lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng 200.000 tỉ đồng.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 – 16% so với cuối năm 2021, nâng tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng 400.000 tỉ đồng (sau khi đã cộng cả hạn mức mới được cấp và hạn mức cũ còn lại).
Tuy nhiên tỉ lệ phân bổ cho từng ngân hàng chưa được Ngân hàng Nhà nước công bố mà nơi này chỉ nêu nguyên tắc chung là các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Con số tăng trưởng tín dụng gần nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố là 11,5%, tính đến cuối tháng 10-2022. Như vậy với hạn mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 là 14% thì dư địa cho tăng trưởng tín dụng hai tháng cuối năm là 2,5% – con số khá khiêm tốn so với nhu cầu vốn lúc này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một doanh nghiệp tại quận Bình Tân, TP.HCM, cho hay việc nới room tín dụng là điều doanh nghiệp mong đợi vì thời gian qua dù hạn mức được ngân hàng cấp mới sử dụng 60 – 70% nhưng vì cạn room nhiều ngân hàng đã ngừng giải ngân khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh không có vốn dù đang bước vào mùa cao điểm cuối năm.
Có ngân hàng yêu cầu trả nợ cũ mới được giải ngân khoản vay mới, nhưng nếu trả nợ mà một tuần sau mới có nhu cầu vay thì ngân hàng cũng không dám hứa là có cho vay lại được không, vì không biết khi đó còn room hay không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng việc nới room tín dụng ở thời điểm này có thể hiểu rằng sẽ chủ yếu phục vụ nguồn vốn lưu động cuối năm cho các doanh nghiệp chứ không phải để phục vụ các dự án đầu tư hay bất động sản.
“Lẽ ra nếu có thể nới room vào tháng 11 thì hợp lý hơn, nhưng chậm còn hơn không”, ông Hiển nói và nhận định không chỉ có tác dụng “bơm oxy” cho doanh nghiệp, những nguồn vốn được bơm ra ở thời điểm này sẽ giúp tạo đà cho nền kinh tế được vận hành thuận lợi năm 2023, vì nếu không khi hạn mức tín dụng được mở ra vào năm 2023, khi đó sẽ rất khó khởi động lại cỗ máy đã “đứng bánh” trong suốt một thời gian dài.
Dòng vốn đã có địa chỉ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho hay với hạn mức tín dụng được tăng thêm, ngân hàng sẽ ưu tiên giải quyết cho những doanh nghiệp đang “xếp hàng” chờ room thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ “địa chỉ” của dòng vốn, đó là đi đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do vậy các ngân hàng sẽ tuân thủ và ưu tiên vốn cho những lĩnh vực này.
“Dù có thêm room mới nhưng việc phát triển tín dụng bao giờ cũng phải đi sau việc bảo đảm các chỉ số an toàn trong hoạt động, thanh khoản… vì hiện nay Ngân hàng Nhà nước giám sát rất chặt. Ngân hàng cũng phải đảm bảo sao cho mặt bằng lãi suất huy động không tăng một cách mất kiểm soát. Vì lãi suất huy động tăng cao sẽ đẩy lãi suất cho vay lên cao, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai.
Chính Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhấn mạnh rằng việc mở rộng tín dụng của ngân hàng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán”, vị tổng giám đốc này cho biết.
SSI nhận xét nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn trong việc phân bổ hạn mức tín dụng mới.
“Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều khi huy động vốn tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng”, chuyên gia SSI nhấn mạnh.
Người lao động sẽ bớt khó
Theo chuyên gia tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh, những năm trước doanh nghiệp cũng khó về vốn nhưng không cấp bách như năm nay. Do vậy việc nới room tín dụng lúc này đúng nghĩa là “bơm oxy” cho doanh nghiệp.
“Những doanh nghiệp kinh doanh hàng Tết cần vốn để mua hàng, xoay vòng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần tiền để giải quyết công nợ với đối tác, trả lương, thưởng Tết cho công nhân. Doanh nghiệp giải quyết bớt công nợ lẫn nhau và công nhân có tiền Tết, trang trải, mua sắm cuối năm. Qua đó cũng kích thích tăng trưởng kinh tế”, ông Linh nói.
Giám sát tín dụng đi đúng hướng, chống trục lợi
Ngày 6-12, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp dứt khoát không điều hành giật cục, nắm vững diễn biến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, dự báo các rủi ro… dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế.
Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo triển khai xây dựng một nghị định sửa đổi nhiều nghị định liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… Xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý; tìm điểm cân bằng giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng…
Về tăng hạn mức tín dụng, Thủ tướng chỉ đạo phải công khai, minh bạch, an toàn, tập trung tín dụng cho đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Tăng cường giám sát để tín dụng đi đúng hướng, chống tiêu cực, trục lợi chính sách. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện.
Bộ Tài chính được yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần có chính sách giá cả hợp lý đối với các lĩnh vực như hàng không, thuốc, trang thiết bị y tế, xăng dầu; xây dựng, triển khai ngay chính sách hỗ trợ người thất nghiệp, nhất là vào dịp Tết.
* Ông Trần Việt Anh (tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn):
Tránh cào bằng trong thực thi chính sách
Việc nới room là cần thiết, song phải đúng đối tượng, cần tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp đang có đơn hàng… để doanh nghiệp lo nguyên liệu, lương thưởng cho người lao động.
Trong đó, cần nới cho các doanh nghiệp có thanh khoản, có dòng tiền tốt và dòng tiền về ổn định ít nhất trong ba tháng qua và ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Tết, đang có thị trường, đơn hàng và công nhân có việc làm.
Doanh nghiệp không có đơn hàng, sản xuất bữa có bữa không, dòng tiền không có hoặc không ổn định thì không nên ưu tiên bởi không có đầu ra cũng chẳng giải quyết được gì nên tránh cào bằng trong chính sách.
Ngoài ra cần ưu tiên tăng room cho các ngân hàng đang có chính sách lãi suất tốt, còn với những ngân hàng có lãi suất quá cao dù có nới room cũng không hấp dẫn với các doanh nghiệp, chưa chắc doanh nghiệp đã đi vay.
Nguồn: tuoitre.vn