Các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện vẫn bất đồng về việc có nên hạ thấp tiêu chuẩn và đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine hay không.
Ukraine đã đẩy mạnh các nỗ lực xin gia nhập NATO sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này vào cuối tháng 2 năm ngoái. Kiev lập luận rằng, những đảm bảo an ninh do Moscow, Washington và London đưa ra sau khi Ukraine trao lại kho vũ khí hạt nhân của mình cho Nga vào năm 1994 “rõ ràng vô giá trị”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 20/4.
Trong khi các nước Đông Âu mong muốn NATO sẽ công bố một lộ trình nào đó dành cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra ở Vilnius, Lithuania vào các ngày 11 – 12/7, Mỹ và Đức tỏ ra thận trọng với bất kỳ động thái nào có thể đưa liên minh tiến gần hơn đến tình trạng đối đầu trực tiếp với Nga.
Mọi quyết định mở rộng liên minh đều phải có sự đồng ý của tất cả 31 nước thành viên. Trong khi, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng trích dẫn việc NATO mở rộng tới gần biên giới nước này trong 2 thập kỷ qua là một trong những lí do khiến ông quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Giới quan sát nhận định, với Ukraine, trở thành thành viên NATO không phải là chuyện dễ dàng.
Theo Reuters, tại một hội nghị ở Bucharest, Romania năm 2008, NATO nhất trí sẽ cho phép Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai. Song, các nhà lãnh đạo NATO đã không trao cho Kiev bản Kế hoạch hành động để có tư cách thành viên (MAP).
Theo quy trình MAP từng áp dụng cho các nước Đông Âu xin vào NATO, bất kỳ quốc gia ứng viên nào cũng phải chứng minh họ đáp ứng một loạt tiêu chí về chính trị, kinh tế và quân sự cũng như có khả năng đóng góp cho các hoạt động quân sự của khối.
Kể từ năm 1999, hầu hết các nước muốn được kết nạp vào NATO đều tuân theo MAP, mặc dù thủ tục này không bắt buộc. Ví dụ, Phần Lan và Thụy Điển, hai nước từng giữ quan điểm trung lập nhưng hợp tác chặt chẽ với NATO, đã được mời trực tiếp tham gia liên minh.
Trong một chuyến thăm hiếm hoi tới Kiev vào tháng 4 năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng tuyên bố, “vị trí phù hợp” của Ukraine là trong liên minh. Tuy nhiên, quan chức này lưu ý, Ukraine sẽ không thể gia nhập khối khi cuộc xung đột với Nga vẫn tiếp diễn.
Đầu tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev hiểu lập trường nói trên. Song, đến cuối tháng, ông Zelensky lặp lại lời kêu gọi NATO gửi lời mời Ukraine chính thức dự hội nghị thượng đỉnh của khối ở Vilnius. Dẫu vậy, ông Stoltenberg đã loại trừ khả năng này.
Hiện chưa rõ con đường gia nhập NATO của Ukraine sẽ như thế nào, khi ngày càng nhiều quốc gia, kể cả Anh và Đức, đề xuất bỏ qua quy trình MAP. Nếu đề xuất được phê chuẩn, NATO có thể đáp ứng yêu cầu của Kiev và các đồng minh của họ ở Đông Âu cũng như hiện thực hóa lời hứa tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest 2008 mà không cần gửi lời mời chính thức hoặc thời gian biểu cho Ukraine.
Ngoài ra, quân đội Ukraine đã thực hiện những bước quan trọng hướng tới các tiêu chuẩn của NATO kể từ khi xung đột với Nga bùng phát. Quá trình này đang tăng tốc khi Kiev dần cạn kiệt vũ khí và đạn dược do Liên Xô sản xuất, trong khi các nước phương Tây giúp huấn luyện binh sĩ Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO và viện trợ cho họ ngày càng nhiều vũ khí tân tiến.
Tuy nhiên, một số nước thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ và Đức, hiện không tán thành việc hạ thấp các tiêu chuẩn để đẩy nhanh tốc độ kết nạp Ukraine. Giới quan sát cho biết, một trong những quan ngại chính của những nước này là việc áp dụng điều 5 trong Hiệp ước Washington của NATO.
Điều khoản về phòng vệ tập thể nói trên quy định, bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào một nước thành viên cũng được coi là tấn công vào cả NATO và đòi hỏi sự đáp trả của liên minh. Việc kết nạp Ukraine vào thời điểm hiện tại do đó đồng nghĩa NATO sẽ trở thành một bên tham gia cuộc xung đột với Nga, viễn cảnh Mỹ và các đồng minh luôn muốn tránh.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo sẽ trả đũa nếu NATO quyết định kết nạp Ukraine. Fabrice Poitier, giám đốc hoạch định chính sách của NATO dưới thời cựu Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen, cho rằng liên minh nên tìm kiếm một giải pháp sáng tạo trong thời điểm “nhạy cảm” hiện nay.
Nguồn: vietnamnet