Những cành lan được giao dịch với giá lên đến vài chục tỷ đồng khiến dân chơi kháo nhau về việc trồng lan nhanh giàu hơn buôn đất, nhưng sự thật có phải vậy?
Vài năm trở lại đây, thị trường hoa lan bỗng trở nên sôi động với những phi vụ giao dịch lên tới vài chục, thậm chí cả nghìn tỷ đồng cho mỗi cành hoa lan.
Đó là chậu lan Juliet có chiều dài 20 – 30 cm được bán với giá 83 tỷ đồng hay phi vụ chuyển nhượng cành lan hồng minh châu, hồng xoè có giá kỷ lục 1.400 tỷ đồng.
Một mầm con phát triển từ mắt cây mẹ đột biến được gọi là kie có tên “Huyền thoại bướm đại ngàn” cũng có mức giá 15 tỷ đồng, người mua hy vọng khi cây lớn sẽ còn có giá cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, nhiều cây lan đột biến khác có tên Bảo Duy 5 cánh trắng cũng được giao dịch với giá lên tới hơn chục tỷ đồng mỗi cây.
Kei “Huyền thoại Bướm đại ngàn” được một chủ vườn lan tại Hà Nội rao bán với giá 15 tỷ đồng. |
Tuy vậy, quá nhiều giao dịch gây náo loạn thị trường đang khiến nhiều người không tin vào những con số “khủng” đó. Chị Lê Kim Ngân, một người chơi lan lâu năm tại Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Những chậu lan có giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng là có thật. Tuy nhiên con số này không nhiều. Trong hội chơi lan của tôi cũng có nhiều người sở hữu lan quý nhưng cũng chỉ có giá lên tới hơn 1 tỷ đồng là hết, những chậu giá vài tỷ đồng thường không phải giá trị thật”.
Chị Ngân nghi ngờ, nhiều vườn lan đang lợi dụng việc mua bán, trao đổi những cành lan đột biến để thổi phồng giá trị, đánh bóng tên tuổi một cách không lành mạnh, mục đích làm nhiều người biết đến vườn lan của mình hơn, thậm chí thu lợi bất chính.
Lễ chuyển nhượng cành lan có giá 1.400 tỷ đồng. |
Cũng là một người chơi hoa lan lâu năm, anh Đình Trường ở Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia vài buổi giao dịch hoa lan lên tới vài tỷ đồng và nhận thấy kịch bản của họ tương tự nhau là thuê một nhà hàng ăn uống hoặc cà phê rồi trưng biển, phông bạt làm màu. Sau đó là chồng tiền và hoa để cạnh nhau rồi chụp ảnh đăng facebook thậm chí gửi thông tin đến báo chí để quảng bá. Cũng có những thương vụ giao dịch thực sự, nhưng cũng có buổi chỉ làm màu xong là thôi.
Thậm chí, tôi nghi ngờ kịch bản nhiều chủ vườn bỏ tiền thuê người đến vờ trả giá càng lan của mình với giá vài tỷ rồi đăng lên, sau đó cũng có màn trao lan, trao tiền nhưng quay đi quẩn lại vẫn là tiền của người chủ. Thậm chí một thời gian sau họ còn tung tin đã bỏ ra số tiền lớn gấp nhiều lần số tiền ban đầu bán để mua lại chính cành lan đó với lý do có duyên. Nhưng thật ra đây là chiêu trò thổi giá không mới nhằm che mắt những người mới gia nhập sân chơi này”.
Với những người mới chơi hoặc thấy thị trường đang sôi sục có ý định đầu tư, anh Trường cho rằng mọi người nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin trước khi mua, bán hoặc đầu tư vào lan để tránh bị lừa, lợi dụng và mất tiền oan.
Nhiều chuyên gia về sinh vật cảnh cũng khẳng định, việc những cành lan có giá trị lớn do hiếm và độc đáo là có, tuy nhiên để có giá vài trăm thậm chí tới nghìn tỷ đồng là không có. Việc nâng giá ảo, bán khống sẽ làm thị trường bị nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến thị trường chung và các giao dịch khác. Ngoài ra nó sẽ còn làm mất đi tính ổn định vốn có của thị trường cây cảnh.
Nguồn: vietnamnet