Thúc đẩy nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo cân đối hài hoà với nguồn năng lượng truyền thống; thu hút tư nhân tham gia vào phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là xây dựng hệ thống truyền tải nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Đó là những nội dung đáng chú ý được đưa ra tại Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11-2.
Theo đó, Nghị quyết đặt ra yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng nhanh và bền vững.
Xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, tạo mọi điều kiện các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng…
Năm 2030: Sản lượng điện đạt 550-600 tỉ kWh, năng lượng tái tạo đạt 30%
Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng nhưng ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường…
Nghị quyết đặt ra mục là cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, như đến năm 2030 sản lượng điện đạt khoảng 550 – 600 tỉ KWh; tỉ trọng năng lượng tái tạo đạt 20% và tăng lên 30% vào năm 2045. Tiết kiệm năng lượng cũng tăng ở mức tương ứng là từ 7% lên 14%.
Các giải pháp chủ yếu được Nghị quyết đưa ra, bao gồm: Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá.
Trong đó sẽ đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí, phát triển công nghiệp khí. Tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực lọc – hoá dầu theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu…
Thu hút đầu tư lọc hoá dầu, nghiên cứu công nghệ khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng
Với ngành than, xây dựng mới chiến lược phát triển gắn với nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn. Dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện.
Đặc biệt là khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò. Gắn với việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn…
Đối với năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích các nguồn, ưu tiên gió và mặt trời.
Ngành điện tập trung phát triển nhanh và bền vững các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát triển điện than ở mức hợp lý, thu hút tư nhân vào lưới truyền tải
Đáng lưu ý với điện than sẽ phát triển ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có.
Hiện đại hoá ngành điện từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối. Nghiên cứu cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư ngành điện, có cơ chế cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất…
Đặc biệt, sẽ đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua bán điện.
Khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, phát triển hạ tầng năng lượng kết nối khu vực
Một giải pháp nữa là cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng
Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sẽ được cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.
Gắn với đó là phát triển khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài
Phát triển năng lượng gắn với thực thi chính sách bảo vệ môi trường nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển ngành năng lượng.
Nguồn: tuoitre.vn