Ngày 24-11, theo kế hoạch, TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử vụ kiện hành chính giữa nguyên đơn là Mường Thanh và bị đơn là UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, do nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện nên tòa thông báo đình chỉ vụ án.
Trong khi đó, việc cưỡng chế công trình vi phạm của Mường Thanh Đà Nẵng hiện vẫn chưa thể thực hiện được, vì sao?
Cưỡng chế và gia hạn cưỡng chế, vì sao?
Để xử lý vi phạm xây dựng tại dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký các quyết định 4527 ngày 7-10-2019 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định 5449 (sửa đổi, bổ sung). Thời hạn thực hiện là 365 ngày, hiệu lực từ ngày 7-10-2019.
Tuy nhiên hết một năm, việc thực hiện cưỡng chế không thành. Và mới đây, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định gia hạn thời gian cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (chủ đầu tư dự án trên). Việc kéo dài thời gian cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Gia hạn thời gian là 365 ngày, từ ngày 16-10-2020.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 19-11 UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi HĐND TP Đà Nẵng. Theo đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công phá dỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đơn vị trên chưa triển khai thực hiện công tác phá dỡ. Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện công tác tổ chức cưỡng chế gặp một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc thực hiện chậm so với kế hoạch, cụ thể:
Việc điều chỉnh nội dung của một số quyết định, thủ tục pháp lý có liên quan để đảm bảo việc xử lý tuân thủ đúng quy định của pháp luật; do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia dự thầu không đáp ứng điều kiện của hồ sơ mời thầu; TAND TP đã thụ lý đơn khởi kiện của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên; tại hiện trường căn hộ vi phạm hiện đã được người dân cải tạo, bổ sung nội thất. Vì vậy còn vướng mắc về việc xử lý tranh chấp pháp lý và đền bù thiệt hại (nếu có) trong quá trình cưỡng chế phá dỡ. Vì những vướng mắc trên nên công tác tổ chức cưỡng chế chưa thực hiện.
Vì sao Mường Thanh rút đơn kiện?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện văn phòng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lê Thanh Thản, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, xác nhận đại diện theo ủy quyền của ông Thản đã có đơn xin rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện về việc hủy các quyết định: quyết định 5968 của phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, quyết định số 07 của chánh thanh tra Sở Xây dựng, quyết định số 09 của chánh thanh tra Sở Xây dựng, quyết định 4527 của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, quyết định 5449 của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, quyết định 5326 của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và thông báo số 611 của UBND quận Ngũ Hành Sơn.
Lý do, hiện nay ông Lê Thanh Thản đã nộp đơn khiếu nại đến UBND TP Đà Nẵng đối với quyết định số 3758 ngày 7-10-2020 về việc gia hạn thời gian cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến nay UBND TP Đà Nẵng chưa có văn bản trả lời. Đồng thời theo quyết định nêu trên, thời gian cưỡng chế đã được gia hạn nên quyền và lợi ích của ông Thản chưa bị xâm phạm.
Ngoài ra, ngày 25-5 Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã gửi văn bản về việc kiến nghị TP chủ trì đối thoại giải quyết thỏa thuận mua lại các căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà. Đà Nẵng đã có văn bản với nội dung khẳng định kiến nghị của doanh nghiệp không thuộc chức năng của TP.
Doanh nghiệp đã tiếp tục gửi văn bản mong UBND TP Đà Nẵng xem xét lại thỉnh cầu chủ trì để doanh nghiệp tiến hành thương lượng, đàm phán và mua lại tất cả các căn hộ thuộc đối tượng cưỡng chế để làm yên lòng người dân, chấm dứt vụ kiện.
Nguồn: tuoitre.vn