Trong mùa khô năm 2024, tình trạng sụt lún, sạt lở bất ngờ xảy ra đặc biệt nghiêm trọng ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau và vùng đệm U Minh Thượng ở tỉnh Kiên Giang, gây tổng thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Hai địa phương này cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, để chủ động ứng phó với sụt lún, sạt lở đất.
Sụt lún vùng đất ngọt hóa tỉnh Cà Mau, gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng
Theo tìm hiểu của phóng viên, mùa khô năm 2024, trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau, nhất là huyện Trần Văn Thời xảy ra nhiều vụ sụt lún đất. Tình trạng này được ghi nhận tập trung nhiều nhất tại các xã Trần Hợi, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc.
Sụt lún đường giao thông tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: C.M
Các vụ sụt lún đất đã thiệt hại nhiều đoạn đường giao thông, ảnh hưởng cuộc sống người dân và sản xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn An ở ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc cho hay, cạnh con đường bê tông trước nhà ông có vị trí sụt lún và lở hơn 200 m.
“Vị trí sạt lở cạnh mặt đường bê tông. Tuy đường chưa bị nứt gãy nhưng bên dưới đất bị sạt ra mé kênh, tạo hố sâu rất nguy hiểm. Do vậy, tôi tạo lối đi phía trong để người dân yên tâm chạy xe” – ông An nói.
Cũng như ông An, bà Nguyễn Thị Liễu ở xã Khánh Bình Tây Bắc cắm cây cảnh báo người dân tránh di chuyển cặp mép đoạn đường đang bị sụt lún đất.
Bà Liễu dẫn phóng viên ra vị trí sụt lún, đồng thời cho biết, vị trí sụt lún có chiều dài khoảng 20 m, rộng gần 6 m đổ sụp xuống kênh. Rất may thời điểm trên, không có người chạy xe qua.
Trong mùa khô 2024, tính đến thời điểm này, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có 132 tuyến đường cặp kênh bị sụt lún đất, sạt lở. Ảnh: C.M
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến nay, có 132 tuyến đường cặp theo kênh trên địa bàn huyện bị sụt lún đất, sạt lở, với tổng chiều dài 15.800m với 601 điểm, ước tính thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân gây ra sụt lún đất ở địa phương là do mùa khô năm nay mưa kết thúc sớm, hạn hán gay gắt làm lượng nước cạnh nhanh.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do người dân tranh thủ bơm nước vào đồng để sản xuất, làm gia tăng tình trạng khô cạn các sông, kênh rạch. Từ đó, gây ra sự chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới, dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.
Hiện nay, ngành chức năng các địa phương đang tập trung giảm tải lượng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn. Đối với vị trí có nguy cơ sụt lún cũng triển khai các giải pháp như phân luồng giao thông, di dời nhà hoặc vật kiến trúc, cắt tỉa cành cây xanh để hạ tải,…
Ông Đỗ Minh Điền – Chi Cục phó Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau) cho biết, về giải pháp lâu dài, cần tiếp tục đầu tư hệ thống đập, trạm bơm nhằm chủ động trong việc điều tiết nước trong nội vùng ngọt hóa. “Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tốt đa mất phản áp khi mực nước trong kênh hạ xuống quá thấp” – ông Điền nói.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai cấp 2 trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh (chủ yếu là thiếu nước sản xuất và sinh hoạt), để tập trung các giải pháp, nguồn lực và nhân lực ứng phó với tình trạng sạt lở, hạn hán.
Sụt lún khắp nơi ở vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang), gây thiệt trên 83 tỷ đồng
Mùa khô năm nay, cụ thể là từ đầu tháng 3 đến nay, tại vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang xảy ra 310 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài trên 7.500m đường giao thông và làm 26 căn nhà sụp lún, ước tổng thiệt trên 83 tỷ đồng.
Tuyến đường ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang vị sụt lún. Ảnh: Huỳnh Xây
Tình trạng trên đang tiếp tục diễn ra và gây nhiều thiệt hại về tài sản. Đặc biệt có 67 căn nhà dân có nguy cơ sạt lở, sụp đổ cao trong thời gian tới, nhất là khi những cơn mưa lớn đầu mùa xuất hiện.
Ông Dương Quốc Khởi – Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết, các vụ sạt lở, sụt lún xảy ra nhiều nhất ở xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận.
Về nguyên nhân, theo ông Khởi, đầu tháng 3 đến nay, các kênh đê bao ngoài và kênh trong vùng đệm U Minh Thượng cạn nước ở mức độ cạn kiệt, trong khi đó nhu cầu bơm tưới từ hệ thống kênh để dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân rất cao, đã khiến mặt nước hiện tại cách mặt đường khoảng 5m. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài đã gây ra sạt lở, sụt lún đường giao thông.
Ngoài ra, cũng có trường hợp, đáy một số kênh trong nội vùng khá sâu (do trước đó nạo vét phục vụ nhiều mục đích khác nhau) cùng với đất nền yếu gây sạt trượt, sụt lún, sạt lở.
Hiện nay, ngành chức năng xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận đang huy động lực lượng khắc phục tạm thời những đoạn đường giao thông nông thôn bị sụt lún, sạt lở hoặc mở đường tạm cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Riêng đối với nhà dân bị sụt lún, sạt lở thì hỗ trợ di dời những vật dụng đến nơi an toàn, xây dựng nhà tạm ở,…
Song song đó, ngành chức năng U Minh Thượng xác định khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở để giăng dây, kẻ vạch, cắm biển báo, đèn tín hiệu, nhằm để cảnh báo đến người dân không đến gần.
Đối với các vị trí sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường tỉnh 965, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang đã và đang tiến hành sửa chữa, phân luồng giao thông tạm, hạn chế tải trọng xe tải, lắp biển báo cấm xe tải trọng trên 3,5 tấn lưu thông.
Từ đầu tháng 3 đến nay, tại vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang xảy ra 310 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài trên 7.500m đường giao thông. Ảnh: Huỳnh Xây
Liên quan đến tình trạng trên, ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán tại khu vực vùng đệm U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng).
Người đứng đầu UBND tỉnh Kiên Giang cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và đơn vị có liên quan phối hợp, triển khai các giải pháp khẩn cấp, khắc phục hậu quả. Đồng thời, theo dõi diễn biến mới nhất để cung cấp thông tin cho người dân nắm tình hình trong vùng nguy hiểm, giảm thiệt hại xuống thấp nhất.
Theo Dân việt