Sau một năm trở lại cuộc sống bình thường mới, nhiều ngành của TP.HCM đã có mức hồi phục đáng kinh ngạc. Những tổn thương, mất mát của thị trường trong nước đã nhường chỗ cho hy vọng lớn lao mới đang được thắp lên.

Một năm TP.HCM mở cửa trở lại: Nhiều ngành hồi phục ngoạn mục - Ảnh 1.

Trên các nẻo đường của TP lại tràn ngập nhịp sống nhộn nhịp vốn có với giao thông đông đúc và những bận rộn, tất bật mới.

Hồi phục trên diện rộng

Ngày cuối tuần, một trung tâm thương mại ở Thủ Đức không còn chỗ giữ xe hơi lẫn xe máy. Bên trong sảnh, khu vực bán hàng giảm giá đông đúc khách.

Trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa do giãn cách xã hội cách đây một năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại trong nhịp sống bình thường.

Nói về kinh doanh của hệ thống sau một năm, ông Nguyễn Ngọc Thắng – giám đốc Khối vận hành Co.opmart – cho biết từ mức tăng trưởng âm trong năm 2021, đến 9 tháng đầu năm nay, kinh doanh của hệ thống đã tăng trưởng dương trở lại.

Bán lẻ là ngành chịu nhiều tổn thương trong dịch. Chi phí phòng chống dịch, xét nghiệm, giao nhận hàng… đều tăng rất cao. Dù khách đổ dồn về siêu thị mua sắm đông nhưng có đến 75% đơn hàng chỉ mua thực phẩm tươi sống – ngành mà nhiều siêu thị gồng mình chịu lãi âm.

Tại hệ thống MM Mega Market, đại diện siêu thị này cho biết lượng khách đã phục hồi khoảng 80% so với trước dịch nhưng sức mua thì cao hơn trước dịch do giá trị các giỏ hàng tăng. Người dùng cũng thay đổi nhiều, tần suất đi siêu thị giảm nhưng giá trị mua hàng/lần thì tăng lên…

Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report thực hiện tháng 8-2022 vừa công bố cho thấy 53,8% doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch.

Đặc biệt, tỉ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền (như nhóm hàng điện tử, điện máy, nữ trang…) hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh. Điều đó cho thấy người dân đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn ngoài nhu cầu ăn uống.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết năm ngoái ngành bán lẻ TP tăng trưởng âm (đến -21,9%), tuy nhiên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 tăng gần 26% so với cùng kỳ 2021, ước đạt gần 805.000 tỉ đồng.

Chỉ sau một năm, sức mua bật tăng trở lại và đang dần bắt kịp tốc độ tăng cùng kỳ các năm trước.

Một năm TP.HCM mở cửa trở lại: Nhiều ngành hồi phục ngoạn mục - Ảnh 2.

Thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại trong nhịp sống bình thường. Trong ảnh: người dân mua sắm quần áo tại trung tâm thương mại Sense City (TP Thủ Đức) 

100 tỉ USD và du lịch phục hồi vượt kế hoạch

Doanh nghiệp hồi phục nhanh sau đại dịch COVID-19 cũng kéo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TPHCM tăng. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, cục phó Cục Hải quan TP.HCM, cho biết trong gần 9 tháng đầu năm, cục đã làm thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu đạt kim ngạch trên 100 tỉ USD, gần bằng cả năm 2021.

Với ngành du lịch, sự hồi phục còn năng động và mang nhiều dấu ấn hơn. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, tính đến tháng 9-2022 TP đã đón được 21,6 triệu lượt khách nội địa và hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu hơn 92.300 tỉ đồng, vượt 15,5% kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, tại sự kiện Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM vừa mới tổ chức gần đây, TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của ngành du lịch với khu vực.

“Dù các thủ tục visa vẫn chưa thể cởi mở như trước dịch nhưng với sự có mặt của hàng trăm người mua hàng quốc tế ở TP đã nói lên được sự thành công của du lịch TP trong mở cửa thị trường”, bà Hoa khẳng định.

Cần nhìn thẳng vào những tồn tại

Ông Nguyễn Văn Bé – chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM – đánh giá: Trong giai đoạn giãn cách, thắng lợi lớn nhất là TP là vẫn giữ được chuỗi sản xuất toàn cầu, hàng trăm nhà máy và doanh nghiệp FDI vẫn hoạt động dù chỉ ¼ công nhân tham gia “3 tại chỗ”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, cần nhìn thẳng những tồn tại như chính sách khiến cho thu hút FDI còn hạn chế. Ví dụ phải có bảng giá đất sát với thị trường, phải có hệ số điều chỉnh để giá đất từng nơi, chỗ cần thu hút có giá mềm hơn.

Hiện nay, nhiều khu công nghiệp nhiều năm chưa định được giá khiến doanh nghiệp phải tìm đến nơi khác.

Bên cạnh đó, TP.HCM đứng vị trí thứ 14 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng đứng ở mức trung bình thấp, theo ông Bé, cho thấy cơ chế bị vướng quá nhiều thủ tục bên dưới.

“Cứ hỏi đến mặt bằng, đất đai, giấy phép điều chỉnh quy hoạch hay phòng cháy… làm mất từ 1-3 năm vẫn chưa xong thì làm gì thu hút FDI? Phải thấy rõ điểm yếu để chữa đúng bệnh, lấy đúng thuốc mới giúp TP.HCM phát triển nhanh hơn nữa” – ông Bé nói.

Đại diện EuroCham cũng chỉ ra gần 55% nguyên liệu thô và phụ kiện của Việt Nam dùng trong dệt may và da giày được nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược “zero COVID”, Việt Nam còn khó khăn trong thu mua nguyên liệu đầu vào thiết yếu. Thực tế này sẽ đe dọa tăng trưởng xuất khẩu.

Trong thu hút đầu tư vốn đang đầy cạnh tranh, hiệp hội này cũng cho rằng Việt Nam cần tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động kinh doanh, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ. Để làm được điều đó, cần hết sức ưu tiên cải thiện khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và ưu đãi cho doanh nghiệp.

Một năm TP.HCM mở cửa trở lại: Nhiều ngành hồi phục ngoạn mục - Ảnh 3.

Dữ liệu

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phục hồi

Những ngày này, các công nhân tại nhà máy của Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi bên trong Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TP.HCM (huyện Củ Chi) vẫn miệt mài sản xuất các sản phẩm phục vụ đơn hàng trong nước và xuất khẩu. Tại nhà máy này hơn một năm trước, phần lớn công nhân phải sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”.

Ông Lê Mai Hữu Lâm – tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi – cho biết khi TP mở cửa, công nhân được đi và về nhà xưởng, tiến độ đơn hàng cũng rút ngắn, năng suất tiếp tục tăng lên trong khi đơn hàng cũng dồi dào.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do biến động về chính trị lẫn lạm phát ở nhiều nước nên ông Lâm cho biết đơn hàng của doanh nghiệp cũng sụt giảm, có thời điểm giảm đến 50%. Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm các thị trường mới, cắt giảm các chi phí và lượng hàng tồn kho để phát triển.

“Bình minh đã đến”

Nói về sự phục hồi của kinh tế TP.HCM sau một năm, ông Tim Evans – CEO của HSBC – ví rằng đó không chỉ là câu chuyện của “ngày mai trời lại sáng” và bây giờ bình minh đã đến.

Chỉ số quản lý thu mua PMI – thước đo “sức khỏe” ngành sản xuất trong nền kinh tế – đạt 52,7 điểm trong tháng 8, chứng tỏ sự cải thiện vững vàng của khu vực sản xuất. Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.

“Việt Nam đã tự tạo ra “may mắn” cho mình để phục hồi vững chắc. Nền kinh tế lúc này đang có vị thế tốt để nắm bắt các khả năng.

Tôi đã từng thấy một bình luận trên LinkedIn rằng “Mỹ được cho là vùng đất của cơ hội, nhưng Việt Nam có những con người tạo ra cơ hội, chính con người mới tạo nên sự khác biệt”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Điều đó được chứng minh qua cách người Việt Nam thoát khỏi COVID-19 và cùng nhau xây dựng lại nền kinh tế”, CEO HSBC nói.

Doanh nghiệp đang thoi thóp đã sống lại…

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc TP.HCM nới lỏng biện pháp phòng chống dịch đã giúp họ tránh được phá sản.

“Kịp thời cứu nhiều doanh nghiệp đang thoi thóp được sống lại từ từ”, ông Nguyễn Thanh Đảo – chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, tổng giám đốc Công ty CP quảng cáo và xúc tiến thương mại Đông Nam – nhận định về hiệu quả của việc TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội từ 1-10-2021.

Tình hình khả quan

Nhớ lại khoảng thời gian đại dịch, ông Đảo cho biết lúc đó rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng vì sức chịu đựng gần tới giới hạn. “Nếu TP mở cửa chậm chút nữa, có thể họ buộc phải phá sản”, ông Đảo nói.

Tròn một năm TP.HCM mở cửa trở lại sau đại dịch, ông Đảo cảm nhận tình hình khả quan hơn rất nhiều. Riêng ngành quảng cáo – tổ chức sự kiện dù chưa hồi phục được 100% so với trước đại dịch nhưng cũng đạt từ 70 – 80%. “Năm 2023 kỳ vọng sẽ bứt phá, lấy lại phong độ như khi chưa có dịch”, ông Đảo cho hay.

Trải qua hai năm đại dịch, bài học xương máu mà ông Đảo rút ra là mỗi doanh nghiệp nên có quỹ dự phòng rủi ro đủ cho tình huống bất trắc thay vì lợi nhuận bao nhiêu đem đi tái đầu tư bấy nhiêu. Bên cạnh mảng kinh doanh chính, cũng cần tính đa dạng hóa ngành nghề để phân tán rủi ro, đồng thời đẩy mạnh số hóa.

Sau dịch: đi chậm mà chắc

Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, ông Samuel Son – giám đốc SS English Academy – cho biết khi vừa bỏ ra số tiền lớn mua lại một trung tâm Anh ngữ và mở thêm chi nhánh ở quận 3 (TP.HCM) thì dịch COVID-19 ập đến nên buộc phải đóng cửa.

Sau gần hai tháng sống trong lo lắng, ông Samuel Son tìm mọi cách đẩy mảng dạy tiếng Anh online 1 kèm 1 phát triển. Mảng này đã tăng trưởng 120% trong năm 2021. Nhờ nền kinh tế mở cửa nên các hoạt động trực tiếp như tư vấn du học, trại hè quốc tế… cũng được vận hành trở lại và mang lại nguồn doanh thu lớn.

Sau những tổn thất do đại dịch, thay vì tăng tốc mở rộng quy mô kinh doanh, ông Samuel Son chọn cách đi chậm nhưng tạo ra lợi nhuận tốt.

Niềm hy vọng thắp lên ở Việt Nam

Tại hội thảo “Triển vọng thị trường 2022” ở TP.HCM mới đây, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng sự phục hồi kinh tế TP đạt được diễn ra trên diện rộng.

Theo ông Alain Cany – chủ tịch EuroCham, sau khi những hậu quả nặng nề nhất của đại dịch qua đi, niềm hy vọng lớn lao đã được thắp lên ở Việt Nam. Động lực tạo nên mức tăng trưởng này chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ.

Nhiều ý kiến chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng với chính sách chống dịch phù hợp, Việt Nam đã tự tạo cơ hội cho mình.

Tính đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19% GDP, tăng lên đáng kể so với mức dưới 1% của năm 2010. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan.

Chính sách chống dịch phù hợp, đầu tư nước ngoài cũng khả quan. Pegatron, nhà cung cấp của Apple, hiện có kế hoạch đầu tư tới 1 tỉ USD vào Việt Nam. Foxconn đã cam kết rót 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Samsung sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023, còn Apple dự định sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch tại đây.

“Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam, cần kích thích đầu tư tư nhân, làm sao hai khối công tư có thể phối hợp hiệu quả”, chủ tịch EuroCham Việt Nam đề xuất.

Sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM đã phục hồi phần lớn

Trong báo cáo chín tháng đầu năm và đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19, Sở NN&PTNN TP.HCM cho hay giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp chín tháng đạt hơn 14.000 tỉ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Sau đại dịch, sở đã tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, như Chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức từ đầu tháng 5 vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại ba quận 6, Bình Tân, Phú Nhuận.

Chín tháng có 105 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được thành lập mới. Hiện TP có 2.111 doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động.

Ông Đinh Minh Hiệp, giám đốc Sở NN&PTNN TP.HCM, cho rằng “phần lớn đã phục hồi, 100% thì chưa. Vì so với các ngành khác, phục hồi nông nghiệp có độ trễ, ví dụ như trồng cây, nuôi trồng thủy sản cần có thời gian.

Rồi liên quan dự án cũ cũng cần chính sách hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ đầu tư phát triển trồng trọt chăn nuôi sản xuất lớn thì mới tạo đà. Kế hoạch có năm huyện chuyển đổi, đang xây dựng đề án lên quận và TP ảnh hưởng trạng thái tâm lý đầu tư vào nông nghiệp”.

Cũng theo ông Hiệp, thời gian tới sở tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm rau, hoa – cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh để phục vụ thị trường TP.HCM.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Kinh tế TP.HCMKinh tế TP.HCM hồi phục

Các tin liên quan đến bài viết