Béo phì là một căn bệnh mạn tính gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và tăng nguy cơ tử vong. Chúng ta đã biết rằng việc kiểm soát bản thân và ăn uống lành mạnh là biện pháp cải thiện béo phì, nhưng có người áp dụng đúng vẫn không thể giảm cân.

Béo phì là yếu tố nguy cơ gây nhiều loại bệnh lý – Ảnh minh họa

Gần đây các bác sĩ tại Philadelphia, Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng một số cá nhân có thể có bất thường trong não bộ làm gia tăng nguy cơ béo phì: sự suy yếu liên kết giữa vùng dưới đồi – hải mã (trung tâm trí nhớ của não) tỉ lệ thuận với chỉ số khối cơ thể (BMI).

Chính sự suy giảm kết nối này có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hoặc điều chỉnh phản ứng cảm xúc của một cá nhân khi dự đoán những bữa ăn hoặc món ăn bổ ích. Trong những trường hợp đó, ý chí mạnh mẽ trong kiểm soát ăn uống là chưa đủ, và có thể cần có một phương pháp trị liệu khác kèm theo. Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Như vậy, tình trạng ăn uống không điều độ và béo phì phức tạp hơn nhiều. Đôi khi bạn sẽ thắc mắc rằng rõ ràng bản thân đã cố gắng kiêng ăn nhưng tại sao vẫn không giảm cân được.

Béo phì dẫn đến suy giảm chức năng hệ nội tiết và miễn dịch. Béo phì được đo bằng chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng eo và chỉ số mỡ bụng. BMI từ 25 – 29,9kg/m2 được xem là thừa cân và BMI từ 30kg/m2 trở lên được xem là béo phì.

Vòng eo lớn hơn 102cm ở nam giới và 88cm ở nữ giới cho thấy mức độ mỡ bụng cao. Chỉ số mỡ bụng là công cụ kiểm tra chính xác và nhạy hơn BMI để đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch và chuyển hóa.

Béo phì gây ra nhiều gánh nặng bệnh tật cho cá nhân và xã hội. Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho các bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, bệnh khớp và một số loại ung thư.

Béo phì cũng gây ra các rối loạn khác như ngưng thở khi ngủ, hen suyễn và bệnh gan nhiễm mỡ. Các chất gây viêm do mô mỡ tiết ra như interleukin-6, yếu tố hoại tử khối u alpha, resistin và ức chế kích hoạt plasminogen-1 có vai trò trong quá trình bệnh lý của các bệnh này, một phần bằng cách gây ra tình trạng viêm và đông máu cục bộ và toàn thân.

Có nhiều cách để cải thiện béo phì, một trong số đó là duy trì một cân bằng năng lượng âm, tức là tiêu thụ ít calo hơn so với lượng calo tiêu hao. Giảm cân từ 5 – 10% có thể làm giảm đáng kể các chỉ số viêm và đông máu, cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Một số biện pháp để giảm cân có thể bao gồm:

– Thay đổi lối sống: Ăn uống lành mạnh, hạn chế các loại thực phẩm giàu calo, chất béo, đường và muối; tăng cường hoạt động thể chất; giảm căng thẳng; ngủ đủ giấc.

– Dùng thuốc: Có sáu loại thuốc chống béo phì được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho điều trị lâu dài của béo phì. Các thuốc này được chỉ định kết hợp với thay đổi lối sống để quản lý thừa cân và béo phì. Các thuốc này có thể giúp giảm ham muốn ăn, tăng đốt cháy calo hoặc làm giảm hấp thu chất béo.

– Phẫu thuật: Phẫu thuật giảm cân là một lựa chọn cho những người béo phì nặng hoặc những người béo phì có các biến chứng nghiêm trọng cũng là biện pháp được áp dụng. Phẫu thuật giảm cân có thể làm giảm kích thước dạ dày hoặc làm thay đổi đường tiêu hóa để giảm lượng thực phẩm mà cơ thể có thể tiêu hóa và hấp thu.

Phẫu thuật giảm cân có thể giúp giảm cân đáng kể và cải thiện các bệnh liên quan đến béo phì. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng có những rủi ro và biến chứng, cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ trước và sau phẫu thuật.

Béo phì là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng có thể được điều trị và phòng ngừa bằng các biện pháp hợp lý. Việc giảm cân có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người béo phì.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ăn uống lành mạnhbệnh tim mạch

Các tin liên quan đến bài viết