Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết và sự gia tăng của bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Theo thống kê, trong năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận 3.368 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 ca tử vong; tất cả huyện, thị xã đều có người mắc với số ca tăng cao so với cùng kỳ năm 2015.
Để chủ động kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Ngành y tế nắm chắc tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, điều trị tích cực tại chỗ những ca bệnh, không để diễn biến nặng hay xảy ra tử vong, khống chế không để dịch lớn xảy ra và lây lan trên diện rộng.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút dengue gây ra và muỗi vằn aedes aegypti là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn màu đen, trên thân và chân có những khoanh trắng nên thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn màn… và thường đốt người vào ban ngày, sau đó đậu, núp chỗ tối. Muỗi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước như bể nước, chum vại, lu, giếng, lốp xe, vỏ dừa, bình hoa… Bệnh sốt xuất huyết có thể trở thành dịch lớn, gây khó khăn trong chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Sốt xuất huyết chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị nên biện pháp phòng bệnh là quan trọng nhất. Trước hết mọi người, mọi nhà phải tập trung diệt muỗi, lăng quăng, không để muỗi đốt và thường xuyên giữ gìn môi trường sống sạch sẽ. Có 5 biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi là: diệt bọ gậy, lăng quăng; đậy kín các dụng cụ chứa nước không để cho muỗi đẻ trứng; thả cá vào tất cả vật chứa nước trong nhà để cá ăn lăng quăng; cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước thường xuyên; bỏ muối vào chén nước kê chân chạn, giường, tủ; thu gom đồ phế thải quanh nhà như chai lọ vỡ, vỏ dừa, lốp xe…
Phòng bệnh sốt xuất huyết tuy đơn giản nhưng do người dân chủ quan cùng với sự diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu nên một số khu dân cư không bảo đảm vệ sinh để cho muỗi sinh sản nhanh chóng. Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị Sở Thông tin – Truyền thông và các cơ quan báo chí trong tỉnh phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền thường xuyên về các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của bệnh sốt xuất huyết, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Sở GD-ĐT huy động học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng tại đơn vị, gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế và tăng cường tuyên truyền giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân tại các trường học.
Cùng với việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp cuối năm và tết cổ truyền thì công tác phòng bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết đã được tỉnh đặt ra như một trong những nhiệm vụ quan trọng đặc biệt.
Hà Thanh