‘Mổ xẻ’ nguồn thu từ học phí của các đại học, có trường gần nghìn tỷ

09:47 09/08/2023  Giáo Dục

Các trường đại học thu hàng trăm tỷ đồng từ học phí mỗi năm, bên cạnh khoản ngân sách Nhà nước cấp từ hàng chục đến hàng trăm tỷ. Tại nhiều trường đại học hàng đầu, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ rất khiêm tốn.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 6 cơ sở giáo dục đại học có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên nguồn thu các trường/đại học chỉ dựa vào học phí và ngân sách cho giáo dục còn hạn chế. Nguồn thu lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ khiến việc tuyển sinh gặp nhiều thách thức. Thực tế này cũng trái ngược với bức tranh nguồn thu rất đa dạng ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển. Làm thế nào để các đại học thoát dần sự lệ thuộc vào nguồn thu học phí? Mời quý độc giả theo dõi.

Thống kê nguồn thu của một số trường đại học từ báo cáo ba công khai dưới đây sẽ cho độc giả thấy bức tranh chân thực về nguồn thu của các đại học tại Việt Nam – khi học phí là nguồn thu chủ đạo. Số kinh phí thu được từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ rất ít ỏi dù là với những trường đại học hàng đầu.

Năm 2021, tổng thu của ĐH Bách khoa Hà Nội là trên 1.050 tỷ đồng. Đây là trường nằm trong top 5 trường có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ học phí là 776,6 tỷ đồng; từ ngân sách là 122,8 tỷ đồng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 12,5 tỷ đồng và thu từ nguồn hợp pháp khác là 138,7 tỷ đồng.

Trước đó một năm- tức 2020, tổng thu của ĐH Bách khoa Hà Nội là 1.141 tỷ đồng. Trong đó, thu từ học phí là 711 tỷ đồng; từ ngân sách 150 tỷ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 107 tỷ; thu từ nguồn hợp pháp khác 173 tỷ.

Năm 2019, tổng thu của ĐH Bách khoa Hà Nội là 837,266 tỷ đồng. Trong đó, thu từ học phí là 604,955 tỷ đồng; từ ngân sách 29,830 tỷ; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 95,497 tỷ và thu từ nguồn hợp pháp khác là 106,984 tỷ đồng.

Ảnh

Trường ĐH Xây dựng Hà Nội tổng thu năm 2022 là 400,24 tỷ đồng. Trong đó, thu từ học phí 278,9 tỷ; từ ngân sách 60 tỷ; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 49,44 tỷ; từ nguồn hợp pháp khác là 11,9 tỷ đồng.

Tại Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (trường ngoài công lập), năm 2021, tổng thu của trường là 147,038 tỷ đồng, trong đó, thu từ học phí 140,037 tỷ, còn 7,021 tỷ thu từ nguồn hợp pháp khác. Trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ.

Năm 2022, tổng thu của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) là 138,999 tỷ đồng, trong đó, thu từ học phí là 104,933 tỷ đồng, ngân sách cấp 17,5 tỷ đồng, thu từ nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ 3,5 tỷ và từ nguồn hợp pháp khác 13,066 tỷ.

Tại Trường ĐH Quảng Bình, tổng thu năm 2021 là 46,75 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ ngân sách 26,8 tỷ; từ học phí 9,1 tỷ; từ nguồn hợp pháp khác 9,8 tỷ; nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được khoảng 1 tỷ.

Tổng thu năm 2022 của Trường ĐH Hàng hải Việt Nam là 263 tỷ, trong đó, thu từ học phí 218 tỷ, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 8 tỷ, từ nguồn hợp pháp khác 37 tỷ.

Năm 2021, tổng thu của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là 1.251,11 tỷ đồng, trong đó, thu từ học phí 888,07 tỷ đồng, từ ngân sách 9,13 tỷ, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 10,12 tỷ, từ nguồn hợp pháp khác 307,79 tỷ.

Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tổng thu năm 2022 là 885,838 tỷ đồng. Trong đó, từ ngân sách là 129,432 tỷ;  từ học phí 561,270 tỷ; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 45 tỷ; thu hợp pháp nguồn khác 150,136 tỷ.

Còn tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, năm 2022, dự toán thu 339,865 tỷ, trong đó, thu từ học phí, lệ phí là 233,665 tỷ; từ hoạt động sản xuất kinh doanh 82,7 tỷ; dịch vụ khác 23,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, năm 2021, tổng thu là 324,915 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ học phí là 205,038 tỷ; từ ngân sách là 50,217 tỷ đồng; từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 9,702 tỷ; thu hợp pháp nguồn khác 60,048 tỷ đồng.

Còn năm 2020, tổng thu tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là 261,529 tỷ đồng. Nguồn thu từ học phí là 177,849 tỷ; từ ngân sách là 48,891 tỷ; từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 10,897 tỷ; từ nguồn hợp pháp khác 23,892 tỷ.

Cũng tại trường này năm 2019, tổng thu 283,37 tỷ đồng. Trong đó, thu từ học phí là 178,84 tỷ; từ ngân sách là 52,41 tỷ; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 5,75 tỷ; từ nguồn hợp pháp khác 46,36 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng việc lệ thuộc quá nhiều vào học phí sẽ gây ra tình trạng thiếu bền vững trong tài chính Giáo dục đại học, khiến người nghèo, ở vùng sâu vùng xa giảm khả năng tiếp cận đại học.

Từ những số liệu trên, TS Lê Đông Phương – Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục, cũng bình luận ngân sách chi cho Giáo dục đào tạo ngày càng giảm, chứng tỏ chứng tỏ ngân sách hỗ trợ cho hoạt động đào tạo không nhiều.

Trước tình cảnh này, các trường đại học sẽ phải sử dụng nguồn thu học phí để bù các khoản chi, tất nhiên sẽ có tiết kiệm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Theo ông Phương, khi học phí là nguồn thu chủ đạo, các trường đại học sẽ phải tăng nguồn thu bằng cách tăng học phí hoặc tăng số lượng tuyển sinh, bên cạnh đó kinh phí đầu tư sẽ ít hơn nên khả năng cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị giảm đi.

Thực tế này dẫn tới việc mở rộng cơ sở vật chất (xây dựng hay diện tích trường) sẽ khó vì không có đủ kinh phí. Nhiều trường đã xin được đất nhưng không có tiền giải phóng mặt bằng để xây dựng. Việc nghiên cứu khoa học của trường đại học ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, nhất là các nghiên cứu cơ bản, phục vụ đào tạo.

Số lượng giảng viên cơ hữu sẽ bị đe dọa vì nguồn thu không ổn định, giảng viên thỉnh giảng tăng. Các chi phí liên quan đến đào tạo bị cắt giảm mạnh dẫn đến sinh viên phải chi trả nhiều khoản bên cạnh học phí. Như vậy, cơ hội học đại học của sinh viên sẽ có nguy cơ giảm hay nói cách khác nói cách khác đi học đại học đắt hơn.

Ông Phương đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người học hợp lý để các trường đại học giảm sự lệ thuộc quá mức vào học phí, ít nhất cũng có phần hỗ trợ kinh phí đào tạo tính theo đầu người học hoặc khoản học bổng cấp qua kinh phí cho nhà trường.

Nhà nước cũng cần huy động sự trợ giúp của doanh nghiệp cho đào tạo thông qua cơ chế miễn trừ thuế cho các khoản hỗ trợ sinh viên, nhà trường.

Ngoài ra, chúng ta có thể dùng ngân sách như là đòn bẩy để khuyến khích các nguồn thu khác ngoài học phí theo kiểu đồng chi trả, ví dụ trường đại học thu ngoài ngân sách được 1 đồng, ngân sách cấp 2 đồng.

PGS Nguyễn Kim Hồng – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận để có được mức thu khác ngoài học phí ở mức vài chục % nguồn thu của trường đại học tại Việt Nam không đơn giản.

Điều này đòi hỏi sự cố gắng từ các đại học, từ Nhà nước và doanh nghiệp. Khi Nhà nước, doanh nghiệp nhận thấy lợi ích từ các nghiên cứu của các trường đại học mang lại, họ sẽ đặt hàng hoặc tài trợ. Chẳng hạn một doanh nghiệp nổi tiếng đã dùng kinh phí tài trợ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo trong các trường đại học.

“Tôi hy vọng là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm trường học, hãy dùng một phần lợi nhuận để tài trợ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học. Chỉ có như vậy mới hy vọng tỉ lệ thu của các trường đại học không chỉ duy nhất từ học phí như hiện nay”- PGS Nguyễn Kim Hồng nhấn mạnh.

Năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM được giao vốn 1.527,248 tỷ đồng. Trong đó, vốn kéo dài từ năm 2021 là 673,309 tỷ đồng, vốn giao năm 2022 là 853,940 tỷ. Tổng số vốn trên được giao cho 24 dự án.

Đến ngày 30/11, ĐH Quốc gia TP.HCM mới giải ngân được 22% tổng số vốn, tương đương 335,994 tỷ đồng. Sự chậm trễ trong việc giải ngân đã làm ảnh hưởng tới tiến độ các công trình xây dựng, nhất là các hợp phần của Trường ĐH Khoa học sức khỏe mà Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương. Các phòng thí nghiệm cũng bị ảnh hưởng trong việc phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Ông Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay sự chậm trễ trong điều chỉnh quy hoạch 1/2000 kéo theo công tác giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng tiến độ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng giải ngân chậm.

Mặt khác, các dự án vay vốn Ngân hàng thế giới bị mắc kẹt 2 năm chưa giải ngân được vì vấn đề tài sản đảm bảo. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng ảnh hưởng đến các gói thầu do không thể mua sắm được thiết bị. Số vốn năm 2022 chưa giải ngân sẽ được chuyển qua năm 2023.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : học phí

Các tin liên quan đến bài viết

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP 24H BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Khắc Hoàn
Hoạt động theo giấy phép: Số 05/GP-TTĐT ngày 04/11/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước
Địa chỉ Ban biên tập: Khu phố 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Điện thoại: 0916.921.160 Email: 24hbinhphuoc@gmail.com

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
CỬA HÀNG DỊCH VỤ - TRẦN QUÂN
Địa chỉ: Kp 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Liên hệ quảng cáo: 0986.594.211 - 0916.921.160