Học phí năm học 2022-2023 của nhiều trường đại học công lập tự chủ tăng kịch trần. Tuy nhiên, cũng có trường tính toán học phí ở mức vừa phải nhằm chia sẻ với người học.

Nhiều đại học tăng học phí kịch trần - Ảnh 1.m học tới, học phí Trường đại học Kinh tế TP.HCM sẽ tăng mạnh 
Năm 2021, Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo giữ học phí ổn định năm học 2021-2022 như mức học phí năm học trước. Học phí các trường có một năm bình yên. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 sắp tới, học phí các trường đại học tự chủ sẽ đồng loạt tăng mạnh dựa vào nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Tăng vài chục phần trăm

Theo thông tin từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM, mức học phí 20,5 triệu đồng/năm được duy trì ổn định trong hai năm (năm học 2020-2021, 2021-2022). Từ năm học 2022-2023, học phí được quy định bởi nghị định 81/2021/NĐ-CP, theo đó học phí được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm. Như vậy, mức học phí hệ đại trà năm học mới tăng 10,75 triệu đồng so với năm học trước.

Tại Trường đại học Luật TP.HCM, năm học 2021-2022 trường dự kiến thu học phí từ 30 đến 45 triệu đồng/năm học, tùy ngành. Tuy nhiên, do Bộ GD-ĐT yêu cầu giữ ổn định học phí nên trường vẫn thu học phí hệ đại trà từ 18 đến 36 triệu đồng/năm tùy ngành. Năm học tới, học phí hệ này của trường sẽ tăng lên từ 31,25 đến 39 triệu đồng/năm. Như vậy, ngành có mức tăng cao nhất lên đến 13,25 triệu đồng. Riêng hệ chất lượng cao, ngành quản trị luật có học phí tăng hơn 24,6 triệu đồng so với năm học trước.

Cũng trong năm học tới, học phí Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tăng từ 12 đến 13 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó các ngành y, dược và răng hàm mặt có học phí hơn 44 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có học phí 43 triệu đồng. Trong khi đó, học phí năm học tới của Trường đại học Y dược TP.HCM có sự tăng, giảm tùy theo ngành so với năm học trước. Trong đó, răng hàm mặt, y tế công cộng, dinh dưỡng tăng 7 triệu đồng, y khoa tăng 6,8 triệu đồng/năm.

Ở chiều ngược lại, một số ngành lại có học phí giảm mạnh so với năm học trước như kỹ thuật phục hình răng giảm 18 triệu đồng, từ 55 triệu đồng xuống còn 37 triệu đồng/năm.

Ở khu vực phía Bắc, theo thông báo của Trường đại học Luật Hà Nội, từ năm học 2022-2023, học phí hệ đại trà là 572.000 đồng/tín chỉ trong khi năm học trước là 280.000 đồng/tín chỉ. Nhiều ngành tại Trường đại học Y Hà Nội có học phí tăng mạnh từ 14,3 triệu đồng của năm học trước lên 24,5 triệu đồng/năm, tăng 71,3%.

Đây là mức học phí trần của nghị định 81. Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022 là 42 triệu đồng/năm, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên của năm học trước.

Thu không đủ chi?

Năm 2021, Khoa y (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến mức học phí từ 55 đến 85 triệu đồng/năm học tùy ngành cho khóa tuyển năm 2021. Dự kiến năm 2022 tăng lên 60,5 đến 98 triệu đồng/năm. Tuy nhiên thực tế đơn vị này chỉ được thu mức 37 đến 49 triệu đồng/năm.

Ông Lê Văn Quang – phó trưởng Khoa y – cho biết do trường chưa kiểm định nên theo quy định không được tăng học phí. Mức thu hiện tại không đủ trang trải chi phí đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM phải cấp bù kinh phí.

“Thực tế đào tạo các ngành sức khỏe chi phí rất lớn. Nếu tính đúng, tính đủ học phí phải trên 100 triệu đồng/năm” – ông Quang cho hay.

Trường thu kịch trần, trường chỉ tăng nhẹ

Đa số học phí được các trường lấy theo mức trần (mức cao nhất) nghị định 81. Ông Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM – cho biết do trường tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nên học phí được tính đúng, tính đủ theo mức trần nghị định 81.

“Đáng lẽ trường thực hiện tăng học phí khóa mới từ năm 2021 theo nghị định 81 nhưng Bộ GD-ĐT chỉ đạo giữ ổn định học phí nhằm chia sẻ khó khăn với người học nên trường vẫn giữ nguyên học phí như năm 2020. Mức tăng học phí năm nay được tính theo năm 2021 chứ không phải năm 2021 cộng thêm 10%” – ông Hiển nói.

Lý giải việc học phí nhiều ngành tăng, giảm so với học phí năm trước, ông Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y dược TP.HCM – cho biết học phí năm nay được xác định theo nghị định 81 nên có một số thay đổi dẫn đến học phí được điều chỉnh tăng so với năm học trước.

Trong khi đó, nhiều trường không áp mức trần học phí theo quy định mà tính toán, xác định học phí ở mức thấp hơn. Ông Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho biết trường không áp dụng mức trần học phí mà tính toán nhiều mức học phí khác nhau.

Với những ngành có nhu cầu ít, trường xác định mức học phí thấp hơn, được Đại học Quốc gia hỗ trợ 35% học phí để người học có thể theo học được. Chẳng hạn những ngành có học phí 16 triệu đồng, được hỗ trợ 35% học phí nên học phí sinh viên thực đóng chỉ trên 13 triệu đồng/năm. Trường thu học phí kịch trần với những ngành có nhu cầu lớn.

Chia sẻ với người học

Ông Nguyễn Minh Hà – hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM, một trong 23 trường tự chủ hoàn toàn – cho biết học phí năm học tới của trường tăng từ 5-7% tùy theo ngành. “Mức tăng này tính toán theo mức trượt giá. Trường không tăng học phí nhiều vì thực tế các dịch vụ giáo dục cũng không thay đổi nhiều so với năm trước.

Sinh viên khóa mới và khóa cũ, cùng hưởng dịch vụ giáo dục như nhau nhưng người đóng 18 triệu đồng, người đóng 28 triệu đồng rõ ràng có sự bất bình đẳng. Hơn nữa, mức học phí tăng cũng được tính toán đảm bảo sức chịu đựng của người học và đó cũng là trách nhiệm chia sẻ với người học và xã hội” – ông Hà nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bộ GD-ĐTĐại học công lậpĐại học quốc gia TP HCMhọc phí

Các tin liên quan đến bài viết