“Mình đã chuẩn bị khá kỹ những vấn đề thời sự. Tuy nhiên, đề thi lại hỏi về lối đi riêng, lối đi khác biệt. Lúc đầu khi mới đọc đề thi, mình bất ngờ và có phần sửng sốt…”.
Ngày 7-4, hơn 6.400 học sinh lớp 12 ở TP.HCM đã tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và đào tạo TP tổ chức. Đáng chú ý nhất trong kỳ thi này là đề thi môn văn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều thí sinh cho biết các em khá bất ngờ với đề văn năm nay. “Mình đã chuẩn bị khá kỹ những vấn đề thời sự. Tuy nhiên, đề thi lại hỏi về lối đi riêng, lối đi khác biệt. Lúc đầu khi mới đọc đề thi, mình bất ngờ và có phần sửng sốt. Tuy nhiên, khi bình tâm lại, mình thấy đề thi đã đặt ra vấn đề thiết thân với lứa tuổi 18”, M.H, học sinh ở quận 5, bày tỏ.
Được biết đề thi môn văn kỳ thi học sinh giỏi năm nay ở TP.HCM có nội dung như sau:
“Năm Canh Dần 1950, danh họa Trung Quốc Tề Bạch Thạch (1864-1957) tặng cho người bạn thân một bức tranh vẽ hổ từ phía sau lưng. Nhiều người xem tranh cho rằng trong bức vẽ này, “hổ không ra hổ, mèo không ra mèo”, thậm chí có người chê tranh miêu tả con mèo ốm chứ không phải chúa sơn lâm.
Tuy nhiên, không ít nhà nghiên cứu khẳng định bức tranh đã cho thấy phong cách độc đáo, cảm quan riêng biệt về hiện thực của Tề Bạch Thạch. Khi vẽ hổ, các họa sĩ khác thường chú ý tới khuôn mặt hung dữ, vẻ oai phong, uy dũng của chúa sơn lâm. Thế nhưng Tề Bạch Thạch lại giấu mặt hổ, ông thể hiện nét thân thiện, ung dung của con vật từ phía sau, qua đó hàm ý về sự khôn ngoan ẩn mình của kẻ mạnh thực thụ.
Bất kể những khen chê xoay quanh tác phẩm của mình, Tề Bạch Thạch suốt đời vẫn kiên trì một con đường riêng trên hành trình hội họa. Ông từng bày tỏ quan điểm sáng tác: “Cái hay của tranh nằm ở giữa “giống” và “không giống”. Giống thì tầm thường quá, thiếu tư tưởng và góc nhìn của nghệ sĩ, mà không giống thì là lừa phỉnh người xem”.
Năm 2010, bức tranh vẽ hổ của ông được bán với giá 32 triệu HKD (tương đương 4,1 triệu USD). Từ đó ngày càng có nhiều cuộc tranh luận về tác phẩm này.
Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)
Từ những suy nghĩ mà văn bản trên gợi ra và từ những trải nghiệm cuộc sống, anh/chị hãy viết bài văn trả lời câu hỏi sau: Là một người trẻ, theo anh/chị, có nên chọn cho mình một lối đi riêng, khác biệt và sẵn lòng đón nhận những đánh giá trái chiều về lối đi ấy?
Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)
Quan điểm sáng tác của danh họa Tề Bạch Thạch gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa sáng tạo văn chương và hiện thực đời sống? Bằng những hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình”.
Nói về nguyên nhân chọn câu hỏi về lối đi riêng, một cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM – thành viên ban ra đề thi – thông tin: “Các thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi hôm nay đều đã 18 tuổi, ban ra đề mong muốn các em nghiêm túc suy nghĩ về một lối đi cho tương lai.
Các em có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề nhưng cần hợp lý, thuyết phục. Việc lựa chọn một lối đi riêng, khác biệt hay lối đi quen, phổ biến phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi người trẻ.
Tuy nhiên việc lựa chọn lối đi riêng, khác biệt là điều không dễ bởi nó đòi hỏi tư duy độc đáo, khả năng vượt trội, ý chí kiên định, niềm đam mê to lớn và bản lĩnh vững vàng chấp nhận những khen chê của người đời. Nếu người trẻ không đủ trí tuệ và can đảm cho hành trình tìm ra con đường mới thì việc lựa chọn một lối đi bình thường nhưng tốt đẹp, tích cực đã là điều đáng quý lắm rồi”.
Vị cán bộ trên còn cho biết thêm: “Dù lựa chọn lối đi thế nào, chúng tôi vẫn mong các bạn trẻ sẵn sàng đón nhận những đánh giá trái chiều để điều chỉnh bản thân theo hướng tốt đẹp thay vì gạt bỏ ngoài tai, không bận tâm mọi khen chê của người đời”.
Nguồn: tuoitre.vn