Chị T. chia sẻ, vì tâm lý lo lắng con không được quan tâm nên khi biết cô giáo mở lớp học thêm tại nhà, dù con chỉ mới học lớp 1, chị cũng đã đăng ký.
Ý kiến của một đại biểu quốc hội ‘Bác sĩ mở phòng khám tư thì giáo viên dạy thêm là chính đáng’ vừa qua gây nhiều ý kiến trái chiều. Câu chuyện nên “Cấm” hay “Không cấm” học thêm một lần nữa là làm nóng các diễn đàn. Nhiều phụ huynh đã chia sẻ tình huống bi hài khi con đi học thêm.
Có con gái đang học tại một trường tiểu học công lập, chị T. – phụ huynh tại Hà Nội, cho biết, từ lớp 1, các cô giáo ở trường con chị đã tổ chức dạy thêm.
Vì tâm lý lo lắng con không được quan tâm nên khi biết cô giáo mở lớp học thêm, dù con chỉ mới học lớp 1, chị cũng đăng ký cho con tham gia. Mỗi tuần, con cùng các bạn học 2 buổi Toán và Tiếng Việt, mỗi buổi 2 tiếng với giá 80.000 đồng. Sau giờ học chính khóa vào 16h45 hàng ngày, các con sẽ di chuyển sang nhà cô giáo ở cạnh trường để học.
Lên lớp 2, 3, việc đưa đón con đi học thêm của chị T. khó khăn hơn vì lớp học cách xa trường và giờ học bắt đầu từ 19h. Để kịp đón con, sau 17h, chị T. phải tất tả từ cơ quan đưa con về nhà để tắm rửa, ăn uống rồi đến lớp. Khi con vào học, chị tiếp tục ngồi ở quán cà phê gần đó chờ đợi. Cũng có hôm đường kẹt xe, 2 mẹ con không kịp về nhà ăn uống, lại phải ăn tạm đồ ăn nhẹ chờ vào giờ học.
Khi con gái học lớp 4, một chuyện khác lại phát sinh liên quan đến học thêm. Năm học này, chị tiếp tục cho con học môn Toán và Tiếng Việt tại nhà cô chủ nhiệm. Tuy nhiên, cô giáo dạy tiếng Anh cũng tổ chức lớp học thêm. Địa điểm dạy là một trung tâm ngay cạnh trường. Vì con đã học 2 buổi ở lớp cô chủ nhiệm và thêm 2 buổi tiếng Anh ở một trung tâm khác nên chị T. quyết định không đăng ký cho con học tiếng Anh tại lớp của cô giáo dạy ở trường.
Nhưng không ngờ, điều này khiến việc học của con gặp rắc rối. Con gái chị kể, cô giáo có thái độ rõ ràng giữa những bạn học thêm và không học thêm tại trung tâm của cô. Cô ưu ái những bạn học thêm hơn, trong khi con chị và nhiều bạn khác không học thêm giơ tay phát biểu lại không được gọi. Không chỉ vậy, bài kiểm tra cuối kỳ được ra theo bài cô đã ôn tại lớp học thêm riêng. Con chị biết điều này nhờ các bạn cùng lớp chia sẻ.
“Mẹ ơi, các bạn học thêm ở nhà cô điểm cao hơn”. Nghe con nói mà tôi thấy nhói lòng. Nhưng đó là lời của con trẻ, tôi cũng không có bằng chứng xác thực nên không thể phản ánh, kiến nghị”, chị T. nói.
Học sinh ở TP.HCM
Con trai đang học tại một trường THCS có tiếng ở Hà Nội, chị Mai Hương (đã đổi tên) cũng thấy buồn và “phát rối” khi nghe con kể gần đây, con giơ tay rất nhiều lần nhưng không được cô gọi lên phát biểu. Chị Hương cho biết, đầu năm học, cô giáo dạy Toán mở một lớp học thêm, nhưng con chị là một trong 3 bạn hiếm hoi của lớp không đi học.
“Tôi chỉ nghĩ rằng mới vào cấp THCS nên không phải học thêm nhiều, con chỉ cần nắm vững kiến thức, tự giác làm đầy đủ bài vở, đảm bảo chương trình là được.
Hơn nữa, hàng ngày các con đã đi học từ 7h, học 2 buổi trên trường, tối lại đi học thêm đến 20h, về nhà còn phải làm bài các môn ở lớp, bài cô giáo giao tại lớp học thêm… Học nhiều như vậy con sẽ mệt và không tiếp thu được”.
Khi bàn bạc với con và chồng, cả nhà đều quyết định không đi học thêm ở đâu vì cảm thấy chưa cần thiết. Nhưng chị Hương không ngờ, điều này lại khiến con “cảm thấy bị phân biệt đối xử”.
“Con nói con cảm giác cô không thoải mái, xa cách với con. Thậm chí, con còn nói rằng, ở trong lớp con giống như người vô hình, dù giơ mỏi tay nhưng không được cô gọi phát biểu. Có khi trên lớp cô phát tờ phiếu bài tập cho các bạn đi học thêm, nhưng các bạn không đi học thêm không được phát khiến con thấy tủi thân”.
Không những vậy, cô giáo cũng ưu ái những bạn đi học thêm hơn và một số dạng bài khó có trong đề kiểm tra đã được cô dạy trước ở lớp học thêm.
“Con nói cảm thấy buồn vì không đi học thêm sẽ không được điểm cao. Tôi chỉ biết động viên con rằng tuy không học cô nhưng cô vẫn sẽ chấm đúng theo năng lực của con chứ không thể chấm từ đúng thành sai, do đó con không phải cảm thấy nặng nề. Điểm số không đánh giá hết được năng lực của con, có thể do con chưa nắm được dạng đề và quen cách làm mà thôi”.
Tuy nhiên, vì vẫn lo con cảm thấy thiệt thòi, sau nhiều ngày suy nghĩ, chị Hương quyết định đến gặp trực tiếp cô giáo để nói chuyện.
“Cô nói do kiến thức chương trình mới khá nặng, nếu con chỉ học trên lớp là không đủ vì cô chỉ kịp dạy những kiến thức cơ bản. Cô cũng “nhắc khéo” mẹ rằng con học chưa chắc, do đó gia đình cần tìm cách bồi dưỡng thêm cho con”, chị Hương kể.
Dù vẫn kiên quyết không cho con đi học thêm nhưng chị Hương lo sợ con sẽ cảm thấy xa cách với cô giáo, từ đó dần không còn hứng thú với kiến thức môn Toán và bị thiếu hụt kiến thức nền tảng.
Cũng mang tâm lý “sợ thiệt cho con”, sau nhiều lần kiên trì không cho con đi học thêm, chị M.T.Q (Hà Nội) cuối cùng vẫn phải chấp nhận cho con đi học.
Chị Q. cho biết trước đây bản thân chị cũng từng rơi vào hoàn cảnh bị giáo viên Văn, cũng là giáo viên chủ nhiệm, “trù” vì không đi học thêm.
“Năm ấy, chỉ vì điểm Văn tổng kết 6,5 nên tôi không được học sinh giỏi. Sau đó, tôi phải xin theo học lớp của cô dù cảm thấy không có ích gì nhiều do giáo viên chủ yếu đọc chép, nhưng cuối kỳ đó điểm Văn của tôi đạt trên 8.0”, chị Q. kể.
Từng trải qua cảm giác ấy, chị Q. nói đó là một sự tổn thương khiến chị “không bao giờ quên”. Vì vậy, dù con có khả năng tự học, điểm trên lớp khá tốt, nhưng chị vẫn thấy hoang mang.
“Các bạn trong lớp con đi học thêm nhiều, thậm chí cả những bạn có mẹ làm giáo viên nhưng vẫn đi học thêm nên tôi thấy không yên tâm. Trước đó, con cũng định học tới lớp 8, lớp 9, nếu quyết định thi chuyên mới đi học thêm, nhưng bây giờ cả con và mẹ rất rối. Tôi sợ con gặp vấn đề về tâm lý khi thấy mình khác biệt”.
Vì lo lắng, chị phải và con đã ngồi lại cùng trao đổi, cuối cùng cả hai “thỏa hiệp” sẽ tới học thêm nhà cô. “Mặc dù con cũng không mấy vui vẻ và miễn cưỡng đi học, nhưng mẹ vẫn phải động viên vì sự an tâm của cả hai mẹ con”, chị Q. nói.
Nguồn: vietnamnet