Trong bức thư gửi về cho gia đình, một chiến sỹ ở chiến trường Quảng Trị năm xưa không những báo trước ngày mất của mình mà còn chỉ rõ cả nơi chôn cất.
Bức thư kỳ lạ này chính là một trong những minh chứng rõ nhất về Thành Cổ Quảng Trị trong những tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc khi những cái chết đã trở thành bất tử và những sự đợi chờ đã vượt qua mọi giới hạn của thời gian.
Một đoạn trong bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh nói rõ về ngày hy sinh và nơi chôn cất của chính mình.
Những người lính một đi không trở lại
Khi viết bức thư “định mệnh” này, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh có lẽ không khi nào có thể biết được hơn 40 năm sau, nó lại trở thành một bức thư nổi tiếng, làm rung động hàng triệu trái tim những người con đất Việt.
Trước sự khốc liệt của chiến tranh, nhất là ở chiến trường Quảng Trị, nơi được ví như một túi bom với 328 nghìn tấn bom (tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử) mà Mỹ đã ném xuống trong vòng 81 ngày đêm, có lẽ mỗi người lính chiến đấu trên mảnh đất này, không ai dám hy vọng mình sẽ sống sót trở về. Nhưng đứng trước sự an nguy của Tổ quốc, dường như mỗi người đều cảm thấy mọi sự mất mát, hy sinh của bản thân đều là quá nhỏ. Bức thư như một bản hùng ca bi tráng của những người chiến sỹ một khi ra đi là gần như cầm chắc cái chết nhưng vẫn luôn giữ vững một niềm tin bất diệt vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Bởi vậy, tuy là thư từ biệt, báo trước ngày mất của mình cho những người thân trong gia đình nhưng lời lẽ không hề sướt mướt, ủy mị mà ngược lại, anh luôn lạc quan nhắc đến ngày chiến thắng.
Trong thư, anh nói với mẹ: “Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm (…). Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, bao hy sinh nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lại sống đến ngày đón mừng chiến thắng (…). Thôi nhé, mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.
Nhiều năm đã trôi qua, những nỗi đau đã trở thành quá khứ, người vợ trẻ Đặng Thị Xơ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh năm xưa nay đã 64 tuổi, tay run run thắp một nén nhang, bà lặng lẽ cúi đầu trước chân dung người đã khuất. Không hiểu vì khói nhang nghi ngút hay vì không kìm nén được nỗi xúc động trong lòng, hai mắt bà bỗng đỏ hoe như sắp khóc. Vụng về quệt nước mắt sau tay áo, bà kể: “Đó là bức thư mà tôi chưa bao giờ đọc hết một cách liền mạch từ đầu đến cuối. Bởi vì chỉ bắt đầu đọc đến dòng thứ hai thôi là tôi đã không cầm được nước mắt. Tháng 5/1973, gia đình nhận được giấy báo tử kèm chiếc ba lô đựng quân tư trang của anh nhưng trong ba lô không hề có lá thư này. Mãi đến tháng 5/1975, gia đình mới nhận được bức thư cuối cùng mà anh đã viết khi tiên đoán trước được cái chết của mình”.
Nhưng theo lời kể của bà thì phải chờ đợi mất ba năm, bà mới có cơ hội được cầm trong tay lá thư của người chồng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bởi vì trước đó, khi bức thư được chuyển đến, bà đang đi chữa bệnh, không có nhà cho nên người chị chồng đã đọc và giấu bức thư này đi, nhất quyết không chịu đưa cho em dâu với lý do: “Cô mà xem thư thì nhất định cô sẽ không thể nào chịu đựng nổi đâu!”. Sau rất nhiều lần nài nỉ thuyết phục, bà mới được người chị chồng cho xem bức thư “định mệnh” ấy. Nhưng vừa cầm phong thư trong tay, mở ra, chưa kịp đọc chữ nào, nước mắt bà đã tuôn rơi không ngừng. Thấy vậy, người chị chồng vừa cất lá thư đi vừa thở dài: “Thấy chưa! Tôi nói có sai đâu. Tôi biết cô sẽ không bao giờ chịu nổi khi đọc bức thư này mà”. Mặc dù vậy, sau đó, bà vẫn quyết tâm xin được giữ bức thư, rồi theo chỉ dẫn trong đó đi tìm mộ của người chồng mà bà hết lòng hết dạ yêu thương, chờ đợi trọn một kiếp người.
Chân dung liệt sỹ Lê Văn Huỳnh.
Ba ngày làm vợ, một kiếp đợi chờ
Trong những dòng hồi tưởng về một miền ký ức xa xăm, bà Xơ rủ rỉ kể cho tôi nghe những câu chuyện xưa cũ khi mối tình của bà với chàng sinh viên khoa Cầu hầm, khóa 13, đại học Xây dựng tên Lê Văn Huỳnh (SN 1951, xóm 3, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, Thái Bình) bắt đầu chớm nở. Lúc đó, bà cũng là một trong những thiếu nữ xinh đẹp nhất vùng, nổi tiếng đảm đang, tháo vát. Hai người lại ở cùng làng nên sớm quen biết rồi phải lòng nhau. Một bên trai tài, một bên gái sắc cho nên ai cũng vun vào cho đôi trẻ. Yêu nhau được ba năm, họ quyết định tổ chức đám cưới. Nói là đám cưới nhưng trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, họ chỉ trở thành vợ chồng trong tiếng vỗ tay và sự chứng kiến của người thân, bè bạn, hàng xóm láng giềng chứ không hề có cỗ bàn, bánh kẹo, thậm chí cô dâu, chú rể còn không có áo mới để mặc trong ngày lễ vu quy.
Bà Xơ cho biết: “Sau khi cưới vợ được ba ngày, anh trở lại trường, khi đó đang sơ tán ở Hà Bắc (cũ). Nhưng trở lại trường chưa được bao lâu, trước tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, tháng 1/1972, anh đã theo tiếng gọi của Tổ quốc, xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Chỉ đến khi nhận được bức thư đầu tiên của anh gửi về từ Quảng Trị, gia đình mới biết tin này. Bức thư đó anh viết khi đang trên đường vào Thành Cổ và được viết vội vàng, tranh thủ những giây phút ngắn ngủi trong lúc tàu dừng nghỉ ở các nhà ga. Bức thư có rất nhiều chỗ bị nhòe không hiểu vì mồ hôi hay những giọt nước mắt của người viết? Lần ấy, anh đi và không bao giờ trở về nữa. Một đời chồng vợ cũng chỉ vỏn vẹn có ba ngày chúng tôi được sống bên nhau”.
Bà Xơ thành kính trước ban thờ người chồng đã hy sinh cho Tổ quốc.
Khi tôi hỏi tại sao bà không đi bước nữa khi tuổi đời còn rất trẻ, lại không vướng bận chuyện con cái, bà lắc đầu: “Tôi còn chờ đi tìm, đón nhà tôi về. Cũng chính vì những lời anh dặn dò trong thư mà tôi không nỡ đi lấy chồng chừng nào chưa tìm đưa được hài cốt anh về. Từ ngày anh đi, đêm nào tôi cũng nằm thao thức không sao ngủ được, chỉ cầu trời khấn Phật làm sao sớm hoàn thành tâm nguyện của anh. Nhưng sau khi tìm đưa được hài cốt của anh đưa về an táng ở nghĩa trang quê nhà, lúc nào tôi cũng cảm thấy rất nhẹ nhàng, thanh thản, không còn lo nghĩ nhiều như trước và cũng chẳng cầu mong thêm điều gì, như thể đang được sống bên cạnh nhà tôi”.
Kể về hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, bà bảo đã làm theo những chỉ dẫn mà anh viết trong bức thư và tìm được mộ của anh nằm bên bờ sông Thạch Hãn vào tháng 8/2002. Mọi chi tiết về ngôi mộ đều đúng như những gì anh đã viết trong bức thư dự cảm trước về sự ra đi mãi mãi của mình: “Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị. Qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”.
Hài cốt của liệt sỹ Huỳnh đã được gia đình tìm thấy và đưa về an táng, nhưng còn biết bao nhiêu đồng đội của anh sẽ mãi mãi phải nằm lại nơi đây bởi máu thịt đã bị bom đạn xé nát, trộn với đất Thành Cổ, hòa vào nước sông Thạch Hãn, nhưng cũng chính vì thế mà sẽ mãi trường tồn cùng sông núi quê hương.
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.
Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…
Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh….
Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm. Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của các anh chị anh…
Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2-1-1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó… Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này….
Chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương.
Ký tên
Lê Văn Huỳnh…..”.