Ngay cả khi đại dịch diễn ra và chính phủ kêu gọi làm việc tại nhà, Samsung vẫn nhất quyết từ chối cho nhân viên đem một số tài liệu mật ra khỏi công ty dưới dạng văn bản số do lo sợ bị đánh cắp.
“Thiệt hại tài chính sẽ là bao nhiêu nếu bản vẽ này lọt vào tay Trung Quốc?”, một công tố viên hùng hồn chất vấn trong phiên tòa tháng 11/2020 tại Suwon-Hàn Quốc với 2 bị cáo cho tội danh đánh cắp công nghệ.
Theo đó, 2 cựu nhân viên nghiên cứu của Samsung này đã có ý định tiết lộ công nghệ phát triển màn hình OLED sang cho phía Trung Quốc, qua đó vi phạm luật bảo hộ bản quyền. Hành vi của 2 người rất tinh vi khi chấp nhận sản xuất máy làm màn hình OLED dựa trên công nghệ của Samsung rồi bán cho Trung Quốc.
Hiện cả công ty sản xuất máy làm màn hình OLED này cũng đã bị công tố viên đưa ra tòa.
Câu chuyện tại Suwon vốn chẳng hề xa lạ với tập đoàn Samsung khi hãng bị nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cố gắng ăn cắp bản quyền. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến Samsung muốn dịch chuyển sản xuất sang những thị trường khác an toàn hơn.
Hiện Samsung Electronics có tổng mức vốn hóa 556 nghìn tỷ Won, tương đương 486,54 tỷ USD và có doanh số đến 236,2 nghìn tỷ Won, lợi nhuận từ hoạt động đạt 35,9 nghìn tỷ Won trong năm 2020.
Thương hiệu này đang dẫn đầu thị phần nhiều mảng kinh doanh, từ smartphone cho đến Tivi hay chip nhớ.
Sự thành công này đã đưa lại nhiều phiền toái cho Samsung khi các đối thủ ở Trung Quốc tăng cường sao chép công nghệ trước tình hình căng thẳng Mỹ-Trung khiến họ không thể mua nhiều kỹ thuật cao từ nước ngoài như trước đây nữa.
Nhận thức được vấn đề, chính phủ Hàn Quốc và tập đoàn Samsung đã tăng cường giám sát, quản lý để bảo vệ lợi ích. Trên thực tế vụ 2 cựu nhân viên nghiên cứu Samsung bị bắt trên được thực hiện vởi Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS).
Chính quyền Seoul coi công nghệ sản xuất OLED là tài sản quốc gia và NIS đã làm mọi biện pháp nhằm đảm bảo kỹ thuật này không bị đánh cắp.
Nếu bị kết tội, 2 cựu nhân viên và nhà sản xuất trên có thể phải ngồi tù ít nhất 3 năm.
Không còn xa lạ
Câu chuyện ăn cắp bản quyền trên thực tế chẳng có gì mới với Hàn Quốc khi quốc gia này nổi tiếng về công nghệ. Trong 5 năm tính đến năm 2019, NIS cho biết đã bắt giữ 123 vụ liên quan đến đánh cắp công nghệ, bao gồm 83 vụ đến từ phía Trung Quốc. Phần lớn các vụ án đều liên quan đến những lĩnh vực chủ chốt của các công ty Hàn Quốc như chất bán dẫn, sản xuất màn hình, đóng tàu…
Về phía tập đoàn Samsung, hãng nhận thức được rất rõ nguy cơ mất cắp công nghệ và đã phải thực hiện vô số biện pháp phòng vệ. Tất cả điện thoại của nhân viên sẽ bị tắt chức năng ghi âm, chụp ảnh khi đến nhà máy hay phòng nghiên cứu.
Thậm chí các máy in trong phòng nghiên cứu cũng sử dụng giấy đặc chế có chứa thiết bị từ chối in những thông tin nhạy cảm. Nếu đem giấy in này ra khỏi phòng nghiên cứu, chuông báo động sẽ kêu.
Ngay cả khi đại dịch diễn ra và chính phủ kêu gọi làm việc tại nhà, Samsung vẫn nhất quyết từ chối cho nhân viên đem một số tài liệu mật ra khỏi công ty dưới dạng văn bản số do lo sợ bị đánh cắp.
Lấy cắp nhân sự
Trong khi Hàn Quốc và Samsung đau đầu với việc bảo vệ thông tin mật thì nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lại hướng đến những nhân sự cấp cao để đánh cắp công nghệ.
Samsung hiện có tới 287.000 nhân viên trên toàn cầu và việc giữ chân những lao động này là điều khá khó khăn trước những ưu đãi hấp dẫn từ công ty Trung Quốc. Nếu mở bất kỳ trang web tuyển dụng nào tại Hàn Quốc bạn cũng sẽ thấy vô số lời mời chào đến Trung Quốc làm việc với nhiều ưu đãi hậu hĩnh.
Không riêng gì Samsung, nhiều kỹ sư của LG cũng rời bỏ công ty khi không chịu được môi trường cạnh tranh khắc nghiệt và lời mời chào từ Trung Quốc có vẻ là lựa chọn không tồi.
Theo BOE Technology, hãng sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc, công ty có khoảng 120 kỹ sư Hàn Quốc đang làm việc, bao gồm hơn 50 người là cựu nhân viên của Samsung từng chịu trách nhiệm phát triển OLED cho Apple.
Rất nhiều người trong số này đã rời bỏ Samsung khi hãng suy giảm lợi nhuận trong năm 2015-2016 dẫn đến áp lực tăng cao cùng sa thải biên chế.
Hiện nhà máy của BOE tại Thành Đô-Trung Quốc có dây chuyền sản xuất giống hệt nhà máy chính của Samsung Display tại Asan-Hàn Quốc. Công ty hiện đang là nhà cung cấp chính cho thị trường sửa chữa iPhone trong mảng màn hình OLED và hãng đang cố gắng trở thành nhà cung ứng chính cho Apple trong năm nay.
Với sự hậu thuẫn của chính phủ, việc BOE cố gắng trở thành đối tác chính của Apple đã đe dọa đến vị thế của Samsung trên thị trường.
Thế nhưng, Samsung rất khó để có thể ngăn chặn nhân sự rời bỏ công ty đến Trung Quốc. Thậm chí nhiều kỹ sư cũng hiểu được việc mình đang làm cho nhà máy Trung Quốc là sai trái và cố gắng tránh né sự truy tra của các nhà chức trách.
Những kỹ sư này thường dùng tên giả và khi bay về Hàn Quốc trong các kỳ nghỉ, họ chọn quá cảnh qua Hong Kong thay vì đường bay trực tiếp từ Trung Quốc đại lục nhằm tránh những nghi vấn từ cơ quan quản lý.
Một kỹ sư giấu tên của BOE trả lời tờ Nikkei Asian Review cho biết ông thường tránh các chuyến bay thường do lo sợ nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ với tội tiết lộ công nghệ. Khi khai báo tại hải quan, vị kỹ sư này cũng giả làm một thương nhân bình thường chứ không dám nói là làm cho nhà máy Trung Quốc.
Doanh thu của Samsung tính theo tổng doanh thu của các đối thủ Trung Quốc trong từng mảng (tỷ USD) |
Thậm chí vào năm 2020, BOE đã tuyển chuyên gia Chang Won Ki, người từng phụ trách mảng hợp tác sản xuất màn hình giữa Samsung và Sony, cho vị trí Phó chủ tịch của một nhà máy sản xuất màn hình bán dẫn tại Trung Quốc.
Tuy nhiên động thái này đã thu hút sự chú ý của quan chức Hàn Quốc và ông Chang đã nhanh chóng từ chức trước nguy cơ bị truy tố vì tội đánh cắp bản quyền.
Chuyên gia Chang cho biết mình chấp nhận công việc dựa trên điều kiện nhà máy mới sẽ không cạnh tranh với Samsung, thế nhưng ông vẫn từ chức trước sức ép từ Hàn Quốc khi nhiều người tin rằng vị chuyên gia này đang tiếp tay cho hành động ăn cắp bản quyền.
Trên thực tế, Cố chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung đã từng cảnh báo về mối đe dọa từ Trung Quốc vào tháng 3/2010: “Trong 10 năm tới, phần lớn mảng kinh doanh và sản xuất nổi tiếng của Samsung sẽ biến mất (do áp lực từ đối thủ)”.
Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn với Samsung khi nhà lãnh đạo mới Lee Jae Yong của họ vướng vào vòng lao lý. Việc thiếu nhà lãnh đạo cấp cao nhiều khả năng sẽ khiến Samsung khó khăn hơn trong việc chống đánh cắp bản quyền từ các đối thủ Trung Quốc.
Nguồn: vietnamnet