Ung thư phổi đứng thứ hai tại Việt Nam về số ca mắc và tử vong nhưng trên 75% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến nhất.
Số liệu WHO năm 2020 công bố, Việt Nam có thêm hơn 26.200 ca mắc mới ung thư phổi và gần 24.000 ca tử vong, xếp thứ 2 sau ung thư gan.
Theo PGS Quảng, trên 75% bệnh nhân ung thư phổi tại nước ta được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn và tốn kém cho điều trị, thời gian sống thêm không nhiều.
Bệnh gồm 2 loại: Ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15-20%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (chiếm 80-85%), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ là thể ác tính hơn. Khả năng sống thêm 5 năm với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ khoảng 6%, ung thư phổi tế bào lớn khoảng 18%.
“Ung thư phổi diễn biến rất âm thầm, chỉ có triệu chứng ở giai đoạn muộn. Chụp X-quang thông thường không thể phát hiện sớm tổn thương và đến nay cũng chưa có phương pháp nào phát hiện được sớm bệnh thực sự có hiệu quả”, PGS Quảng nói.
Ung thư phổi rất khó phát hiện sớm do dấu hiệu khởi phát nghèo nàn, chụp X-quang thường không phát hiện được khối u kích cỡ nhỏ
Gần đây đã có thêm những tiến bộ mới trong chẩn đoán bằng chụp CT liều thấp, song việc phát hiện sớm ung thư phổi vẫn là thách thức lớn, ngay cả với nước phát triển. Tại Mỹ, các bác sĩ mới chỉ đưa ra khuyến cáo, chưa có chỉ định tầm soát ung thư phổi bằng CT liều thấp.
Đây là phương pháp chụp kết hợp giữa X-quang với phần mềm vi tính, tạo ra nhiều hình ảnh cắt ngang, hỗ trợ diễn giải hình ảnh giúp phát hiện sớm hơn các tổn thương nhỏ với mức sử dụng bức xạ thấp hơn khoảng 80% so với chụp X-quang thông thường.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) hiện khuyến nghị tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng phương pháp chụp cắt lớp CT scan ngực liều thấp cho những người từ 55 đến 74 tuổi từng có tiền sử hút thuốc.
Theo thống kê, ngay tại các nước phát triển, chỉ có khoảng 25% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2).
Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu ung thư phổi rất nghèo nàn. Các biểu hiện như ho khan dai dẳng, sốt về chiều, sút cân, đau ngực, ho ra máu… đều không phải những dấu hiệu đặc hiệu của ung thư phổi, các triệu chứng này cũng dễ gặp trong viễm nhiễm phế quản phổi. Vì vậy, thường khi chụp X-quang phát hiện ra, khối u đã to 2-10cm.
Đến nay, nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi chưa rõ ràng, tuy nhiên khoảng 90% bệnh nhân là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Ngoài các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, PGS Quảng cho biết, phương pháp điều trị nhắm trúng đích và miễn dịch cũng đang rất có triển vọng với ung thư phổi. Đây cũng là xu hướng điều trị ung thư của thế giới trong tương lai.
Với thuốc nhắm trúng đích, hầu hết bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, tái phát di căn tại tuyến trung ương đều được sử dụng, tuy nhiên chỉ là các thuốc generic, hiện BHYT hỗ trợ chi trả 50%.
Với ung thư phổi giai đoạn muộn, khi dùng thuốc Tyrokinase thế hệ thứ 3 có thể kéo dài thời gian sống thêm hơn 3 năm so với trước.
Trong điều trị miễn dịch có 2 phương pháp chính. Thứ nhất, dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch để tháo bỏ những “chốt” do tế bào ung thư tạo ra nhằm kìm hãm phản ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, chi phí dùng thuốc đắt, tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng thấp và chỉ tháo được 15-20% “chốt”, không phải tất cả.
Tại Bệnh viện K, một số bệnh nhân tự bỏ tiền điều trị liệu pháp này với chi phí khoảng 120 triệu mỗi tháng, một số trường hợp khác được các hãng dược lớn hỗ trợ.
Phương pháp thứ hai dùng máu của chính bệnh nhân, tách chiết tế bào miễn dịch lympho T, sau đó nhân lên rồi truyền lại cho bệnh nhân. Liệu pháp này giúp cơ thể tăng cường sức để kháng để “đánh bại” tế bào ung thư, giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống thêm. Phương pháp này đang được Đại học Y Hà Nội nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng.
Nguồn: vietnamnet