Những chiếc túi da, giày dép gắn mác  LV, Gucci, Nike, Chanel bán đầy vỉa hè, chợ dân sinh, mạng xã hội… là tín hiệu xấu cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Biết giả vẫn mua

“Năm 2021, tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm”, đó là thực tế được ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chia sẻ ngày 15/12.

Các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay… vẫn được bán tràn lan trên thị trường.

Hải quan cũng bắt giữ nhiều vụ với giá trị lớn, nhưng không xuể. Đơn cử, ngày 10/12/2020, thực hiện chỉ đạo của Trực ban Tổng cục Hải quan, Đội 4 (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra thực tế một lô hàng thuộc loại hình vận chuyển độc lập của Công ty CP Tân Cảng – Tây Ninh. Hàng hóa giả mạo là dép LV, Gucci, Nike, túi xách LV, Gucci, Chanel,… trị giá 650 triệu đồng.

LV, Gucci, Chanel bán đầy vỉa hè, ba bốn nơi quản mà vấn nạn không dứt
Những kho hàng giả liên tiếp bị phát hiện, nhưng vẫn không chấm dứt

Ngày 27/11/2020, Đội 4 (Cục Điều tra chống buôn lậu) chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh) kiểm tra kiểm tra lô hàng quá cảnh đóng trong 4 container của Công ty TNHH Swift Freight Logistics. Hàng hóa là quần áo giày dép giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas; túi xách, thắt lưng nhãn hiệu Hermes, LV, Chanel, Gucci, trị giá lô hàng 1,6 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng: Các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như LV, Chanel,… có giá thành từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, người tiêu dùng kkhi mua những sản phẩm đó trên mạng xã hội hay trên nền tảng thương mại điện tử với giá vài trăm nghìn đồng. Như vậy, sản phẩm đó sẽ không thể là hàng chính hãng vì nhu cầu làm đẹp, nhu cầu “thích thể hiện”, người tiêu dùng vẫn chấp nhận.

Vì thế người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền.

“80% người tiêu dùng khi mua hàng biết đó là hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc”, ông Nguyễn Đức Lê nhận định.

Khó xử lý hình sự

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thẳng thắn chia sẻ, cứ vào cao điểm mua sắm cuối năm thì hàng giả lại xuất hiện.

“Trên mạng xã hội việc buôn bán hàng giả khá tùy tiện; việc quảng cáo hàng giả một cách liều lĩnh, trơ trẽn, thản nhiên,… Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp hội viên rất bức xúc vì thiệt hại lớn do không bán được hàng, bị mất uy tín, thương hiệu… điều này có thể khiến doanh nghiệp phá sản. Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát, xử lý được vấn đề hàng giả, hàng nhái có nguy cơ làm triệt tiêu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chân chính trong nước”, bà Vũ Kim Hạnh nêu rõ.

LV, Gucci, Chanel bán đầy vỉa hè, ba bốn nơi quản mà vấn nạn không dứt
Hàng giả ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trước thực trạng đó, bà Hạnh đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt và đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phân tích: vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn phức tạp do lợi ích lớn, nhu cầu tiêu dùng cao, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, cùng với đó là nhu cầu sính hàng ngoại. Đặc biệt, có cả tình trạng một bộ phận công chức tiếp tay cho các đối tượng tội phạm.

“Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, từ khi Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (theo Quyết định số 389/QĐ-TTg), công tác phối hợp của các lực lượng có sự chuyển biến căn bản”, ông Dũng cho biết thêm.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng về cơ bản có sự chuyển biến, nhưng trong một số vụ việc cụ thể vẫn còn chưa tốt. Nguyên nhân là do một số bộ phận cán bộ, công chức còn tiếp tay, làm ngơ cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong khi công tác phối hợp đòi hỏi bí mật, dễ để lọt thông tin để các đầu nậu tẩu tán hàng hóa, thậm chí thay đổi phương thức thủ đoạn gây khó khăn cho việc phát hiện, bắt giữ.

“Nhiều vụ việc khi lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra, xử lý hình sự lại gặp khó khăn do không được tham gia vụ việc từ đầu và do chuyển hồ sơ muộn, các đối tượng tẩu tán các chứng cứ liên quan, thống nhất lời khai… ”, ông Đặng Văn Dũng chia sẻ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : buôn lậuhàng giảhàng nháisở hữu trí tuệ

Các tin liên quan đến bài viết