Giờ làm tăng, lương giáo viên thấp cùng với bất cập khi vừa thiếu 94.000 lại vừa thừa trên 10.000 giáo viên các cấp là những vấn đề đặt ra trong phiên giải trình được Ủy ban Văn hóa, giáo dục Quốc hội tổ chức sáng 25-2.
Tại phiên giải trình “Thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông”, ông Nguyễn Đắc Vinh – chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội – chủ trì phiên chất vấn; ông Nguyễn Kim Sơn – bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo, và bà Phạm Thị Thanh Trà – bộ trưởng Bộ Nội vụ – trực tiếp trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Lấy học phí để bù đắp lương cho giáo viên: Nên hay không?
Đại biểu Nguyễn Minh Ánh đặt vấn đề: Hiện có khoảng 50% giáo viên trên cả nước chỉ nhận được mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Những giáo viên có thâm niên cũng chỉ nhận 9-10 triệu đồng/tháng, còn giáo viên trẻ mới ra trường, lương 3 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy, liệu có thể duy trì động lực để giáo viên gắn bó với nghề?
Bà Ánh nhắc lại quan điểm “Lương giáo viên cần xếp cao nhất trong thang bảng lương” nhưng hiện tại những thay đổi sắp tới sẽ khiến giáo viên không còn các phụ cấp như đã được hưởng, điều giáo viên cả nước mong đợi là khi nào lộ trình cải tiến tiền lương cho giáo viên được thực hiện?
Đại biểu Thái Thị Thu Sương lại dẫn chứng tình trạng phổ biến hiện nay giáo viên mầm non phải làm việc từ 10-12 tiếng/ngày. Họ phải đến rất sớm để đón trẻ và về rất muộn sau khi hoàn tất nhiều công việc. So với quy định về giờ lao động nói chung, giáo viên mầm non đã phải làm tăng giờ thường xuyên, nhưng lương thì thấp. Vậy phải có chính sách gì để hỗ trợ?
Trao đổi trực tiếp vào câu hỏi của các đại biểu, bà Phạm Thị Thanh Trà – bộ trưởng Bộ Nội vụ -cho biết những khó khăn khách quan khiến nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách tiền lương chưa được thực thi, nhưng để giải quyết khó khăn trước mắt, hai bộ cần có phối hợp chặt chẽ để tính toán điều chỉnh mức phụ cấp đối với giáo viên.
“Trong tình huống có nhiều khó khăn thì nên chọn một đối tượng ưu tiên trước là giáo viên mầm non để điều chỉnh phụ cấp. Nhưng cần tính toán để khi triển khai nghị quyết 27 không bị sai lệch nhiều, cả về mức trần và các phụ cấp theo lương” – bà Trà nói.
Theo bà Trà, mặt bằng lương viên chức không cao, đây là tình trạng chung, nhưng giáo viên là đối tượng lao động trí óc, liên quan tới giáo dục con người nên phải xem xét ở khía cạnh lao động đặc thù.
Bà Trà gợi ý hướng đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa, cụ thể là tạo điều kiện để chuyển các cơ sở công lập sang ngoài công lập, tự chủ tài chính, giảm bớt số người hưởng lương từ ngân sách.
Cùng với đó, khi triển khai nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, những khu vực kinh tế phát triển thuận lợi có thể nâng mức thu 2-5 lần, phù hợp với mức tăng của giá cả thị trường, trích nguồn thu từ đó để bù đắp một phần khó khăn về lương.
Về ý kiến bà Trà, đại biểu Lê Thu Nguyệt cho rằng đối với bậc mầm non, tiểu học không hợp lý khi thúc đẩy xã hội hóa vì đây là đối tượng phổ cập giáo dục cần Nhà nước đầu tư. Bà Nguyệt cũng cho rằng không thể tăng học phí để bù đắp lương cho giáo viên.
Trao đổi lại về ý kiến này, bà Phạm Thị Thanh Trà cho rằng bên cạnh giải pháp căn cơ, cần những giải pháp trước mắt và hoàn toàn có thể thực hiện việc lấy phần tăng thêm ở nguồn học phí để hỗ trợ cho giáo viên trong nhóm đối tượng cần được ưu tiên.
Bà Trà đề nghị sắp tới Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục – đào tạo cần ngồi với nhau để đánh giá tổng thể việc thực hiện chính sách với nhà giáo, từ mầm non đến phổ thông, để thấy rõ những mặt hạn chế, bất cập làm cơ sở để triển khai chính sách mới, vì tới đây việc đổi mới trả lương theo vị trí công việc là thay đổi quan trọng. Trong đó, cần xem xét tính toán có điều chỉnh, bổ sung chế độ hỗ trợ cho nhóm đặc thù là mầm non.
Thiếu 94.000 giáo viên nhưng sẽ phải giảm 45.000 biên chế
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục – đào tạo, hiện đang tồn tại tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học, địa phương. Theo đó, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học, ngành giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên, nhưng lại thiếu đến 94.714 giáo viên, từ mầm non đến THPT.
Lý do thừa, thiếu giáo viên được Bộ Giáo dục – đào tạo phân tích từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân liên quan tới tăng dân số cơ học, tình trạng di dân và cả yêu cầu mới đối với giáo dục các cấp.
Về điều này, bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Bộ Giáo dục – đào tạo cần hoàn thiện xây dựng chiến lược tổng thể phát triển giáo dục mầm non, phổ thông theo tinh thần nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Từ đó, mới có thể hình dung về nhu cầu nhân lực, phát triển đội ngũ giáo viên để có lộ trình.
Đồng thời, vẫn phải rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường học theo tinh thần nghị quyết 19 của trung ương: Xóa điểm trường lẻ, thiết lập mô hình trường liên cấp để giảm biên chế sự nghiệp.
“Mặc dù con số thiếu giáo viên trên 94.000, nhưng Bộ Nội vụ chỉ duyệt trên 65.000, trước mắt sẽ bổ sung trên 27.000 biên chế giáo viên. Tuy nhiên sẽ phải giảm 45.000 người hưởng lương ngân sách trong ngành giáo dục. Đó là hai mặt của vấn đề cần phải giải quyết” – bà Trà cho biết.
Theo bà Trà, việc thực hiện nghị định 19 NQ/TW cũng không cào bằng cơ học, nơi khó khăn thì tỉ lệ giảm ít, nhưng có nơi chủ động giảm 20%, có bộ ngành yêu cầu giảm 50% vì tự chủ tốt.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Cần giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, bởi nếu chỉ có một vài giải pháp sẽ rất khó giải quyết được.
Ngoài ra, đây cũng không chỉ là việc của ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng nhận định nhu cầu về giáo viên sẽ ngày càng nhiều hơn, vì vậy sẽ cần ngay giải pháp cấp bách để giải quyết sớm vấn đề thiếu giáo viên.
Nguồn: tuoitre.vn