Nghị định 20/2017 về giao dịch liên kết đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cho chính doanh nghiệp (DN) nội thay vì mục tiêu hạn chế chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI như ban đầu. Đặc biệt, với việc khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập DN, các DN lo ngại sẽ phải đóng thêm hàng trăm tỷ đồng, nguy cơ thua lỗ là rất lớn.

Các ông lớn lo lắng

Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (NĐ 20) quy định về Quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết với mục tiêu chống chuyển giá. Nghị định 20 có hiệu lực thi hành từ 1/5/2017 nhằm tránh thất thu thuế. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 hướng dẫn Nghị định  này, do đó, Nghị định này sẽ chính thức ảnh hướng đến số thuế phải nộp năm 2018 của các DN.

Đáng chú ý, nội dung gây nhiều tranh cãi về khống chế chi phí lãi vay theo hướng “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.

Lo phải đóng thêm trăm tỷ tiền thuế, tập đoàn đồng loạt kêu khó
Nhiều DN lo lắng, nghiệp vụ cho vay lại thông thường bị gánh thêm 1 khoản thuế lớn.

Có nghĩa, DN A hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con có lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí là 100 đồng, thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Nếu vượt quá mức này thì chi phí lãi vay đó không được tính là chi phí hợp lệ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp..

Khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo một số quy định tại Nghị định 20 có thể khiến cho nhiều DN trong nước bất lợi. Đến khi quy định này thực thi, nhiều tập đoàn, DN lớn trong nước bắt đầu “thấm” những điểm hạn chế của Nghị định 20.

Hồi tháng 4 năm nay, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính kêu khó vì những vướng mắc của Nghị định 20, nhất là việc khống chế lãi vay khống chế chi phí lãi vay. Theo đó, EVN thực hiện ký hợp đồng cam kết vay với các đơn vị thành viên trong trường hợp không được các tổ chức cho vay hoặc Bên bảo lãnh cho vay đồng ý chuyển đổi chủ thể vay theo quy định tại Nghị định 10/2017/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý tài chính EVN.

Bản chất các giao dịch liên kết có tính chất “cho vay lại” như nêu trên giữa EVN và các đơn vị thành viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tuân thủ nguyên tắc giá thị trường.

Tập đoàn Điện lực lo ngại: Nếu tính giới hạn chi phí lãi vay như quy định tại Nghị định 20 thì ảnh hưởng đến tình hình tài chính của EVN và các Tổng Công ty (đặc biệt là các Tổng công ty phát điện) là rất lớn, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN khi thực hiện đầu tư dự án điện theo Quy hoạch của Chính phủ.

Theo EVN, trong trường hợp phải áp dụng quy định này tại EVN và các đơn vị thành viên, các Tổng công ty phát điện phát sinh số thuế TNDN phải nộp tăng rất lớn. Cụ thể: EVN GENCO 1 nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng.

Trong khi đó, nếu chiếu theo theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và Luật số 71/2014/QH13, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: “a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…; và b) Khoản chi có đủ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, các khoản chi phí lãi vay của EVN các đơn vị thành viên đủ điều kiện là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – LILAMA (Bộ xây dựng) cũng chịu cảnh tương tự. Theo đó, LILAMA và các công ty có quan hệ liên kết đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế suất thuế TNDN nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về Thuế TNDN. Cùng với đó, chi phí lãi vay của Tổng công ty phát sinh thực tế từ việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, theo giá thị trường, có hồ sơ, chứng từ hợp lệ theo các quy định hiện hành của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.

“Do vậy, việc quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ (bao gồm cả các giao dịch liên kết và các giao dịch độc lập) như trên là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết”, LILAMA nếu lý do với Bộ Tài chính.

Nếu thực hiện theo quy định mới về chi phí lãi vay như đã nêu trên, LILAMA lo lắng tình hình tài chính của LILAMA sẽ càng trở nên khó khăn hơn, nhiều công ty sẽ khó có thể vượt qua trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Từ đó LILAMA cảnh báo: “Có những công ty dương lợi nhuận kế toán trước thuế nhưng sau khi nộp thuế TNDN sẽ âm lợi nhuận và có những công ty âm lợi nhuận kế toán trước thuế vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn”.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng cho rằng: Việc quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi  vay được trừ, bao gồm cả các giao dịch liên kết và các giao dịch độc lập như trên là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng chịu chung số phận và phải gửi văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn thêm.

Xem lại những điểm bất hợp lý

Nhiều DN tư nhân trong nước cũng đang lo lắng trước quy định của Nghị định 20. Chủ đầu tư một quần thể du lịch – vui chơi giải trí cho hay: Nguồn vốn đầu tư là nguồn vốn từ các cổ đông đóng góp, huy động từ các DN về động từ các đối tác có quan hệ liên kết vay từ các tổ chức tín dụng. Những năm đầu việc thu hút khách hàng tuy đã đạt kết quả hơn mong đợi nhưng do chỉ vì chủ yếu từ vốn vay, phải trả với lãi suất cao nên Công ty chưa lãi để có thể thực hiện như quy định ở Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Lo phải đóng thêm trăm tỷ tiền thuế, tập đoàn đồng loạt kêu khó
Lo ngại chuyển giá là thực tế mà nhất là ở khu vực FDI

“Năm 2017 và khoảng 2 đến 3 năm tới để thực hiện đúng quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì DN sẽ không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của phần lãi vay >= 20% EBITDA sẽ là không chỉ làm khó khăn cho công ty mà còn không hợp lý bởi công ty hoàn toàn không có dấu hiệu của việc chuyển thu nhập chịu thuế từ DN ở vùng đặc biệt khó khăn sang DN khác không ở vùng đặc biệt khó khăn có mức thuế cao hơn, hoàn toàn không phạm tổn hại đến các nghĩa vụ của DN với Nhà nước”, công ty này lo ngại.

Vì thế, Công ty này kiến nghị chưa (không) áp dụng khống chế chi phí lãi vay tỷ lệ >= 20% EBITDA đối với dự án đầu tư lớn ở vùng đặc biệt khó khăn mà thực chất là hoàn toàn không có dấu hiệu chuyển giá, làm giảm nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước, hoặc cho phép công ty được phân bổ lại vay theo doanh thu của dự án theo thời gian hoạt động của dự án được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền đã cấp cho doanh nghiệp.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng: Đối với giao dịch “cho vay lại” là nghiệp vụ đặc thù của EVN được Chính phủ chấp thuận có giá giao dịch theo nguyên tắc thị trường, các đơn vị thành viên của EVN không phải áp dụng các nội dung liên quan đến giới hạn chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như quy định tại Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP nêu trên.​

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : doanh nghiệpđóng thuếEVN

Các tin liên quan đến bài viết