Liên tiếp bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử ở 4 vụ án khác nhau nhưng đến nay Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn.
Đến nay, CQĐT đã và đang làm rõ sai phạm của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở 4 vụ án khác nhau. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn.
Hồi đầu tháng 1/2023, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn 16 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 14 năm tù vì tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, tháng 5/2023, TAND Cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng cáo của luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo vắng mặt, trong đó có bà Nhàn. HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị cáo bỏ trốn từ giai đoạn điều tra, bị truy nã và đến nay chưa có kết quả.
Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo, niêm yết bản án công khai theo đúng quy định.
Các bị cáo phải tự kháng cáo, HĐXX chưa nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo, đồng nghĩa với việc các bị cáo từ bỏ quyền kháng cáo bản án.
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát đọc lệnh khám xét tại trụ sở AIC
Trong vụ án này, bà Nhàn bị cáo buộc có vai trò chủ mưu cầm đầu, chịu trách nhiệm chính về các sai phạm xảy ra tại Công ty AIC. Bị cáo đã tiếp xúc với các lãnh đạo Đồng Nai xin giúp đỡ, cho Công ty AIC tham gia và trúng thầu tại Bệnh viện Đồng Nai dù biết không đủ năng lực tài chính.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn sau đó đã chỉ đạo nhân viên thông đồng với chủ đầu tư và các đơn vị lập hồ sơ thầu theo hướng giúp Công ty AIC trúng thầu. Việc này gây thiệt hại 152 tỷ đồng.
Quá trình làm việc tại Đồng Nai, bị cáo Nhàn và cấp dưới đã hối lộ cựu Bí thư Trần Đình Thành 14,5 tỷ đồng; Đinh Quốc Thái 14,5 tỷ đồng và Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng.
Ngày 23/10 tới, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa ra xét xử vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần tiến bộ (AIC) và các đơn vị liên quan.
Thêm một lần nữa, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đưa ra xét xử vắng mặt với cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cáo buộc cho rằng, quá trình tham gia dự thầu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị thuộc dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với vai trò chủ mưu, đứng đầu đã chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Chủ tịch AIC đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi thông thầu với chủ đầu tư; thực hiện hành vi gian lận, lập hồ sơ “quân đỏ”, “quân xanh”…, để Công ty AIC tham gia dự thầu và trúng 6/6 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Cáo buộc cho rằng, để Công ty AIC trúng thầu còn có sự giúp sức của các bị can thuộc Công ty AIC và các Công ty có liên quan. Bên cạnh đó là hành vi tạo điều kiện của các bị can thuộc chủ đầu tư và hành vi thiếu trách nhiệm của các bị can thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu.
Tiếp tục điều tra các vụ án khác
Vào tháng 4/2023, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị can khác đã bị CQĐT khởi tố để điều tra sai phạm liên quan Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Ngày 6/7/2023, CQĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và các đơn vị liên quan.
Trong số các bị can bị khởi tố, ngoài bà Nhàn còn có ông Trần Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC.
7 người còn lại bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Dương Hoa Xô, nguyên Giám đốc; Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc; Nguyễn Viết Thạch, nguyên Trưởng ban; Nguyễn Trần Long, nguyên Chuyên viên Ban Quản lý đầu tư xây dựng TTCNSH; Trần Đăng Tấn, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng AIC tại TP.HCM; Nguyễn Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM; Trần Vinh Vũ, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý xây dựng Hồng Hà.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 9/2023, CQĐT đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
CQĐT đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các bị can Trần Văn Tuynh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Y tế; Nguyễn Đằng An, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Y tế; Nguyễn Kim Huân, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Viết Toản, nguyên nhân viên Công ty AIC; Nguyễn Đăng Linh, nguyên nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định Giá BTCVALUE; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC.
Các bị can trên bị khởi tố cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Chiều 16/8/2023, trả lời báo chí về vụ án AIC và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho hay: “Chúng ta đã có bước tiến mới mà Ban Chỉ đạo đã tổng kết là hiếm có một nền tư pháp nào, một đất nước nào có khả năng, cách làm xử lý cả với những đối tượng bỏ trốn.
Quy định của pháp luật Việt Nam cho phép làm điều đó. Tất cả trường hợp có hành vi phạm tội, chứng cứ rõ mà bỏ trốn thì vẫn đủ điều kiện kết tội để xử lý nghiêm minh”, ông Yên khẳng định.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết thêm, đây là tiền đề để phục vụ cho việc truy bắt tội phạm bỏ trốn.
Nguồn: vietnamnet